Thành phố Nam Định đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp

08:03, 31/03/2021

Đại dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, lĩnh vực. Là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, đang được đầu tư xây dựng trở thành trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, thời gian qua thành phố Nam Định tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.

Người tiêu dùng tìm mua sản phẩm kẹo Sìu Châu đạt chuẩn OCOP của Công ty TNHH một thành viên Kim Thành Hoa.
Người tiêu dùng tìm mua sản phẩm kẹo Sìu Châu đạt chuẩn OCOP của Công ty TNHH một thành viên Kim Thành Hoa.

Thành phố đã chỉ đạo rà soát nắm bắt thực trạng các khó khăn doanh nghiệp gặp phải gồm: tình hình tăng giá nguyên liệu, thiếu hụt thị trường; tính thanh khoản giữa các doanh nghiệp với nhau chậm cộng với doanh thu sụt giảm tác động đến tình hình tài chính, luân chuyển vốn của doanh nghiệp... Từ đó, các ngành chức năng của thành phố đã tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ về tài chính như giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay; gia hạn thời gian nộp, miễn giảm một số loại thuế, bảo hiểm xã hội, không tính lãi đối với các khoản thuế và bảo hiểm nộp chậm của doanh nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiêu thụ mới cũng như khai thác thị trường nội địa. Thành phố còn tích cực huy động nguồn lực từ các nguồn, các kênh khác nhau, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến thiết bị máy móc, quy trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị, thương hiệu, thu hút sức mua cho sản phẩm. Năm 2020, thành phố đã hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gồm: sản phẩm kẹo Sìu Châu Vừng và kẹo Sìu Châu Lạc của Công ty TNNH một thành viên Kim Thành Hoa đạt 3 sao; các sản phẩm muối xuất khẩu Nhật Bản NADISALT, bột canh nấm bào ngư và bột canh Royal của Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định đạt 4 sao. Cả 2 doanh nghiệp sau khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút thêm nhiều đối tác tại thị trường trong nước hợp tác kinh doanh cung ứng, tiêu dùng sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng mới. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm thiết yếu đang gia tăng nhu cầu tiêu dùng, bao gồm: các sản phẩm dệt may có mức giá trung bình trở xuống, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may còn chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống; tích cực khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các doanh nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược cũng tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, đi tắt, đón đầu trong tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường, cung ứng kịp thời tối đa nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của các doanh nghiệp, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố quản lý không đạt chỉ tiêu kế hoạch tăng 16% đã đề ra nhưng vẫn đạt 15.860 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 9,03% so với năm 2019. Giá trị xuất khẩu ước đạt 33,7 triệu USD, tăng 15% so với năm 2019. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 15.400 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019. Giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 2.509 tỷ đồng, tăng 8,98% so cùng kỳ. 

Năm 2021 được đánh giá tiếp tục là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp, vì vậy thành phố Nam Định xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác cải cách hành chính, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư lớn như: SunGroup, VinGroup, FLC vào đầu tư các công trình, dự án có tính chất điểm nhấn trong thu hút đầu tư. Tích cực thu hút đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo quy hoạch đã được duyệt, đặc biệt là khai thác có hiệu quả quỹ đất hai bên đại lộ Thiên Trường, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và đường trục phía nam sông Đào. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao như cơ khí chế tạo, điện - điện tử, hóa chất, dược phẩm, công nghệ hỗ trợ. Triển khai, đẩy nhanh tiến độ mở rộng CCN An Xá và xây dựng mới các CCN theo quy hoạch được duyệt. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa vào hoạt động KCN Mỹ Trung, tập trung hoàn thành KCN Mỹ Thuận, nghiên cứu đề xuất xây dựng các KCN mới theo khu vực để tiếp tục đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp vào các khu, CCN tập trung, góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển công nghiệp dân doanh, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất các sản phẩm truyền thống, làm vệ tinh cho các cơ sở sản xuất lớn, đồng thời chuyển hướng sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, có chất lượng cao và xuất khẩu. Tiếp tục duy trì ổn định sự phát triển bền vững trên cơ sở nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp; phấn đấu giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp trên địa bàn thành phố đối với công nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com