Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương

07:10, 31/10/2019

Bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ các sản phẩm nông nghiệp là cơ sở pháp lý để ngăn chặn các hành vi vi phạm, sử dụng sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc nông sản. Những năm qua, các hoạt động về xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo ra môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh cho nông sản địa phương.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thịt lợn sạch tại cửa hàng thịt lợn sạch Nam Sơn, thị trấn Lâm (Ý Yên).
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thịt lợn sạch tại cửa hàng thịt lợn sạch Nam Sơn, thị trấn Lâm (Ý Yên).

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, sản xuất nông sản sạch, an toàn; tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trước đó, UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai chương trình hỗ trợ bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2010-2020, từ đó việc bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đã được doanh nghiệp và ngành chức năng chú trọng hơn. Ngày càng nhiều hợp tác xã và làng nghề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đăng ký nhãn hiệu và phát triển thương mại cho sản xuất nông nghiệp. Điển hình là các đơn vị: Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên); làng nghề bánh nhãn Hải Hậu; Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Hùng Cường, xã Trực Đạo (Trực Ninh); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên); cơ sở sản xuất kẹo lạc, vừng Hồng Bắc, xã Bình Minh (Nam Trực)… Sau khi được đăng ký sở hữu trí tuệ, hầu hết các sản phẩm đều được tiêu thụ ổn định với lợi nhuận của người sản xuất đạt cao hơn từ 1,5-2 lần. Đồng chí Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định: Bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đã góp phần giúp các cơ sở, doanh nghiệp, hộ nông dân thay đổi thói quen và tập quán sản xuất, cung cấp sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng; chuyển dần từ sản xuất, cung cấp nhỏ lẻ sang các hình thức sản xuất tập trung, cùng tạo lập và tuân thủ các quy trình, quy tắc sản xuất chuẩn để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm và sử dụng chung: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu nông sản còn giúp người tiêu dùng có căn cứ tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm trước khi quyết định lựa chọn tiêu dùng bởi các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn mác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi liên quan khi sử dụng các sản phẩm này; đồng thời giúp các nhà sản xuất và cơ quan quản lý ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, giả mạo nhãn hiệu hoặc sử dụng nhãn hiệu, hình ảnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Tuy nhiên, số lượng nông sản của tỉnh được đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế so với thực tiễn của địa phương. Một số sản phẩm đã có thương hiệu nhưng không phát triển sản xuất quy mô hàng hóa lớn theo hướng bền vững, khó thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm. Có thể kể đến các sản phẩm: nước mắm Giao Châu, ngao sạch Giao Thủy, bánh nhãn Hải Hậu… dù đã được cấp nhãn hiệu tập thể nhưng địa phương và người sản xuất vẫn loay hoay tìm hướng phát triển bền vững bởi các đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa mặn mà tâm huyết đầu tư chiều sâu cho bảo vệ, gìn giữ thương hiệu. Nguyên nhân của thực trạng này được ngành chức năng xác định một phần do xu thế tiêu dùng trên thị trường thay đổi liên tục, sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú đa dạng phù hợp với đời sống hiện đại nên các sản phẩm sản xuất theo phương pháp truyền thống gặp nhiều khó khăn hơn trong cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất công nghiệp khác do chi phí sản xuất lớn, chất lượng không ổn định, đồng đều. Bên cạnh đó, các chủ thể quản lý, sử dụng thương hiệu sản phẩm chưa đủ năng lực để khai thác, phát huy giá trị quyền sở hữu trí tuệ của mình khi được pháp luật bảo hộ.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, các ngành có liên quan và các địa phương cần tăng cường định hướng, nâng cao nhận thức giúp chủ doanh nghiệp, người dân hiểu rõ được ý nghĩa của việc bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ; đẩy mạnh tuyên truyền về giải pháp phát huy giá trị tài sản của các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sức khỏe, tài sản và góp phần lành mạnh hóa thị trường. Tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực thi Luật Sở hữu trí tuệ. Để nâng cao hiệu quả bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, các doanh nghiệp chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời nghiêm túc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm hàng hóa, huấn luyện để người trực tiếp sản xuất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn đã chọn, đăng ký tên thương hiệu và xúc tiến thương mại…

Bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh ta - một tỉnh có thế mạnh phát triển nông nghiệp cũng như đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống là nhiệm vụ cần thiết và ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đứng vững trên thị trường, hướng tới xuất khẩu trong nền kinh tế hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com