Cần ngăn chặn những vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng

05:03, 18/03/2022

Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tới 170 điểm cầu các bộ, ngành, địa phương trên cả nước về việc phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN). Thông tin tại hội nghị, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết tình trạng vi phạm trong quảng cáo TPCN ngày càng phức tạp. Trong 2 năm (2020-2021), Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm về quảng cáo đối với 76 cơ sở với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng vi phạm bị phát hiện và xử lý cũng như số tiền phạt còn rất “khiêm tốn” so với thực trạng vi phạm và lợi nhuận từ kinh doanh TPCN (cũng là thiệt hại về tài chính đối với người tiêu dùng khi mua phải TPCN giả, chất lượng kém). Cũng theo Cục An toàn thực phẩm cho biết, mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực nhưng vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội. Mới đây, VTV24 đã phát những hình ảnh mà phóng viên ghi được cảnh quay video quảng cáo thuốc gia truyền, TPCN; trong đó, từ “bác sĩ, người chờ khám bệnh, phòng mạch, người phản hồi về công dụng của thuốc… đều là các diễn viên đóng theo kịch bản quảng cáo. Người đóng vai bệnh nhân đã dùng thuốc phát biểu: “tôi bị bệnh… lâu năm, điều trị đông,  tây y đều không khỏi, may gặp bác sĩ… cách đây mấy tháng, dùng thuốc của bác sĩ thì bệnh thuyên giảm hẳn…” phải quay lại nhiều lần vì không đúng lời thoại trong viết sẵn?! Những video, clip này nếu được phát trên các kênh truyền hình, nền tảng mạng xã hội có uy tín thì nhiều người dân không có kinh nghiệm sẽ lầm tưởng và tin mua sản phẩm, nhất là với người cao tuổi.

Đời sống ngày càng phát triển, người dân ngày càng quan tâm và có điều kiện đầu tư tiền của cho việc chăm sóc sức khỏe, trong đó các loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe, do vậy, thị trường TPCN ngày càng nở rộ. Thông tin tại hội nghị, đại diện ngành Y tế cho biết, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về quy định quảng cáo TPCN, nội dung quảng cáo chưa đúng như được cơ quan chức năng phê duyệt, quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, thậm chí quảng cáo cả các sản phẩm chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép; thường sử dụng hình ảnh bác sĩ, cơ sở y tế, những người hoạt động xã hội có uy tín, văn nghệ sĩ, cả những phản hồi có lợi của người bệnh… làm quảng cáo tạo sự hiểu lầm của người dân khi sử dụng các sản phẩm này. Các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube… Qua thanh tra, kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên bán TPCN trái phép. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, sử dụng công nghệ lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai sự thật. Các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm này nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể. Trong khi đó, các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên khó kiểm soát. Một số website, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể của quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Hệ lụy của vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN là rất nghiêm trọng, gây tổn hại sức khỏe của người dân khi mua phải hàng giả, kém chất lượng, có bệnh mà không chữa trị kịp thời do lầm tưởng sử dụng TPCN như thuốc chữa bệnh, thiệt hại về tài chính,… Việc đấu tranh ngăn chặn vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN là hết sức cấp thiết và cần sự phối hợp đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm hiện nay vướng mắc do nhiều trường hợp biết là vi phạm song do chưa có quy định nên không xử lý được. Để khắc phục tình trạng “phải chạy theo doanh nghiệp sai phạm để xử lý, Bộ Y tế đề nghị các Bộ: Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty đa cấp kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, hội thảo phát triển thành viên để phát hiện và ngăn chặn quảng cáo truyền miệng sản phẩm TPCN sai sự thật. Cơ quan an ninh mạng tăng cường kiểm soát phát hiện và kiên quyết xử lý các trang mạng vi phạm về hoạt động quảng cáo TPCN. Các cơ quan báo chí truyền thông, nhất là các cơ quan báo, đài địa phương cần thực hiện nghiêm quy định trong hoạt động quảng cáo theo đúng nguyên tắc: chỉ quảng cáo các sản phẩm đã được xét duyệt, chứng nhận và quảng cáo đúng nội dung đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Các cơ quan chủ quản của đơn vị kinh doanh quảng cáo phải nghiêm túc, chủ động thực hiện việc kiểm tra nội dung quảng cáo trước khi đưa vào phát hành, kiên quyết không đưa vào quảng cáo khi chưa có văn bản xác nhận của cơ quan chuyên môn đối với sản phẩm được quảng cáo và nội dung quảng cáo. Đặc biệt nghiêm cấm việc quảng cáo quá tác dụng của sản phẩm hay quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh. Tất cả các trường hợp vi phạm quảng cáo TPCN bị phát hiện phải được xử lý nghiêm và công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết. Tới đây, Bộ Y tế sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm để có cơ sở pháp lý xử lý các vi phạm mà hiện tại thấy rõ nhưng không thể xử lý vì thiếu quy định.

Đặc biệt, trong công cuộc chống vi phạm hoạt động quảng cáo TPCN rất cần sự phối hợp của người dân, không mua TPCN khi không thật sự cần thiết (có sự tham khảo, khuyến cáo của người thực sự có chuyên môn) và không mua sản phẩm quảng cáo qua tuyên truyền miệng. Chủ động tìm hiểu về sản phẩm trên các trang thông tin của ngành chuyên môn y tế để đảm bảo sản phẩm đã được cấp phép hoặc sản phẩm không thuộc diện bị thu hồi do phát hiện các lỗi về chất lượng sau khi đưa ra thị trường, tránh “tiền mất tật mang”./.

Vân Thi

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com