Hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới

07:07, 15/07/2019

Thủy lợi là một tiêu chí rất quan trọng về hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới. Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là một tiêu chí khó bởi yêu cầu đầu tư lớn, liên quan đến các vấn đề dân sinh, kinh tế. 

Cống Doanh Châu, xã Hải Đông (Hải Hậu) vừa đảm bảo nhiệm vụ lấy nước phục vụ vùng nuôi thủy sản vừa đáp ứng yêu cầu tiêu nước chống úng.
Cống Doanh Châu, xã Hải Đông (Hải Hậu) vừa đảm bảo nhiệm vụ lấy nước phục vụ vùng nuôi thủy sản vừa đáp ứng yêu cầu tiêu nước chống úng.

Khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ lâu đã xuống cấp; một số trạm bơm điện đã vận hành phục vụ sản xuất trên 30 năm nên thiết bị, máy móc đã hư hỏng, hiệu suất bơm thấp; nhiều cống được xây dựng từ 35-40 năm trước, qua thời gian dài sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp, cống ngắn so với mặt cắt đê. Một số cửa cống, các kênh tưới, tiêu bị bồi lấp nhiều trong khi việc nạo vét còn hạn chế khiến năng lực phục vụ của hệ thống còn thấp so với yêu cầu. Cơ cấu cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng đã có nhiều thay đổi, các giống lúa cao cây thời gian sinh trưởng dài đã được thay bằng các giống lúa thấp cây, thời gian sinh trưởng ngắn, quy trình thâm canh cao, nên yêu cầu tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp ngày càng cao và điều kiện đảm bảo khắt khe hơn. Cơ cấu vùng sản xuất cũng có nhiều thay đổi, nhiều vùng trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sản xuất nên cũng đòi hỏi thay đổi về hệ thống thủy lợi. Trước tình hình trên, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai toàn diện các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện các nội dung của tiêu chí thủy lợi theo kế hoạch. Trong đó đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 21 văn bản hướng dẫn thực hiện và hoàn thành tiêu chí thủy lợi như: phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp (từ vụ đông xuân năm 2010-2011 đến nay); yêu cầu các Công ty Khai thác công trình thủy lợi hỗ trợ 50% kinh phí cải tạo, kiên cố hóa hệ thống kênh cấp III phục vụ sản xuất quy mô cánh đồng mẫu lớn, trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa khi địa phương có đối ứng; ban hành quy trình vận hành và phương án bảo vệ đối với các hệ thống công trình thủy lợi: Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Thủy... Giao cho Chi cục Thủy lợi phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thành phố tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêu chí về thủy lợi. Giai đoạn 2016-2019, phần lớn hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được hưởng một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi và kiên cố hoá kênh mương; những công trình thuỷ lợi trọng yếu đã được tập trung xây dựng, sửa chữa, xây mới; phát động sâu rộng chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi để cải thiện, tăng năng lực hệ thống thủy lợi nội đồng. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, trong giai đoạn 2010-2019 toàn tỉnh đã huy động trên 25 nghìn tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng. Trong đó có trên 5.206 tỷ đồng do các doanh nghiệp đóng góp và trên 4.474 tỷ đồng huy động nhân dân đóng góp bằng các hình thức (góp tiền, hiến đất, tham gia ngày công,...). Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, với nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm thực tế của từng đơn vị, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 209/209 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi. Trong đó: giai đoạn 2010-2015 có 112 xã, giai đoạn 2016-2020 có 97 xã; đến nay đã có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn huyện nông thôn mới về thủy lợi. Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2018-2019, các địa phương và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; mua sắm thêm các thiết bị máy móc… đồng thời tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa. Kết quả toàn tỉnh đã sửa chữa 41 cống dưới đê, làm mới và sửa chữa 197 cống điều tiết, cống cấp II; làm mới, sửa chữa 2.670 cống, đập cấp III; kiên cố 109 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 41km; nạo vét 40 cửa cống, 38 bể hút các trạm bơm, 25 kênh cấp I, 159 kênh cấp II, 7.608 kênh cấp III, 4.621 kênh khoảnh, bờ vùng với tổng khối lượng đào đắp gần 1,72 triệu m3 đất, xây 9.517m3 gạch, đá và 3.070m3 bê tông.

Đến nay, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn các huyện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, việc phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi cho các Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức dùng nước (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp) đã phát huy được vai trò làm chủ, huy động nguồn lực của nhân dân, kịp thời tưới tiêu nước phục vụ cho sản xuất, đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai mùa mưa, lũ. Hiệu quả sau đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng mới các công trình thủy lợi nội đồng thể hiện rõ nét trong thành quả sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Ý Yên là huyện có 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu bằng động lực. Hệ thống thủy lợi liên xã được xây dựng phù hợp theo quy hoạch, hoạt động hiệu quả. Toàn huyện có 39,878km đê sông, đến nay đã bê tông hóa mặt đê được 39km. Trên địa bàn huyện có 4 trạm bơm lớn do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà quản lý; 110 trạm bơm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên quản lý. Các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp quản lý 51 trạm bơm cố định và 54 trạm bơm di động. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa được 33,93km kênh cấp I, đạt 97,13%; hệ thống kênh cấp II gồm kênh tưới kiên cố đạt 68,28%; kênh tiêu đạt 12,9%; kênh cấp III đã kiên cố 17,5%. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi góp phần giúp huyện hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chính: vùng trồng lúa vụ xuân chất lượng cao; vùng trồng lúa đặc sản ở vụ mùa (giống nếp cái hoa vàng); vùng sản xuất rau màu hàng hóa theo phương thức hữu cơ, VietGap. Tại huyện Hải Hậu, sau dồn điền đổi thửa, các xã, thị trấn đã động viên nhân dân đóng góp 345ha đất để mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Hệ thống thủy lợi được xây dựng hoàn chỉnh, phù hợp với quy hoạch sản xuất gồm: 2.907km kênh các cấp; 6.738 cống, 300 đập các loại, 122 trạm bơm; hàng năm nạo vét và đào đắp từ 140-160 nghìn m3 và sửa chữa, xây mới 50-100 cống cấp III. Từ thực hiện tốt quy hoạch và đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đến nay trên địa bàn huyện Hải Hậu đã hình thành 7 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: vùng trồng lúa chất lượng cao với thương hiệu gạo tám Hải Hậu tại 33/35 xã, thị trấn, diện tích 7.600ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây dược liệu 640ha cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm; vùng nuôi tôm, cá nước mặn lợ cho thu nhập từ 650-750 triệu đồng/ha/năm; vùng sản xuất rau an toàn diện tích 1.800ha; vùng nuôi cá nước ngọt; vùng trồng hoa, cây cảnh tại 20 làng nghề trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích 541ha cho thu từ 200-250 triệu đồng/ha/năm...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được hệ thống thủy lợi của tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế: nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, trong khi đó, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều tiêu chí, nội dung, hạng mục cần đầu tư; một số xã, huyện có hệ thống công trình thủy lợi bị xuống cấp, năng lực tưới, tiêu hạn chế nhưng thiếu kinh phí đầu tư, nâng cấp; các công trình thủy lợi mặc dù đã được phân cấp quản lý, song trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng một số công trình và việc giải tỏa vi phạm vẫn chưa được các bên liên quan làm tốt. Để tiếp tục đảm bảo phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển, ngành Nông nghiệp đã đề ra 3 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thủy lợi gồm: tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi để tăng tỷ lệ diện tích được cấp nước, khả năng tiêu thoát nước của hệ thống; thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng; tiếp tục đề xuất sửa đổi xây dựng các cơ chế chính sách thúc đẩy hình thức hợp tác công - tư trong lĩnh vực nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi nội đồng; tăng cường huy động sự tham gia của các hội, ngành, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân trong mối quan hệ liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để đầu tư công trình nội đồng được hiệu quả./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com