Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án cấp nước sạch

07:09, 28/09/2021

Để tăng cường sức khỏe, nâng cao điều kiện sống cho người dân, giảm sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, tỉnh ta đã đẩy mạnh thu hút xã hội hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý các công trình cung cấp nước sạch. 

Vận hành hệ thống cấp nước tại Công ty CP Nước sạch Hoàng Gia 2 (Xuân Trường).
Vận hành hệ thống cấp nước tại Công ty CP Nước sạch Hoàng Gia 2 (Xuân Trường).

Ghi nhận từ nhà đầu tư

Theo ông Hoàng Đức Hinh, Giám đốc Công ty CP Nước sạch Hoàng Gia 2 thì tháng 8-2020 Công ty khởi công xây dựng Nhà máy nước sạch Xuân Ninh (Xuân Trường) sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, máy móc, trang thiết bị được nhập khẩu từ châu Âu, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 50 tỷ đồng, công suất thiết kế 4.000 m3/ngày đêm cung cấp nước sạch cho xã Xuân Ninh và các xã lân cận. Trong quá trình triển khai, Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ có sự tích cực đồng hành, hỗ trợ mọi mặt của các cấp chính quyền, ngành chức năng nên chỉ sau 6 tháng Công ty đã hoàn tất thi công giai đoạn 1 trị giá 40 tỷ đồng. Đến tháng 4-2021 Công ty chính thức khánh thành, đưa Nhà máy vào khai thác, cung ứng nước sạch cho người dân, hoàn thành vượt tiến độ cam kết với UBND tỉnh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch trên địa bàn đều đánh giá cao tinh thần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch của các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh. UBND tỉnh đã chủ động ban hành và Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở chỉ đạo thu hút đầu tư; tạo căn cứ để các nhà đầu tư tìm hiểu, lựa chọn dự án để đầu tư. Trong đó, tỉnh định hướng rõ thu hút đầu tư các nhà máy cấp nước sạch quy mô liên xã, có công nghệ xử lý thích hợp với điều kiện nguồn cấp nước, có điều kiện mở rộng mạng lưới cấp nước cho vùng lân cận trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các công trình cấp nước sạch theo quy hoạch đã phê duyệt; thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định như được miễn thuế, giảm tiền thuê đất. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư các sở, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn phát sinh. Các ngành, các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ an toàn nguồn nước, bảo vệ các công trình cấp nước tập trung và sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.

Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có 53 công trình nước sạch nông thôn với tổng vốn đầu tư đạt trên 5.500 tỷ đồng cấp nước cho 204 xã, thị trấn. Từ đó đã giúp nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch toàn tỉnh đạt 76%. 

Giải pháp cho các dự án vướng mắc

Theo đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT: Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai thi công 7 dự án nước sạch nông thôn cung cấp cho 54 xã. Trong đó, cơ bản các dự án đã đảm bảo tiến độ đề ra. Tiêu biểu như: Dự án cấp nước sạch cho 7 xã huyện Ý Yên do Công ty CP Cấp nước Nam Định làm chủ đầu tư; dự án Nhà máy nước sạch Xuân Ninh do Công ty CP Nước sạch Hoàng Gia 2 làm chủ đầu tư cấp nước sạch cho xã Xuân Ninh (Xuân Trường) và các địa phương lân cận; dự án cấp nước sạch cho 5 xã phía nam huyện Giao Thủy do Công ty CP Nước sạch Quất Lâm làm chủ đầu tư. Tuy nhiên còn một số dự án đã có quyết định đầu tư từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất thi công, đưa nhà máy vào hoạt động. Chẳng hạn Dự án cấp nước sạch cho 32 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu; dự án cấp nước sạch cho 6 xã phía nam huyện Trực Ninh. Nguyên nhân chậm tiến độ là do năng lực huy động, bố trí vốn vào thời điểm triển khai thi công xây dựng của nhà đầu tư yếu; có dự án trong quá trình triển khai do liên quan đến thủ tục về pháp luật đất đai đê điều, thủy lợi nên phải điều chỉnh thiết kế và vị trí xây dựng nhà máy. Bên cạnh đó, dù giá trị đầu tư lớn nhưng một số nhà máy cấp nước nông thôn có địa bàn đầu tư dàn trải, dân cư thưa thớt, không tập trung; người dân trong vùng, địa phương còn giữ tập quán, thói quen sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh mà không phải trả phí như nước giếng khoan, nước mưa; các hộ nghèo, kinh tế khó khăn chưa thể sử dụng nước sạch có trả phí... Do vậy tỷ lệ đấu nối sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thấp như ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn có nhà máy cấp nước sạch đã trên 5 năm nhưng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (nước máy) mới chỉ đạt 20-25%; thị trấn Liễu Đề, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), xã Hải An (Hải Hậu)... mặc dù đã đưa nhà máy vào hoạt động nhiều năm nhưng tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch cũng chỉ đạt 60%. Thực trạng trên ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều nhà máy, khiến doanh nghiệp gặp khó trong thu hồi vốn đầu tư; đồng thời cũng ảnh hưởng không tốt đến sức hút trong công tác kêu gọi đầu tư các công trình cấp nước sạch của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Để giải quyết vướng mắc cho các dự án, các sở, ngành liên quan, các địa phương tích cực làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án cấp nước sạch, thúc đẩy việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy. Đối với các dự án chậm tiến độ nhiều năm do vướng mắc về thủ tục thì tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các công đoạn thẩm định, phê duyệt các thủ tục cần thiết theo đúng quy định pháp luật. Đối với các dự án chủ đầu tư gặp khó trong huy động, bố trí vốn thi công thì yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, tính toán, cân nhắc lại phương án phân kỳ đầu tư. Trong trường hợp doanh nghiệp không cân đối, bố trí được nguồn lực khả thi khiến dự án có nguy cơ tiếp tục hoãn thi công, chậm tiến độ các ngành, các địa phương sẽ áp dụng phương án hủy bỏ, thu hồi một phần dự án chuyển giao cho các doanh nghiệp thực sự có năng lực đầu tư nhằm bảo đảm hài hòa giữa nguồn lực thực tế, lợi ích của chủ đầu tư với lộ trình, kế hoạch cấp nước của địa phương cũng như mong muốn được tiếp cận, sử dụng nước sạch của người dân. Để nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch tại các khu vực đã đầu tư nhà máy cấp nước, các ngành, các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường triển khai nhiều chương trình tập huấn, tuyên truyền tập trung ở các xã, thị trấn có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp. Trong đó chú trọng phân tích lợi ích của việc sử dụng nước sạch; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch; động viên người dân coi trọng việc đảm bảo sức khỏe... Tích cực tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ thúc đẩy tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, chú trọng hỗ trợ các gia đình thuộc diện đối tượng chính sách như hộ nghèo, hộ già cả, độc thân, hộ khó khăn về kinh tế thì vận động các doanh nghiệp cung cấp nước sạch trên địa bàn có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về giá nước cho các hộ gia đình, cá nhân khó khăn. Các sở, ngành, UBND các huyện tập trung nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động cung ứng nước sạch của các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng nước an toàn từ khai thác đến cung ứng nhằm nâng cao mức độ tin tưởng vào năng lực cấp nước sạch của công trình, tích cực tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch.

Với sự tập trung hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, cùng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đang triển khai từ phía chủ đầu tư, toàn tỉnh phấn đấu năm 2021 đạt tỷ lệ từ 95,5% trở lên dân số nông thôn được sử dụng nước sạch./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com