Thành phố Nam Định hướng tới mục tiêu phát triển thành trung tâm công nghiệp của tỉnh

07:02, 14/02/2022

Để hướng đến mục tiêu là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thời gian qua thành phố Nam Định đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Vận hành thiết bị sản xuất sợi tại Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định.
Vận hành thiết bị sản xuất sợi tại Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định.

Năm 2021 được sự quan tâm của tỉnh, thành phố Nam Định đã tích cực triển khai thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Xây dựng cầu qua sông Đào, xây dựng đường trục phía nam thành phố (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B), xây dựng khu đô thị đường Nguyễn Công Trứ, cải tạo hè đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Trần Nhân Tông); xây dựng trụ sở Thành ủy - HĐND - UBND thành phố; Nhà máy điện rác tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc… Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố và thành lập 2 phường Nam Vân, Nam Phong theo quy hoạch đã được phê duyệt. Triển khai lập điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố. Hoàn thành điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu phường Trần Quang Khải, phường Cửa Nam, xã Nam Vân (phục vụ dự án xây dựng cầu qua sông Đào và đường trục phía nam thành phố); phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 khu đất ở thương mại thuộc khu tái định cư Phúc Tân; Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nguyễn Công Trứ phường Lộc Vượng. Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính tăng năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư. Đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm năng quan tâm tiếp cận tìm hiểu xúc tiến đầu tư các dự án mang tính quy mô, trọng điểm của thành phố theo quy hoạch. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực, thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp vượt khó, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, quảng bá các thương hiệu, nhất là thương hiệu các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của thành phố. Trong năm 2021, đã cấp giấy Chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021” cho 7 sản phẩm của 2 doanh nghiệp. Trong năm 2021, 73 doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp An Xá đều ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 người với lương bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp toàn thành phố đạt 1.300 tỷ đồng; doanh thu năm ước đạt 2.650 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý tăng 15,1% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 1.199 triệu USD, tăng 4,8% so với năm 2020. Thành phố Nam Định tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm sản xuất công nghiệp của một số ngành chủ lực như: dệt may, sản xuất thuốc và hóa dược… đứng trong tốp đầu của cả nước.

Tuy nhiên thành phố cũng nhận diện rõ những bất cập, hạn chế trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ cần khắc phục tuy chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nhưng giá trị còn nhỏ; chưa khai thác, phát huy đúng mức tiềm năng lợi thế về công nghiệp, du lịch, phát triển đào tạo nguồn nhân lực. Việc thu hút các nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù chưa đủ mạnh để tạo động lực cho thành phố phát triển. Tốc độ đô thị hóa nhanh đòi hỏi phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể gắn liền với phát huy tiềm năng, lợi thế và tạo nguồn lực để xây dựng thành phố. Năm 2022 xác định công nghiệp, thương mại, dịch vụ là “mũi nhọn”, nên thành phố tiếp tục chủ trương duy trì ổn định sự phát triển bền vững trên cơ sở nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp. Giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp trên địa bàn thành phố đối với công nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dân doanh, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất các sản phẩm truyền thống, làm vệ tinh cho các cơ sở sản xuất lớn, đồng thời chuyển hướng sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, có chất lượng cao và xuất khẩu; tiếp tục đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp tập trung để góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố. Hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, giai đoạn 2021-2025. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Tập trung hoàn thành lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn theo Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020. Tập trung triển khai công tác mở rộng địa giới hành chính theo quy hoạch. Khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế địa giới hành chính, chú trọng phát triển theo mô hình đa cực, xác định sông Đào là trục xương sống để phát triển đồng đều hai bên sông; lấy đô thị cũ làm trung tâm kết nối, tạo các trục kết nối với không gian mở vào trong trung tâm đô thị cũ và trung tâm mới nam sông Đào. Tích cực hình thành 3 vùng phát triển: Vùng đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh. Vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc (Mỹ Lộc), hình thành các khu vực đô thị tổng hợp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố, hình thành đô thị dịch vụ, thương mại, phát triển vùng sinh thái nông nghiệp nam sông Đào gắn với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven sông. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân. Tăng cường thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút phát triển các ngành, lĩnh vực tạo ra sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao, nhất là: cơ khí chế tạo, điện - điện tử; hóa - dược, công nghệ sinh học; công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, vận tải, logistics, khoa học công nghệ, dịch vụ tài nguyên môi trường, khách sạn, nhà hàng, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí; hình thành các tuyến phố thương mại, phố cổ, chợ đêm, phố đi bộ... với sản phẩm truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ. Phát triển các đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho đô thị trung tâm, thu hút tăng trưởng, góp phần tạo nền tảng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. 

Năm 2022 thành phố đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý tăng 14-15% so với năm 2021; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 8-9%. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 bình quân đạt giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân trên 17%/năm; giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ tăng trên 10%/năm; đến năm 2025, giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 2 tỷ USD./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com