Nghề làm hương trầm

04:11, 15/11/2019

Đến thăm cơ sở sản xuất hương trầm Linh Hương của gia đình chị Trần Thị Tuyết, thôn An Cự, xã Đại An (Vụ Bản), từ xa đã nhìn thấy trên khoảng sân rộng, từng bó hương được xếp chụm chân đều tăm tắp, nở xòe như những đóa hoa dưới cái nắng hanh vàng đầu đông. Trên các giàn tre phía bên đường giáp cánh đồng, những mẻ hương thành phẩm đã khô tỏa hương thơm thoang thoảng, gợi cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Chị Tuyết vừa nhanh tay đảo hương cho khô đều vừa chia sẻ với chúng tôi về nghề. Nghề làm hương truyền thống của gia đình vốn có từ đời cha ông truyền lại. Sau khi về làm dâu, chị tiếp tục nối nghiệp làm nghề, đến nay đã được 27 năm.

Chị Trần Thị Tuyết, thôn An Cự, xã Đại An (Vụ Bản) phơi hương thành phẩm.
Chị Trần Thị Tuyết, thôn An Cự, xã Đại An (Vụ Bản) phơi hương thành phẩm.

Trước đây, các công đoạn sản xuất hương đều làm bằng tay khá vất vả, từ công đoạn nghiền nguyên liệu, đảo trộn bột, vê hương đến phơi hương, đóng gói... Thêm vào đó, nghề làm hương phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết do yêu cầu phải phơi dưới nắng mặt trời để khi khô, hương giữ được mùi thơm tự nhiên vốn có. Hơn chục năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình chị đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 5 máy trộn bột và máy làm hương, công suất mỗi ngày sản xuất khoảng trên 1 vạn nén hương/máy. Để phát triển nghề làm hương, chị Tuyết đã vay vốn 200 triệu đồng từ Quỹ tín dụng nhân dân, 10 triệu đồng từ Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ. Bên cạnh việc đặt mua nguồn nguyên liệu từ Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc, chị còn lựa chọn tăm hương được làm từ những que tre bánh tẻ để khi tàn, nén hương cong đẹp. Các nguyên liệu làm hương hoàn toàn tự nhiên gồm hàng chục loại thuốc bắc như: đinh hương, cam thảo, tế tân, quế chi, đan bì, địa liền, đại hoàng, mộc hương, xương truật, trầm hương, củ khung và các phụ gia có tác dụng kết dính như nhựa trám, nhựa thau, nhựa vỏ cây vàng dè được phối chế theo một tỷ lệ thích hợp để tạo nên hương thơm đặc trưng. Trước đây, khi làm hoàn toàn thủ công đòi hỏi người làm hương phải thành thục các kỹ thuật “nhúng”, “vê” để bột hương dính bám đều vào que. Giờ đây, khi sản xuất bằng máy, người làm nhàn hơn, năng suất cao hơn hẳn, cây hương lại đều, đẹp. Để sản xuất hương, bột nguyên liệu được cho vào máy nhào trộn nhuyễn với nước rồi đổ vào phễu của máy bắn hương. Người làm đưa các tăm hương vào máy để bột nguyên liệu bám đều, hương tự bắn ra chiếc bàn. Các nén hương sau khi hoàn thiện được xếp vào thúng, chờ cho se bề mặt rồi đem phơi trên mặt sân hoặc những chiếc phên tre. Mỗi mẻ hương phơi dưới trời nắng to khoảng 1 ngày là khô, trời ít nắng từ 2-3 ngày; sau đó đóng gói thành phẩm. Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, lại chu đáo, tỉ mỉ trong từng công đoạn nên hương của gia đình chị Tuyết sản xuất thơm lâu, bền màu và đẹp mắt. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị Tuyết xuất bán ra thị trường khoảng 1 tấn hương. Ngoài gian hàng bán buôn ở chợ Rồng (thành phố Nam Định), hương còn được gửi theo đơn hàng đi các tỉnh, thành phố Vinh, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh. Chị Tuyết cho biết, nghề làm hương thường có việc đều trong năm, nhưng tất bật nhất là thời vụ cao điểm chuẩn bị hương cung ứng dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm. Từ việc sản xuất hương, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, trả lương nhân công, gia đình chị thu lợi nhuận từ 200-500 triệu đồng/năm.

Mặc dù thị trường hiện nay có rất nhiều loại hương, nhưng hương từ cơ sở Linh Hương luôn được khách hàng ưa chuộng, tin dùng bởi mùi hương thơm dịu, cháy đượm, sử dụng các nguyên liệu thảo mộc tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe người dùng. Nghề làm hương không chỉ lưu giữ giá trị truyền thống cha ông truyền lại mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com