Chuyện người nuôi cá lồng trên sông Hồng

08:09, 27/09/2021

Được các cấp chính quyền tạo điều kiện, nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi cá lồng trên sông nói riêng ở một số địa phương đang phát triển mạnh mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hộ nuôi cá lồng đang phải đối diện với không ít khó khăn trong tiêu thụ các loại cá thương phẩm, cần sự chung tay hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng...

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên cơ sở của anh Chu Văn Bảo ở thôn Đoàn Kết, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) vẫn tồn một lượng lớn các loại cá thương phẩm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên cơ sở của anh Chu Văn Bảo ở thôn Đoàn Kết, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) vẫn tồn một lượng lớn các loại cá thương phẩm.

Chuyện trên dòng sông Hồng…

Trong tiết trời oi nồng, lúc nắng lúc mưa, chúng tôi tìm đến khu nuôi cá lồng trên sông Hồng của anh Chu Văn Bảo thuộc địa bàn thôn Đoàn Kết, xã Mỹ Tân - là một trong những địa phương có phong trào nuôi cá lồng phát triển mạnh của huyện Mỹ Lộc. Vừa bê chậu thức ăn cho đàn cá bị “bỏ đói” đã mấy bữa ăn nay, anh Bảo vừa cho chúng tôi biết: Từ gần một năm nay, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, việc tiêu thụ các loại cá thương phẩm của gia đình tôi rất chậm và ế ẩm. Các thương lái không về mua cá như trước, việc tiêu thụ cá thương phẩm của gia đình tôi thực sự rơi vào bế tắc. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay giá các loại thức ăn cho cá liên tục tăng từ 10 đến 20% khiến những hộ nuôi thủy sản như tôi thực sự rất khó khăn, túng bấn… 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Từ cuối năm 2013, nhận thấy lợi thế, tiềm năng của dòng sông Hồng, anh Bảo và một số hộ dân trong xã đã đầu tư hàng tỷ đồng bằng vốn vay để xây dựng khu bè lồng tận dụng mặt sông phát triển nghề nuôi cá lồng. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: Trên toàn tuyến sông Hồng chạy qua địa bàn xã thì có khoảng hơn 2km điều kiện thủy văn, nguồn nước thuận lợi cho việc nuôi cá lồng bè. Xác định đây là hướng phát triển kinh tế thủy sản nên UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành hướng dẫn các hộ dân nuôi cá lồng trên sông bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước, của tỉnh và ngành chức năng; đồng thời tạo thuận lợi cho người dân vay vốn từ các ngân hàng, phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi để bảo đảm phát triển bền vững các mô hình nuôi cá lồng. Đến thời điểm này, có 3 hộ, gồm: Phạm Văn Sơn, thôn Cộng Hòa; Chu Văn Bảo, thôn Đoàn Kết và Tô Kim Đức, thôn Hồng Phúc nuôi cá lồng trên sông Hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các gia đình đã khá lên nhờ tập trung phát triển mô hình sản xuất mới này. Đối tượng nuôi chủ yếu gồm các loại cá lăng, trắm, chép và cá Koi là những loại cá khá phù hợp với điều kiện môi sinh, khả năng nuôi và được người tiêu dùng ưa chuộng, thuận lợi tiêu thụ. Các lồng nuôi đều được người nuôi đầu tư xây dựng kiên cố, chắc chắn, chịu được sóng, gió trên sông với 2 loại kích cỡ là 36m2 và 54m2/lồng. Theo tính toán của các hộ nuôi, kinh phí đầu tư cho mỗi lồng nuôi từ 30-35 triệu đồng và có thể nuôi từ 2-4 tấn cá nên lượng cá thương phẩm đang tồn, chưa thể xuất bán tại đây khá lớn. Anh Chu Văn Bảo cho biết thêm: Với 30 lồng cá, hiện anh đang tồn đọng khoảng gần 50 tấn cá lăng, trắm, chép thương phẩm đã quá ngày xuất bán do các khách sạn, nhà hàng, đại lý, quán ăn là đối tác thường xuyên của anh đều phải đóng cửa phòng, chống dịch bệnh khiến đầu ra “đứt gãy”. Các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ nên hạn chế các phương tiện từ địa phương khác vào địa bàn nên nhiều đơn hàng tiêu thụ tỉnh ngoài phải hủy bỏ. Khó tiêu thụ nên giá bán cũng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như mọi năm, giá bán cá lăng loại mỗi con từ 5-7kg dao động từ 90 đến 100 nghìn đồng/kg thì hiện còn 50-60 nghìn đồng/kg; cá diêu hồng loại 1,2-1,5kg con trước đây bán 70-80 nghìn đồng/kg thì nay giảm chỉ còn 40-45 nghìn đồng/kg - Anh Bảo cho biết.

Không tìm được đầu ra cho cá thương phẩm nên nguồn thu không có trong khi vẫn phải duy trì sự sinh tồn của đàn cá nuôi khiến các hộ “lao đao”. Để “cầm cự” cho lượng cá tồn, hiện mỗi ngày anh Bảo vẫn phải tốn 15 bao cám loại 25 kg/bao cho cá ăn, đã cắt giảm 25 bao so với quy trình; bình quân tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng/ngày. Anh Bảo trăn trở, thời gian tới nếu giá thức ăn không giảm, đầu ra cho sản phẩm không được cải thiện thì không biết gia đình tôi có “cầm cự” được qua hết đợt dịch này không khi mà nguồn vốn của gia đình ngày một cạn kiệt?! Và không biết liệu còn có thể bám trụ được với nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng nữa hay không?

Lồng cá trên sông Hồng của gia đình chị Vũ Thị Mai, thôn Thượng Trang, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Lồng cá trên sông Hồng của gia đình chị Vũ Thị Mai, thôn Thượng Trang, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Chung tay hỗ trợ người nuôi thủy sản

Để “thích ứng” với điều kiện khó khăn chung từ đại dịch COVID-19, bản thân các hộ nuôi cá lồng trên sông cũng nỗ lực thay đổi. Chị Vũ Thị Mai, chủ hộ nuôi cá Koi, cá lăng, cá chép ở xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân cho biết: Các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa nên tôi chuyển sang hình thức bán cá online qua facebook, zalo cho bạn bè, người quen và những khách hàng trong khu vực và các địa bàn có thể lưu thông được. Tuy nhiên, nhu cầu khách hàng ăn các loại cá lăng to từ 5-7 kg/con, cá chép 3-3,5 kg/con rất ít nên việc tiêu thụ cũng chỉ “nhỏ giọt”, thiếu khả thi và không bền vững. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT): Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người nuôi thủy sản trên địa tỉnh gặp không ít khó khăn bởi số lượng bán được giảm, giá bán xuống thấp, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng chí Trần Văn Kỳ, Phó Chi cục trưởng cho biết: Chi cục đã tham mưu cho Sở NN và PTNT có văn bản đề nghị Tổ công tác của Bộ NN và PTNT đẩy mạnh thông tin kết nối tiêu thụ nông, thủy sản cho các địa phương nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Tạo điều kiện cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Gạo, thủy sản tươi sống (tôm, cá lăng, diêu hồng, trắm, chép, cá Koi…), thủy sản đông lạnh, chế biến và trứng gia cầm được tiêu thụ bình thường trở lại tại thị trường thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Đề nghị các tỉnh, thành phố đưa sản phẩm nông, thủy sản vào danh sách các mặt hàng thiết yếu, được phép lưu thông trong điều kiện bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Từng bước hình thành và gia tăng các hoạt động dịch vụ luân chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu thụ các loại nông, thủy sản cho người sản xuất. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối tiêu thụ nông, thủy sản. Trong tháng 8-2021 đã hỗ trợ 1 doanh nghiệp mở điểm bán hàng, góp phần tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với thương hiệu “Thanh Nam Food”. Tư vấn, hỗ trợ các trang trại, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng tem, nhãn, thương hiệu sản phẩm; sử dụng tem QR Code chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ đưa 50 cơ sở sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ nông, thủy sản. Tiếp tục thúc đẩy các chuỗi liên kết sản xuất, kết nối sản xuất, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông, thủy sản và tham gia các hội chợ nông, lâm, thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Cùng với sự chung tay vào cuộc của ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng chủ động hỗ trợ người nuôi thủy sản. Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã đã lập danh sách ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sớm nhất có thể cho chủ lồng cá, lực lượng tham gia dịch vụ vận chuyển để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý thúc đẩy các loại hàng hóa nông, thủy sản lưu thông thuận lợi.

Hy vọng rằng, với sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, nhất là với Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 21-9-2021 về việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch sẽ giúp người nuôi thủy sản tại các địa phương trong tỉnh nói riêng, người sản xuất, chế biến nông nghiệp nói chung vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tiếp tục nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và xã hội./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com