Hỗ trợ hội viên nông dân phát triển ngành nghề ở Ý Yên

08:03, 29/03/2022

Quan tâm hỗ trợ hội viên khai thác các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, phát triển ngành nghề, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn, thương hiệu của huyện, thời gian qua các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Ý Yên đã giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nông dân xã Yên Phương phát triển mô hình nuôi cá chạch sụn.  Bài và ảnh: Lam Hồng
Nông dân xã Yên Phương phát triển mô hình nuôi cá chạch sụn. 

Huyện Ý Yên từ lâu đã được xem là đất nghề với 27 làng nghề truyền thống; nổi tiếng trong cả nước phải kể đến nghề chạm khắc gỗ Ninh Xá, La Xuyên; đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm; sơn mài Cát Đằng, mây tre đan Yên Tiến… Mỗi làng nghề với nét riêng độc đáo đã tạo nên bức tranh đa sắc trong nền kinh tế địa phương. Ngày nay, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến vào công đoạn sản xuất, kết hợp giữa máy móc hiện đại với tay nghề điêu luyện, sản phẩm của các làng nghề ngày càng có hàm lượng văn hóa cao, đa dạng phong phú về chủng loại, mẫu mã, độc đáo về kiểu dáng, kỹ, mỹ thuật. Xác định duy trì và mở rộng các ngành nghề truyền thống tại địa phương là khâu đột phá quan trọng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, các cấp HND trong huyện đã tập trung hỗ trợ hội viên phát triển ngành nghề. Tại các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, nhất là các cơ sở may mặc, đóng tàu, xây dựng, đúc, sản xuất gạch, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu... hội viên nông dân đã tích cực sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu tìm chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được đẩy mạnh đã khích lệ nông dân trong huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư phát triển ngành nghề, nhất là các nghề truyền thống của địa phương. Điển hình như HND thị trấn Lâm, nhiều hộ nông dân đã phát huy thế mạnh nghề đúc đồng truyền thống, đầu tư mở rộng sản xuất, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Toàn thị trấn hiện có trên 40 công ty, gần 2.000 hộ làm nghề đúc đồng; trong đó có 4 người được công nhận “Nghệ nhân Ưu tú”, hàng chục người đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”. Anh Vũ Duy Điệp được Bộ Công Thương trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tháng 12-2020. Công ty của anh chuyên sản xuất các sản phẩm tượng, đồ thờ với nhiều công trình, tác phẩm tiêu biểu. Anh Hoàng Duy Cường, thôn Tây Tống Xá, từ năm 2010 đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Sản phẩm chủ yếu của cơ sở là các đồ đồng mỹ nghệ như tượng danh nhân, tranh đồng, chuông đồng, đồ thờ cúng tâm linh, đồ phong thủy, sản phẩm trang trí… được tiêu thụ đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Để có những sản phẩm đạt tính thẩm mỹ cao, tinh xảo đến từng chi tiết, ngoài khâu đúc cần hỗ trợ của máy móc, khâu hoàn thiện chủ yếu vẫn phải làm thủ công, đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của bàn tay người thợ. Hiện tại, cơ sở đúc đồng của anh Cường tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài nghề đúc đồng, tại thị trấn Lâm, các nghề thủ công mỹ nghệ, chạm trổ điêu khắc, mộc, nứa chắp, sơn mài đã được đưa vào các chi hội thôn xóm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên... Cùng với đó, các ngành nghề mới cũng được quan tâm mở rộng, trong đó ngành may tạo việc làm phù hợp tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn. Xã Yên Trị hiện có hàng chục doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, thu hút và tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các xã lân cận. Với định hướng đúng và những chính sách ưu đãi trong phát triển ngành nghề, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp về dệt may như Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh, Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Vĩnh Tiến, Công ty cổ phần Bảo Linh… Toàn huyện cũng đã thành lập được 3 chi hội nghề nghiệp, 7 mô hình tổ hội nghề nghiệp, qua đó các hội viên cùng chung ngành nghề gắn kết với nhau sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp HND trong huyện còn hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở mang ngành nghề. Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của toàn huyện đạt trên 2,8 tỷ đồng tạo điều kiện cho 82 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. HND huyện còn phối hợp cùng 2 chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT ký kết thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã có 8.533 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 2.043 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho hội viên được chú trọng. Năm 2021, HND các xã Yên Ninh, Yên Tiến, thị trấn Lâm phối hợp tổ chức dạy nghề mộc, đúc đồng, sơn mài, tre nứa chắp... góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hội viên.

Với việc hỗ trợ hội viên phát triển ngành nghề, các cấp HND huyện Ý Yên đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống của địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com