Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới

07:03, 31/03/2022

Nghề và làng nghề tồn tại, phát triển như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm ở Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng. Việc tuyên truyền quảng bá, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của mỗi làng nghề, đặc biệt là khai thác giá trị văn hóa làng nghề để phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống trong xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên việc xây dựng mô hình du lịch làng nghề ở tỉnh ta còn cần những giải pháp mang tính đột phá.

Khách du lịch trải nghiệm nghề ươm tơ Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh).  Ảnh: Viết Dư

Khách du lịch trải nghiệm nghề ươm tơ Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh).

Ảnh: Viết Dư

Nam Định sở hữu nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm, được giữ gìn qua nhiều thế hệ, có thương hiệu toàn quốc. Nếu như huyện Nam Trực nức tiếng gần xa với làng rèn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang; làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá; làng nghề làm hoa giấy, hoa lụa ở Báo Đáp, xã Hồng Quang; luyện đồng, chạm vàng bạc ở Đồng Quỹ, xã Nam Tiến… thì huyện Trực Ninh lại được biết đến với nghề ươm tơ, dệt lụa ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất ở xã Phương Định và làng Dịch Diệp, xã Trực Chính. Huyện Nghĩa Hưng thì có nghề khâu nón ở xã Nghĩa Châu; dệt chiếu ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn; đan vó cá ở xã Hoàng Nam, làng nghề làm mắm Ngọc Lâm. Huyện Vụ Bản - vùng đất “địa linh nhân kiệt” với các nghề rèn ở xã Quang Trung; sơn mài, sơn then làng Hổ Sơn, xã Liên Minh; đan gối mây Tiên Hào, xã Vĩnh Hào. Huyện Ý Yên từ lâu đã được xem là đất nghề với nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Tiến; đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm,… Làng sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến vẫn còn truyền tụng câu: “Sơn Định Bảng khéo cầm, khéo chế/Thợ tỉnh Nam chạm vẽ khéo tay” ca ngợi sự tài hoa, thông minh, sáng tạo của những nghệ nhân nơi đây. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện toàn tỉnh có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hải Hậu với 41 làng nghề; huyện Ý Yên 25 làng nghề và huyện Nam Trực 21 làng nghề... Nhóm làng nghề truyền thống (trên 50 năm tuổi) có 29 làng nghề với các sản phẩm như: cây cảnh, đồ đồng, đồ gỗ, mây tre đan... mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Qua sử dụng kỹ thuật phân tích SWOT (thế mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) về làng nghề, đồng chí Lê Hồng Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Cùng với việc sở hữu nhiều làng nghề được gìn giữ qua nhiều thế hệ, tỉnh ta còn có trên 1.600 di tích lịch sử văn hóa, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc; ẩm thực, đặc sản phong phú và nổi tiếng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nâng cao và kiểu mẫu đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 106/204 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 226 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên… Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, hợp lý; cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp” nhận thức của người dân nông thôn đã thoát khỏi tư duy đơn thuần là phát triển sản xuất nông nghiệp mà hướng tới kinh tế nông nghiệp gắn với các loại hình dịch vụ gia tăng từ ngành nghề nông nghiệp để nâng cao đời sống vật chất; đó là những lợi thế thu hút du khách, tiềm năng để đẩy mạnh phát triển du lịch. Ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 xác định mục tiêu phát triển của du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt là Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-2-2022 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung “Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị...”. Đây là cơ hội thuận lợi để tỉnh ta phát huy tiềm năng phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng NTM. 

Tuy nhiên để phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: kiến thức, kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn... còn thấp. Công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn còn yếu; thiếu gắn kết giữa chính quyền địa phương, người dân với các doanh nghiệp lữ hành. Sự liên kết phát triển du lịch giữa các ngành chức năng chưa thực sự chặt chẽ. Nguồn kinh phí dành cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Công tác lồng ghép, tích hợp quy hoạch, xây dựng các khu vực đủ điều kiện phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống chưa được thực hiện. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; công tác kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường và năng lực của đội ngũ quản lý Nhà nước về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế cũng là một trở ngại lớn để phát triển mô hình du lịch làng nghề truyền thống trong xây dựng NTM. 

Thời gian tới, tỉnh tập trung rà soát xây dựng đề án, tích hợp quy hoạch các khu đủ điều kiện phát triển mô hình du lịch làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng NTM để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về phát triển du lịch gắn với NTM; tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề. Đổi mới công tác truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng NTM trên mạng internet (công nghệ 4.0). Tạo sự liên kết phát triển du lịch chặt chẽ giữa các ngành chức năng với các công ty lữ hành trong và ngoài nước. Linh hoạt phát triển du lịch trên cơ sở đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường bằng các quy định, chế tài, quy định trách nhiệm đảm bảo môi trường cho các khu, điểm du lịch. Quản lý chặt chẽ điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Việc định hướng phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống; sản phẩm du lịch cộng đồng; mô hình liên kết chuỗi du lịch - nông nghiệp; kết nối giữa làng nghề với lễ hội và di tích lịch sử, hình thành các tua du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... sẽ đem lại lợi ích rất lớn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Đồng thời là một trong những giải pháp hữu hiệu để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao trong thời gian tới./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com