Nhọc nhằn nghề cấy thuê

05:07, 19/07/2019

6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại chợ Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh), một địa điểm thợ cấy thuê tập trung chờ chủ ruộng đến thuê. Mặc dù còn sớm nhưng một số thợ đã đi trước, chỉ còn lại một số người đứng ngồi chờ đợi. Trong số đó, một phụ nữ gầy guộc, nước da ngăm đen đang trò chuyện với mọi người trong nhóm là chị Trần Thị Nhung ở xã Liêm Hải. Sau một hồi trò chuyện, chị Nhung cho biết: “Nhiều năm nay, mỗi khi vào vụ cấy, tôi đều tranh thủ đi làm thêm cho các hộ gia đình ở các xã lân cận hoặc sang các huyện như Xuân Trường, Hải Hậu. Những hôm đi cấy thuê, tôi đều phải dậy từ 4 giờ sáng, hoàn tất công việc gia đình rồi đi đến chợ, chờ các chủ ruộng ra thuê, trao đổi giá cả xong là tôi xuống đồng cấy luôn. Hiện nay, rất nhiều người có nhu cầu thuê thợ cấy nên không bao giờ chúng tôi lo bị ế. Cứ xong một vụ cấy, tôi lại có thêm một khoản tiền kha khá để lo cho gia đình”.

Những thợ cấy thuê miệt mài trên cánh đồng xã Nam Vân, Thành phố Nam Định.
Những thợ cấy thuê miệt mài trên cánh đồng xã Nam Vân, Thành phố Nam Định.

Chia tay chị Nhung, chúng tôi đến cánh đồng xã Nam Vân, Thành phố Nam Định, gặp chị Nguyễn Thị Phượng một người dân trong xã có “thâm niên” trong nghề để hiểu hơn những nhọc nhằn, vất vả mà các chị đã trải qua. Dãi nắng dầm mưa nhiều nên nước da của chị đã đổi màu đen nhẻm. Dưới cái nắng nóng gay gắt nhưng đôi bàn tay của chị vẫn thoăn thoắt cấy và chuyện trò rôm rả, vì làm công việc này chị có tiền chi tiêu trong gia đình. Lau những giọt mồ hôi chảy ướt áo, chị Phượng cho biết: Vốn là con nhà nông từ nhỏ, việc đi cấy đối với tôi đã rất quen thuộc, nhưng đi cấy thuê kiếm tiền thì phải chăm chỉ, chịu khó hơn. Mỗi buổi cấy thuê, tôi ra đồng từ sáng sớm và chỉ được nghỉ khi trời đã tối muộn. Người cấy thuê như tôi không những phải cấy đều tay, thẳng hàng mà còn phải cấy nhanh nữa. Mùa hè còn đỡ, vào mùa đông khi đã nhận lời của chủ thuê, chúng tôi vẫn phải đi, nếu thất hẹn thì lần sau họ không thuê mình nữa... Bên cạnh đó, công việc cấy thuê cũng đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe, cả ngày phải cúi khom lưng, chân tay ngâm nhiều dưới bùn nên cứ xong mùa vụ là lưng lại đau ê ẩm, nhiều khi còn mỏi gối đêm về nhức không ngủ được nhưng hôm sau vẫn phải đi làm. Những ngày nắng còn đỡ, lúc trời mưa rét, người đi cấy còn cực hơn. Việc cấy thuê nhọc nhằn, vất vả là thế nhưng mỗi khi vụ cấy đến, chị Nhung, chị Phượng và những người cấy thuê khác đều có chung niềm vui, phấn khởi. Khi vụ cấy kết thúc cũng là lúc cuộc sống của họ bớt phần khó khăn hơn, đó còn là cơ hội kiếm thêm tiền mua sách vở, đóng học phí cho các con chuẩn bị bước vào năm học mới.

Qua tìm hiểu tại các địa phương trong tỉnh, hiện nay, trung bình một ngày công thợ cấy được trả 300 nghìn đồng. Hầu hết, những người đi cấy thuê không chỉ đi một mình mà thường đi theo nhóm từ 3-4 người. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn mong kiếm thêm chút ít để cải thiện cuộc sống. Dù ngày công khá cao nhưng khi vào cao điểm vụ cấy, nhiều gia đình có ruộng không dễ tìm được thợ cấy. Gia đình bà Nguyễn Thị Cải ở Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh) cho biết: “Nhà tôi có 7 sào ruộng nhưng chỉ có 2 vợ chồng làm, các con đi làm công ty hết nên vụ nào cũng phải đi thuê người cấy. Từ khi gieo mạ, tôi đã phải chạy khắp các nơi để đặt hàng người cấy. Vụ này tôi thuê được 4 người cấy, tính ra mất khoảng hơn 2 triệu đồng tiền công. Vẫn biết số tiền này khá lớn so với những người làm nông nhưng vẫn phải thuê để kịp thời vụ”. Theo chia sẻ của một số hộ nông dân, nhiều gia đình do không có người làm nên để ruộng không vì làm nông nghiệp vất vả mà thu nhập lại chẳng đáng là bao, khó có thể đảm bảo được đời sống. Sau khi thu hoạch người nông dân phải tính đến những khoản trang trải cho hạt thóc như tiền cày bừa, tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê phương tiện thu hoạch lúa... chưa kể đến phải đối diện với những lúc được mùa mất giá, được giá mất mùa. Vì vậy, nhiều người không còn mặn mà với đồng ruộng, thậm chí có gia đình cho mượn hoặc bán hẳn ruộng cho người khác sản xuất để làm những nghề tuy gọi là phụ nhưng lại có thu nhập cao hơn làm ruộng. Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoặc nhiều nhà máy đặt cơ sở tại các làng quê, vì vậy thợ cấy ngày càng ít đi do hầu hết lao động trẻ đi làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, lao động trên đồng ruộng bây giờ chủ yếu là phụ nữ nên năng suất lao động thấp hơn. Thực tế đó đặt ra cần có giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, từ đó nâng cao được giá trị trên một đơn vị canh tác, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún và thiếu lao động mùa vụ như hiện nay.

Trên khắp cánh đồng, hình ảnh những dáng người khom lưng bên những đám mạ non vừa được cấy xong lẫn trong tiếng cười nói vui vẻ như hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Và trong khung cảnh đó còn là mơ ước của những người lao động về cuộc sống no đủ... Dù chỉ diễn ra trong vòng nửa tháng, nhưng công việc cấy thuê là một trong những cách điều tiết lao động tự phát theo thời vụ khá hiệu quả theo phương châm hai bên cùng có lợi. Sự hỗ trợ kịp thời của những người thợ cấy thuê đã góp phần quan trọng mang lại một mùa vụ bội thu./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com