Gia tăng khả năng liên kết vùng

06:02, 15/02/2022

Trong lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc luôn nhấn mạnh yêu cầu các địa phương cần coi thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh trong quá trình phát triển, nhất là trong xu thế hợp tác, toàn cầu hoá như hiện nay nhằm mở ra các cơ hội phát triển đồng bộ cho các huyện, thành phố và toàn tỉnh.

Dự án cải tạo kè hồ Vỵ Hoàng góp phần giúp thành phố Nam Định gia tăng điểm nhấn, thu hút phát triển kinh tế, du lịch.
Dự án cải tạo kè hồ Vỵ Hoàng góp phần giúp thành phố Nam Định gia tăng điểm nhấn, thu hút phát triển kinh tế, du lịch.

Trong đó, tỉnh đã lựa chọn việc phát triển các cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu góp phần kết nối, gia tăng nhanh khả năng liên kết vùng như tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các tuyến đường mang tính kết nối Nam Định với các vùng kinh tế trọng điểm ở đồng bằng Bắc Bộ gồm: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của ba huyện ven biển; kết nối giao thông với các tuyến Quốc lộ 37B, 21, 21B, kết nối tuyến đường trục phát triển của tỉnh và tỉnh lộ 490C, góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ ven biển trong khu vực); dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia). Đồng thời, triển khai thủ tục đầu tư giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; dự án xây dựng cầu qua sông Đào; dự án đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B)... Trong bối cảnh còn khó khăn về nguồn vốn, tỉnh đã kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún mà tập trung đầu tư các dự án xương sống và phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, tạo sức lan tỏa thu hút liên kết liên vùng, gồm: Xây dựng, phát triển vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực, là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh; phát triển thành phố Nam Định thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ vùng nam đồng bằng sông Hồng.

Để gia tăng khả năng liên kết vùng, năm 2022 tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng liên kết vùng, liên kết thành thị với nông thôn. Tổng quát nhất là dồn lực lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đề cương nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070... Tỉnh xác định tiếp tục kêu gọi, huy động sự quan tâm đầu tư các nguồn lực từ Trung ương là hết sức quan trọng, trong đó đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông kết nối các vùng cần phải được triển khai đồng bộ và phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện. Tăng cường nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển. Trong đó, vùng kinh tế biển tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông trở thành trung tâm sản xuất đồng bộ từ dệt vải, nhuộm, phụ kiện và may mặc có công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Xây dựng Đề án thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ với mục tiêu khi hoàn thành sẽ là trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng nam đồng bằng sông Hồng; tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Tích cực phát triển hệ thống cảng, dịch vụ vận tải biển, công nghiệp chế biến thủy, hải sản. Khai thác hiệu quả khu vực cửa biển Lạch Giang đã được đầu tư nâng cấp. Tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục để sớm đưa vào hoạt động Dự án Tổng kho và cảng xuất - nhập xăng dầu, Khu trung tâm thương mại dịch vụ... Chú trọng nguồn lực xã hội hóa để đẩy mạnh xây dựng các đô thị Thịnh Long, Quất Lâm, Đại Đồng, Giao Phong. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các khu du lịch biển hiện có và Vườn quốc gia Xuân Thủy; đồng thời mở rộng không gian du lịch tại khu vực bãi bồi Rạng Đông trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh và là điểm Ramsar thứ hai sau Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Tích cực đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về lợi ích của liên kết vùng, đặc biệt là tư duy và trách nhiệm của đội ngũ bộ lãnh đạo các cấp chính quyền, các địa phương. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ quy mô liên kết vùng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao khả năng điều hành vùng; xây dựng hạ tầng số kết nối Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của tỉnh với các địa phương trong vùng, phục vụ việc ra quyết định, đặc biệt là các quyết định liên quan đến xử lý các vấn đề có tính chất vùng và liên vùng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com