Nâng cao hiệu quả chương trình phân loại rác thải sinh hoạt

08:03, 13/03/2020

Đến nay 100% các huyện, thành phố đã triển khai xây dựng đề án phân loại rác thải tại nguồn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các huyện, thành phố đều lồng ghép triển khai xây dựng các mô hình thí điểm phân loại chất thải sinh hoạt rắn tại hộ gia đình. Hiệu quả hoạt động của các mô hình phân loại rác thải đã bước đầu nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong phân loại rác thải. Một số mô hình ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Vụ Bản... đã giúp các hộ dân tận dụng rác thải hữu cơ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, cá, xử lý thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng và đã giảm 30-50% lượng rác thải hữu cơ phải thu gom, vận chuyển và xử lý.

Nông dân xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng.
Nông dân xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng.

Tuy nhiên các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đang hoạt động vẫn còn nhiều bất cập. Tại huyện Nghĩa Hưng, các thùng xử lý rác phát sinh mùi, côn trùng; nước rỉ rác chưa được thu gom. Tại mô hình điểm của thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) vẫn còn một số hộ chưa phân loại rác triệt để, chưa kê thùng phân loại rác đúng cách; đáng bàn hơn là trong khi người dân tích cực thực hiện phân loại thì khâu thu gom, xử lý rác thải lại để lẫn lộn. Tại xóm Hồng Hà 1, Hồng Hà 2 xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) các hộ dân chỉ nghiêm túc thực hiện trong giai đoạn đầu triển khai mô hình nhưng khi lực lượng chức năng, chính quyền địa phương không quyết liệt duy trì công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thì các hộ dân cũng ngừng chấp hành. Mô hình điểm về phân loại rác thải sinh hoạt ở xã Trực Hùng (Trực Ninh) ban đầu được đánh giá cao do người dân rất tích cực, chủ động đầu tư kinh phí trang bị thùng phân loại rác nhưng lại không tính đến kinh phí chi trả cho vận chuyển riêng biệt hai loại rác thải sau phân loại; bên cạnh đó, rác thải chỉ được xử lý riêng biệt như đã phân loại khi lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giám sát, còn lại thường xảy ra tình trạng xử lý lẫn lộn. Mô hình thí điểm đầu tiên tại xã Hải Lý của huyện Hải Hậu không hiệu quả vì chi phí đầu tư hai thùng nhựa để phân loại rác quá cao (hơn 1 triệu đồng/thùng). Mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) dù đã được UBND xã tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cách phân loại, tuy nhiên người dân chủ yếu mới chỉ thực hiện việc phân loại một số chất thải rắn có thể tái chế, những loại chất thải khác vẫn đang được thu gom chung vì vậy mô hình vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, qua kiểm tra cho thấy nguyên nhân của các bất cập kể trên là do cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa sâu sát, thiếu đồng bộ, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo việc duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động sau khi xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt; người dân chưa có thói quen phân biệt các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, thậm chí lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải; bất cập trong khâu thu gom rác thải, chưa đồng bộ phương tiện vận chuyển, xử lý để tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt sau khi phân loại tại các hộ gia đình; kinh phí đầu tư cho việc phân loại rác tại nguồn (dụng cụ, phương tiện chuyên trở, lao động) còn rất hạn chế; cán bộ làm công tác môi trường tại các huyện, các xã, thị trấn còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên việc thực hiện trách nhiệm về quản lý công tác bảo vệ môi trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được triển khai sâu rộng đến từng người dân; chưa có quy định pháp lý, hướng dẫn chuyên môn chính thức về phương pháp phân loại chất thải rắn để hướng dẫn người dân thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhân nhanh các mô hình thí điểm ra diện rộng, hiện tại các địa phương đã chủ động rà soát, đánh giá từ đó đề ra biện pháp khắc phục các bất cập, hạn chế; tiếp tục phát huy những biện pháp hữu ích, thiết thực. Đồng chí Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trực Nguyễn Xuân Hưởng cho biết, hiện nay huyện đang triển khai xây dựng mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại 3 xã: Nam Hùng (xóm Rục Kiều với 34 hộ), Nam Hồng (xóm Đoài Bàng với 35 hộ) và Đồng Sơn (xóm 21 với 34 hộ) đã triển khai phân loại chất thải rắn. Để việc phân loại rác thải đạt hiệu quả cao nhất, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã chủ động hướng dẫn và tăng cường giám sát, vì vậy các tổ thu gom, xử lý rác thải của các xóm chỉ thu gom rác thải vô cơ đã được phân loại tách biệt, không thu gom lẫn rác vô cơ, hữu cơ. Đồng thời hướng dẫn các xã vừa thí điểm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm hướng tới mục tiêu xác định được cách thức phân loại hữu hiệu nhất, chú trọng các mục tiêu: dụng cụ chứa rác phân loại và địa điểm đặt dụng cụ chứa rác đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; huy động được tối đa sự tham gia thực hiện phân loại rác thải của toàn dân (từ người già đến trẻ nhỏ); ước lượng nhu cầu sử dụng phân hữu cơ của các hộ dân để xây dựng quy mô, sản lượng phân bón được sản xuất từ rác hữu cơ. Các địa phương huy động các ngành chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về phân loại rác thải tại nguồn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và trách nhiệm trong cộng đồng, tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đảm trách vai trò chủ trì, hướng dẫn, tập huấn và hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tập trung khuyến cáo các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình theo hai hướng: Đối với khu vực nông thôn có điều kiện về không gian và có nhu cầu sử dụng phân vi sinh nên tiến hành phân loại và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình. Đối với khu vực không có không gian rộng và không có nhu cầu sử dụng phân vi sinh, các hộ gia đình nên thực hiện phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ bằng các thùng rác riêng biệt, tận dụng rác thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó thực hiện phân loại rác thải có thể tái chế để tái sử dụng, đảm bảo được cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Về lâu dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lập đề án tổng thể về thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn; trong đó xây dựng chi tiết lộ trình xử lý rác thải theo mô hình lò đốt rác tập trung quy mô lớn; xác định phương án, quy mô nhân rộng, phát huy tối đa các lợi ích về văn hóa, môi trường và kinh tế của mô hình phân loại rác thải tại nguồn; sớm nghiên cứu, ban hành quy định chuyên môn chính thức về phương pháp phân loại chất thải rắn để hướng dẫn người dân thực hiện; khẩn trương xây dựng, thống nhất mức hỗ trợ chi phí đầu tư thiết bị, dụng cụ phân loại rác thải sinh hoạt; xây dựng kế hoạch đồng bộ để thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi các hộ dân đã thực hiện phân loại tại nguồn. Các ngành, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com