Nông dân thị trấn Gôi làm giàu từ cây cỏ ngọt

05:03, 13/03/2020

Dễ trồng, thu hoạch nhanh, sơ chế đơn giản, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn là ưu điểm khiến cây cỏ ngọt đang trở thành cây trồng mới mở hướng làm giàu cho người dân thị trấn Gôi (Vụ Bản).

Hơn 3 giờ chiều, chúng tôi đến cánh đồng thuộc tổ dân phố Đông Côi Sơn, xen lẫn những mảnh trồng rau màu đủ loại là những ruộng trồng cỏ ngọt. Lúi húi nhặt cỏ trên khu ruộng có diện tích tới 2,7ha, chị Trần Thị Tuyến cho biết: từ năm 2017, cây cỏ ngọt bắt đầu được anh Trịnh Văn Đạo (Hà Nội) đem về trồng và thuê người dân địa phương quản lý, chăm sóc. Trao đổi với chúng tôi, anh Đạo cho biết: “Qua giới thiệu của bạn bè và tìm hiểu trên mạng, tôi được biết về một loại cỏ ngọt có công dụng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt cho những người bị tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp là những loại bệnh đang có xu hướng “trẻ hóa” và ngày càng phổ biến thời hiện đại. Vì thế, tôi đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình trồng cỏ ngọt”. Cỏ ngọt Stevia có tên khoa học là Stevia Rebaudina, thường được gọi là lá đường, lá mật, hoặc lá ngọt bởi nó ngọt hơn 250 lần đường ăn thông thường. Cỏ ngọt có rất nhiều thuộc tính lạ. Đó là chất ngọt tự nhiên không có calo được đánh giá là “đường của thế kỷ XXI”, sử dụng trong thực phẩm và dược phẩm mà người bị bệnh tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp dùng rất tốt. Chất ngọt trong cỏ ổn định trong quá trình sản xuất thức ăn, có độ bền cao trong các môi trường pH, không bị lên men, có khả năng kháng khuẩn, ngăn ngừa sâu răng… Đặc tính quan trọng của đường từ cỏ ngọt là có thể làm ngọt thực phẩm mà không gây độc hại cho người, không đòi hỏi kỹ thuật sản xuất phức tạp, năng suất cao, công nghệ thu hái chế biến đơn giản. Hiện tại loại đường này đang được chiết xuất và sử dụng rộng rãi bởi các hãng lớn như Coca, Pepsi, Cagill và các hãng sản xuất đồ uống nước ngọt nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra, từ lâu trong y học cổ truyền, cây cỏ ngọt được sử dụng làm trà thảo dược dành cho những người bị bệnh tiểu đường, béo phì hoặc cao huyết áp. Trong công nghiệp thực phẩm, cỏ ngọt được dùng tương đối rộng rãi ở Nhật Bản để pha chế làm tăng độ ngọt của các loại thực phẩm khác nhau, được chế thành các viên đường để làm giảm độ nóng khi dùng đường saccaroza… Ngoài ra, người ta còn dùng để chế rượu màu, nước hoa quả, các loại bánh kẹo, món tráng miệng đông lạnh, ướp các loại hải sản sấy khô, chế biến dấm. Cỏ ngọt còn được dùng trong chế biến mỹ phẩm.

Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây cỏ ngọt tại đồng ruộng tổ dân phố Đông Côi Sơn, thị trấn Gôi (Vụ Bản).
Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây cỏ ngọt tại đồng ruộng tổ dân phố Đông Côi Sơn, thị trấn Gôi (Vụ Bản).

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đạo cho biết, cây cỏ ngọt thích hợp với chân ruộng cao, đất cát pha, dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp lại có thể thu hoạch quanh năm, nên có thể nói trồng cây cỏ ngọt thu “1 vốn 4 lời”. Cây cỏ ngọt được lên luống trồng như các loại rau màu khác, mỗi sào chia 6 luống, mỗi luống từ 800-1.000 gốc. Trước khi trồng chú ý làm đất sạch cỏ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ các loại mối mọt, sâu bệnh trong đất. Tuỳ điều kiện thời tiết, cây cỏ ngọt sau khi trồng từ 45-60 ngày, cây cao từ 8-10cm có thể cắt thu hoạch lứa đầu tiên và tiếp tục chăm sóc, mỗi năm thu hoạch được 6 lứa cỏ ngọt. Cây cỏ ngọt này cho thu hoạch được từ 2-3 năm, nhưng để có năng suất tốt nhất thì sau một năm khai thác nên trồng mới để đảm bảo cây phát triển mạnh, chất lượng vị ngọt cao. Để tiết kiệm chi phí nhân công, sau khi xử lý đất, anh Đạo áp dụng phương pháp trồng che phủ nilon mặt luống. Cách làm này vừa tiết kiệm tương đối tiền thuê nhân công làm cỏ, vừa giữ được độ ẩm phù hợp cho cây cỏ ngọt phát triển. Cây cỏ ngọt ưa nắng, sợ úng nên để trồng cây cỏ ngọt phải đảm bảo hệ thống chân ruộng cao, thoát nước tốt. Bên cạnh đó, để đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng, anh đã đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động và hệ thống nhà kính, kho sấy giúp sản lượng cây cỏ ngọt không bị thất thoát do hỏng, héo hay nấm lá. Bình quân mỗi sào thu hoạch được 50-70kg cỏ ngọt khô. Giá hiện tại trên thị trường mỗi kg cỏ ngọt là 80-110 nghìn đồng. Bình quân mỗi năm, anh Đạo xuất bán được 4-5 tấn cỏ ngọt khô. Nhờ trồng cỏ ngọt, mỗi năm anh Đạo thu về hơn 400 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa truyền thống, tạo việc làm cho 15 công nhân với thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tại, nhu cầu về cỏ ngọt của thị trường vô cùng lớn. Toàn bộ số lượng cỏ ngọt khô của anh Đạo sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ đến đó. Vì thế, để đảm bảo cung ứng tốt cho thị trường, thời gian tới, anh Đạo sẽ đầu tư thêm 1ha trồng cây cỏ ngọt; đồng thời, xây dựng thêm 200m2 nhà kính để nâng công suất sấy cỏ. Bên cạnh đó, anh cung cấp bán giống cho người dân xung quanh trồng thử nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng để nhân rộng mô hình trồng cỏ ngọt. Để cây cỏ ngọt từng bước phát triển hơn nữa, các cấp, ngành, địa phương cần sớm lựa chọn, đưa cây cỏ ngọt vào quy hoạch, đề án tái cơ cấu nông nghiệp địa phương, quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để thúc đẩy nhân rộng mô hình, xây dựng quy trình sản xuất đạt chuẩn VietGAP và thương hiệu theo chương trình mỗi xã, một sản phẩm./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com