Nâng cao tính chuyên nghiệp trong phát triển du lịch

07:09, 23/09/2010

Trở về sau chuyến du lịch Cam-pu-chia, Hương đến chơi và mang cho tôi một số quà lưu niệm là những vật dụng xinh xắn, quen thuộc nhưng hấp dẫn. Chiếc móc chìa khoá, cái bấm móng tay, đồ trang trí tủ lạnh là những miếng gỗ nhỏ có gắn nam châm, trong đó chạm trổ danh thắng đặc trưng của Cam-pu-chia, mấy quả thốt nốt đặc sản… Rồi Hương lấy trong túi ra một tập những tấm bản đồ gấp gọn, cuốn cẩm nang bỏ túi "Ăn gì? Ở đâu?", "điểm đến ở Xiêm Riệp". Bản đồ du lịch thủ đô Phnôm-pênh, Xiêm Riệp vẽ bằng công nghệ 3D bắt mắt, hấp dẫn, rất dễ xem, dễ tìm. Một mặt in bản đồ, mặt kia là những "lát cắt" các danh thắng nổi tiếng, các nhà hàng, khách sạn, khu resort... Hương bảo tôi:

Đền Trần, điểm thu hút khách du lịch.
Đền Trần, điểm thu hút khách du lịch.

- Cậu thấy chuyên nghiệp chưa? Tất cả những tấm bản đồ này khách du lịch được phát không, chi phí in ấn của chính những nhà hàng, khách sạn quảng cáo trên đó đầu tư. Cuốn sách này cũng vậy, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư vốn để in. Mình ngồi trên xe buýt, hay trên thuyền có thể tranh thủ đọc và lựa chọn điểm đến. Vì nhiều điểm lắm, nếu không thế thì sẽ rất lúng túng. Nhưng kể cả nơi mình chưa đến thì qua những trang sách này mình cũng biết được những nét cơ bản, nếu có cơ hội lần sau mình sẽ đến. Khi mình mua những món đồ lưu niệm mỹ nghệ nho nhỏ này, lại chợt nghĩ đến làng nghề La Xuyên ở quê mình. Cậu thấy đấy ! Nếu khách du lịch đến thì cũng chỉ ngắm để trầm trồ về tài năng của thợ, nhưng để mua quà lưu niệm đặc trưng thì quá khó vì toàn những sản phẩm to và đắt tiền. Giá như có những sản phẩm nhỏ, tinh xảo, dễ mang về như thế này thì ai chả muốn mua một thứ gì đó mang về làm quà? Hay lúc mình đến Xiêm Riệp, có một tour rất thú vị, mua vé trọn gói, trong đó có 7 suất diễn nghệ thuật truyền thống, có thể xem lần lượt hoặc lựa chọn tuỳ mình. Lúc đó mình cứ ước tại sao ở Phủ Dầy không tổ chức như thế này. Nghệ thuật hoá các giá hầu đồng để biểu diễn cho du khách, có kèm theo các tờ giới thiệu về ý nghĩa của từng giá mình tin chắc không có du khách nào muốn bỏ qua. "Đi một ngày đàng"… Có đi mới thấy họ làm du lịch rất chuyên nghiệp, từ những người bán dạo quà tặng, hay dịch vụ xe tuk-tuk, không hề chèo kéo khách mà tập trung thuyết phục khách thôi, nên du khách ít khi từ chối.

Nghe Hương nói, tôi cũng đồng tình. Tỉnh ta có những tiềm năng du lịch đa dạng cả nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề, tâm linh… Tuy nhiên việc khai thác, phát triển hiện nay vẫn đơn giản, bề nổi theo kiểu "ăn xổi" nên không phát huy hết hiệu quả. Du khách đến đông song thời gian lưu trú ít, sản phẩm dịch vụ không phong phú dẫn đến giá trị dịch vụ chưa cao. Việc nghiên cứu thiết kế những sản phẩm lưu niệm đặc sắc, tinh xảo đậm nét Nam Định, hay một bản đồ du lịch Nam Định 3D thiết nghĩ không khó khả thi với một địa phương có tiềm năng công nghệ thông tin như tỉnh ta. Vấn đề là cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong định hướng, tổ chức phát triển ngành kinh tế du lịch, đầu tư chiều sâu cho nguồn nhân lực cũng như hạ tầng cơ sở; bảo vệ, tôn tạo các cảnh quan, công trình di tích trên tinh thần tôn trọng các giá trị gốc, bản sắc của công trình. Đó là những yếu tố cần để xây dựng thương hiệu cho du lịch Nam Định thực sự trở thành "điểm đến" cho du khách trong và ngoài nước./.

Vân Thi

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com