Phát triển các mô hình trồng cây dược liệu

08:11, 18/11/2019

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết trồng cây dược liệu, qua đó đã mang lại thu nhập cao, ổn định cho các thành viên.

Hợp tác xã trồng cây dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu) được thành lập từ năm 2014 với sự tham gia của 154 thành viên, trong đó có 85 lao động nữ. Hợp tác xã liên kết các hộ gia đình tại xã tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap trên diện tích 15ha. Sản phẩm chính là dây thìa canh sấy khô cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược cho Công ty Cổ phần Nam Dược. Tham gia hợp tác xã, các thành viên đã được cán bộ kỹ thuật của Công ty Nam Dược hướng dẫn từ những kỹ thuật đơn giản như trải rơm để giữ độ ẩm cho cây, bón lượng phân hợp lý, tỉa cành đến việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt, nhờ áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật GACP (tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới quy định trong sản xuất dược liệu) vào vườn cây trồng dây thìa canh nên năng suất cao gấp 2-3 lần so với cách làm quảng canh, chất lượng cũng cao hơn hẳn do hoàn toàn không có phân bón, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong dược liệu, giữ được tối ưu nhất những hoạt chất trong dược liệu. Ngoài dây thìa canh sấy khô, Hợp tác xã còn chế biến các sản phẩm tinh chế như cao thìa canh, trà túi lọc, tiện lợi cho người sử dụng. Thu nhập trung bình đạt 20 triệu đồng/sào/năm. Tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” lần thứ 3 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Hợp tác xã trồng cây dược liệu Hải Lộc đã đạt giải thưởng tiêu biểu toàn quốc với đề tài “Chuyên canh trồng và chế biến cây dược liệu thìa canh nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ Liên Minh, xóm Mỹ Hòa, xã Hải Giang (Hải Hậu) những năm qua cũng mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động, trong đó đa phần là lao động nữ nông nhàn tại địa phương. Nhận thấy điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu cũng như nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường, các thành viên hợp tác xã đã bắt tay vào phát triển trồng cây dược liệu, sản xuất rượu đinh lăng theo chuỗi giá trị. Sản phẩm rượu thuốc đinh lăng không chỉ mang lại sức khỏe cho người dùng mà còn phát huy được thế mạnh của vùng trồng và chế biến cây dược liệu tại Hải Hậu. Sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn đến một số tỉnh lân cận. Để tạo thuận lợi cho người sản xuất, các hợp tác xã chủ động hỗ trợ cây giống, phân bón phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân; đồng thời tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, giúp tập thể, xã viên tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Bên cạnh các hợp tác xã chuyên về trồng cây dược liệu, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất kết hợp giữa trồng cây dược liệu với chăn nuôi thủy hải sản và các loại rau màu khác hoạt động rất hiệu quả. Tiêu biểu như: Cơ sở nuôi thủy sản và trồng cây dược liệu của gia đình chị Phạm Thị Chiên ở xóm 10, Phú Lễ, xã Hải Châu (Hải Hậu) đã chuyển đổi 1,5 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá diêu hồng và trồng cây đinh lăng dược liệu, cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm. Sản phẩm của cơ sở cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng… Cơ sở đã tạo việc làm cho 35 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 8,3-12,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở sản xuất cây đinh lăng dược liệu của chị Trần Thị Oanh, xóm 12, xã Hải Toàn (Hải Hậu) cung cấp nguồn dược liệu cho Công ty Cổ phần Thuốc Traphaco; tạo việc làm cho 30-40 lao động có việc làm thường xuyên mang lại thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của cơ sở đạt 500-550 triệu đồng/năm. Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) sản xuất nông sản an toàn (hẹ, dưa lê, cà chua) theo chuỗi liên kết. Riêng cây hẹ cung cấp cho nhà máy chế biến dược phẩm xuất khẩu tại tỉnh Ninh Bình hiện có 27 hộ thành viên trồng với 1,5ha. Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Nấm Linh Phát của anh Nguyễn Văn Thành, xã Hải Chính (Hải Hậu) trồng và chế biến các sản phẩm từ nấm mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường tiêu dùng tại Nam Định và các tỉnh lân cận 12 tấn nấm linh chi làm nguyên liệu đông dược; sản xuất 2.000 chai rượu nấm, 10 nghìn hộp trà nấm túi lọc, 30 tấn nấm sò tươi. Hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho 15-30 công nhân với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) sản xuất nông sản an toàn và nuôi cấy sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, từ đó sản xuất ra rượu ngâm đông trùng hạ thảo, mật ong ngâm đông trùng hạ thảo có rất nhiều tác dụng như hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, các bệnh liên quan đến tim, phổi, huyết áp, bồi bổ sức khỏe sau đau ốm...

Từ thực tế trên cho thấy, các mô hình trồng cây dược liệu có thể được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển của tỉnh./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com