Hỗ trợ nông dân thích ứng chuyển đổi số

08:03, 16/03/2022

Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số (CĐS) vào các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ đang trở thành xu thế tất yếu của ngành Nông nghiệp. Trong đó, vai trò của người nông dân rất quan trọng, từ khâu tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Số hóa quy trình canh tác tại trang trại công nghệ cao xã Nam Phong (thành phố Nam Định).
Số hóa quy trình canh tác tại trang trại công nghệ cao xã Nam Phong (thành phố Nam Định).

Đồng hành cùng nông dân

Năm 2021, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm khoảng 19% trong GDP toàn tỉnh. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, CĐS được xem là “chìa khóa” phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao; giúp giảm thiểu tổn thất trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Thời gian qua, thực hiện lộ trình CĐS, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hỗ trợ nông dân, thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tự doanh, tiếp cận thị trường; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ Web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi, dữ liệu xây dựng NTM và đang triển khai Đề án CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua các kênh trực tuyến. Trong phát triển sản xuất, ngành NN và PTNT quan tâm thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng thương hiệu; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển thương mại điện tử… Đến nay đã hỗ trợ 150 cơ sở, doanh nghiệp xây dựng phần mềm định danh điện tử, 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử; hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh (QR code) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại cho các sản phẩm nông sản thực phẩm. Hàng trăm trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến sử dụng phần mềm nhật ký điện tử theo dõi quá trình sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Những mô hình CĐS hiệu quả

Được sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng, các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử trong công cuộc CĐS, người nông dân dần quen với các phương thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, giới thiệu, quảng bá, bán hàng trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, kênh tiêu thụ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, những năm gần đây, nhiều vùng nuôi thủy hải sản lớn trong tỉnh như vùng nuôi tôm công nghiệp Giao Phong, Bạch Long, Giao Long (Giao Thủy); Hải Hòa, Hải Xuân, Hải Triều (Hải Hậu); Nam Điền (Nghĩa Hưng)… đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang làm theo hướng dẫn của các chuyên gia; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp thông minh gắn với CĐS. Tại vùng nuôi thủy sản tập trung xã Giao Long (Giao Thủy) có hơn 20 hộ nuôi với gần 100ha diện tích mặt nước. Các hộ dân ở đây đều áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ hỗ trợ sản xuất. Trong đó ứng dụng cơ bản là hệ thống điều hành, giám sát tự động để thực hiện quy trình sản xuất và quản lý trang trại. Hệ thống camera cảm biến được lắp đặt vừa đảm bảo an ninh, theo dõi sát tình trạng các ao nuôi và nhận cảnh báo các sự cố đột xuất như mất điện, thiết bị hỏng không hoạt động; các thiết bị tự động cho cá ăn, tự tạo ô-xy, tạo màu (dinh dưỡng), tạo sóng… cho ao nuôi. Mọi công đoạn từ cho ăn theo định lượng, thời điểm cho ăn, thời điểm bật quạt khí, chế độ tạo ô-xy, độ PH trong ao nuôi… đều được lập trình sẵn cho thiết bị tự động thực hiện. Với cách làm, mỗi trang trại từ trên 1ha trở lên chỉ cần 1 lao động chính thay cho 5 lao động phổ thông như trước đây. Chủ trang trại kiểm soát được lượng thức ăn cũng như môi trường nước cho đàn cá phát triển, tránh tối đa việc chăm sóc cá theo cảm tính khiến chất lượng không đồng đều. Những trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao hầu hết đều ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều tiết tưới nước, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh. Người sản xuất có thể vận hành hệ thống tưới mọi lúc, mọi nơi; có thể kết hợp tưới nước với bón phân; kiểm soát lượng phân bón đúng tỷ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất. Anh Đoàn Văn Sáu, giám đốc Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) cho biết: Trồng trọt theo quy trình truyền thống, các trang trại sẽ phải mất nhiều chi phí thuê nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn khi ứng dụng công nghệ cao, mỗi vùng sản xuất đều được giám sát theo nhật ký điện tử nên lượng dinh dưỡng được giám sát chặt chẽ, không hao phí và có tính bao quát cao mà lao động thủ công khó có thể làm được. Thay vì phải trực tiếp đi thăm đồng, chúng tôi nhìn hình ảnh qua vệ tinh, phát hiện chi tiết sâu bệnh hại lúa để điều trị triệt để. Đồng thời thu hoạch đồng loạt cả cánh đồng nên hiệu quả cao. Nhờ sự chủ động, mạnh dạn thay đổi, quyết tâm đầu tư tìm ra hướng đi mới hiệu quả trong nông nghiệp của người nông dân, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nông dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, dần bắt nhịp với công cuộc CĐS. Việc ghi chép nhật ký sản xuất không làm thủ công như trước đây mà được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Không chỉ tự động hóa trong quy trình sản xuất, khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm cũng dần được số hóa. Đến kỳ thu hoạch, thiết bị sẽ thông báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua; doanh nghiệp thu mua cũng như người tiêu dùng chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất, mọi thông tin về sản phẩm từ giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sản lượng rau, củ, con nuôi tại nhiều nông trại, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được nâng lên, giá trị sản phẩm cũng được cao hơn so với trước.

Với quan điểm CĐS phải bắt đầu từ nông dân và sản xuất dựa trên nền tảng số, dữ liệu số, ngành Nông nghiệp vừa tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất, thay đổi phương thức bán hàng, vừa nhận diện những khó khăn trong quá trình tiếp cận công nghệ số như: Số đông người nông dân chưa hiểu cụ thể thế nào là CĐS, không biết CĐS phải bắt đầu từ đâu và chuyển đổi sao cho hiệu quả… Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ chưa đảm bảo để áp dụng CĐS hiệu quả. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ về CĐS trong từng lĩnh vực hoạt động, công việc từ đó mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS phù hợp thực tiễn sản xuất nông nghiệp để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com