Phát huy vai trò của hợp tác xã trong tái cơ cấu nông nghiệp

08:11, 14/11/2019

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với những khó khăn thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các địa phương cần phát huy tốt vai trò đầu tàu của các hợp tác xã (HTX) dẫn dắt, kết nối quá trình sản xuất, góp phần đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả và nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị nông sản.

Sản phẩm OCOP của các địa phương được trưng bày tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Sản phẩm OCOP của các địa phương được trưng bày tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 337 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó có 241 HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và 96 HTX mới thành lập. Theo kết quả tự đánh giá phân loại năm 2018, toàn tỉnh có 133 HTX xếp loại khá, tốt, trong đó có 96 HTX mới thành lập. Được tỉnh quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các HTX đã tích cực tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, với diện tích đạt trên 1.000ha. Các quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, trồng rau theo công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... gắn với quản lý và truy xuất nguồn gốc nông sản trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản kết hợp với xây dựng thương hiệu sản phẩm được các HTX ký hợp đồng với doanh nghiệp và người dân áp dụng trong các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ. Tiêu biểu như: HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) xây dựng mô hình sản xuất rau quả theo hướng hữu cơ an toàn, quy mô khoảng 20ha, sản lượng 270 tấn/năm. Mô hình sử dụng 100% phân hữu cơ được ủ tại chỗ theo công nghệ Nhật Bản để chăm bón rau; HTX tổ chức sản xuất và giám sát chặt chẽ các khâu ghi nhật ký sản xuất hàng ngày, sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Toàn bộ sản phẩm được Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định và các cửa hàng bán thực phẩm sạch bao tiêu. Giá tiêu thụ luôn ổn định và cao hơn so với rau sản xuất thông thường khoảng 20%. HTX Nuôi trồng thủy sản Giao Phong (Giao Thủy) có trên 40 thành viên, với quy mô sản xuất khoảng 58ha nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao. Được HTX hướng dẫn, khuyến khích, các hộ thành viên đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, năng suất nuôi bình quân hàng năm đạt khoảng 10 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt từ 15-20 tấn/ha; lợi nhuận bình quân đạt từ 1,4-1,8 tỷ đồng/ha/năm... Xác định việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn có vị trí quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, kinh tế trang trại và phát triển các loại hình HTX; hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giữa HTX, doanh nghiệp với nông dân. Một số mô hình chăn nuôi hữu cơ đã được hình thành dưới hình thức HTX chăn nuôi, chăn nuôi gia công, doanh nghiệp và nông dân cùng làm được áp dụng, năng suất, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm chăn nuôi được cải thiện như: HTX Chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên); HTX Vạn Xuân Trường (Vụ Bản)... Các công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi được áp dụng như: công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, công nghệ biogas; xây dựng các mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi chống quá tải hầm khí sinh học; mô hình chuồng nuôi tiết kiệm nước, mô hình máy ép phân tách nước thải… góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững. Trong lĩnh vực diêm nghiệp đã hình thành được chuỗi liên kết giá trị giữa một số HTX sản xuất muối của huyện Hải Hậu, Giao Thủy với Công ty Cổ phần Muối Nam Định; sản phẩm chế biến từ muối khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và bước đầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Các HTX đã thúc đẩy quá trình cơ giới hóa sản xuất, góp phần giảm thiểu công lao động nặng nhọc, nâng cao chất lượng nông sản. Thông qua triển khai đề án Xây dựng hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2017, các HTX đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở Nông nghiệp và Phát nông thôn), Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ khoa học công nghệ Nam Định (Sở Khoa học và Công nghệ) tham gia sản xuất giống khoai tây sạch bệnh đáp ứng nhu cầu trồng khoai tây thương phẩm chất lượng cao cho các địa phương. Những năm gần đây, diện tích sản xuất giống hàng năm khoảng 150-200ha; sản lượng khoảng 1.600-2.000 tấn/năm, trong đó chủ yếu là giống khoai tây Đức, Hà Lan chất lượng cao, đáp ứng trên 80% nhu cầu giống của tỉnh. Sản xuất lạc giống với diện tích khoảng 250-300ha tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thủy, Hải Hậu… tổng sản lượng khoảng 1.300 tấn/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu lạc giống cho sản xuất của tỉnh. Hiện nay, các HTX toàn tỉnh có trên 3.800 công cụ sạ hàng và 51 máy cấy lúa, đảm bảo cơ giới hoá khâu gieo cấy đạt 45% diện tích, tăng 25% so với năm 2014, trên 1.236 máy gặt đập liên hợp đảm bảo cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên 95% diện tích, tăng 55% so với năm 2014, hơn 4.322 chiếc máy phun thuốc trừ sâu có động cơ và trên 6.000 máy làm đất các loại (đảm bảo cơ giới hóa 100% khâu làm đất).

Một điểm rất đáng ghi nhận là việc tích cực thực hiện đổi mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất cá thể theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản; đồng thời chia sẻ rủi ro, nâng cao khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu của các chủ thể trong chuỗi liên kết. Điển hình như mô hình liên kết giữa 25 HTX và các hộ sản xuất với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) với tổng diện tích 500ha tại 20 xã trong tỉnh. Mô hình liên kết nhằm tổ chức sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn áp dụng quy trình VietGAP và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mô hình áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, chế biến đóng gói sản phẩm. Công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống máy sấy lúa có công suất lớn nhất miền Bắc (300 tấn/ngày) và dây chuyền chế biến lúa gạo đồng bộ, khép kín với công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hàng năm, tiêu thụ bình quân 6.000 tấn lúa chất lượng cao cho nông dân với giá thu mua cao hơn 8-10% so với giá thị trường. Hiệu quả sản xuất của mô hình tăng hơn so với sản xuất đại trà 30-60%. Người dân khi tham gia vào chuỗi liên kết tạo nên cánh đồng mẫu lớn thu nhập tăng 20-30% so với cách làm truyền thống. Sản phẩm “Gạo sạch Toản Xuân” đã được công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” và được cung cấp cho thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh…

Tuy nhiên, phần lớn các HTX dịch vụ nông nghiệp đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thiếu tư vấn của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, hệ thống bảo quản sau thu hoạch và năng lực quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhìn chung còn thiếu bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu. Số HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp còn ít trong khi nhu cầu rất lớn. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải liên kết trực tiếp với các chủ trang trại, hộ nông dân để thu mua, tiêu thụ nông sản vừa khó cho doanh nghiệp, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân. Rõ ràng, việc phát huy vai trò của HTX trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là rất cần thiết nhằm tập hợp những hộ nông dân, chủ trang trại, cơ sở sản xuất nhỏ ở nông thôn cùng nhau tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý dân chủ, vì lợi ích của các thành viên, phát triển cộng đồng khắc phục hạn chế của từng cá thể sản xuất đơn lẻ. HTX phát triển là cơ sở để khuyến khích xã viên góp đất, tập trung phát triển sản xuất quy mô lớn; kiểm soát được quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng và số lượng sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường, từ đó gia tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập của nông dân và xây dựng nông thôn mới bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com