Ý Yên tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế nông thôn

07:07, 17/07/2019

Sau hơn 9 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo, cảnh quan môi trường nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở huyện Ý Yên được cải thiện rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu nông nghiệp, lao động chuyển dịch theo hướng tích cực.

Hoàn thiện sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí đúc Tân Tiến, Thị trấn Lâm.
Hoàn thiện sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí đúc Tân Tiến, Thị trấn Lâm.

Đồng chí Hoàng Xuân Thành, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Để thực hiện và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xác định tập trung tổng lực các giải pháp để phát triển toàn diện kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của nhân dân là giải pháp then chốt, xuyên suốt để xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong đó tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là đặc biệt quan trọng để tạo đột phá. Trong sản xuất nông nghiệp, một mặt huyện thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, huyện động viên các xã có tiềm năng tham gia chương trình hợp tác quốc tế với Nhật Bản để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng trồng lúa đặc sản nếp cái hoa vàng tại các xã Yên Quang, Yên Bằng, Yên Hồng; vùng sản xuất rau màu sạch, hữu cơ tại các xã Yên Cường, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Dương, Yên Thắng, Yên Lộc, Yên Phúc; vùng chuyên trồng màu chủ lực của huyện (lạc, khoai tây, ngô). Vùng sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và sản xuất phân hữu cơ tại xã Yên Cường. Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn của hộ bà Đinh Thị Nhuận (Yên Hồng) với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam theo hình thức chăn nuôi gia công, quy mô 2.000 con lợn thương phẩm, chất thải chăn nuôi được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, giá trị sản xuất đạt 18-20 tỷ đồng/năm. Nhờ phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện Ý Yên đã tăng từ 1.354,5 tỷ đồng (năm 2010) lên 3.253,9 tỷ đồng (năm 2018); 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.584 tỷ đồng.

Để tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, huyện Ý Yên tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực có trình độ cao trong các làng nghề, làng nghề truyền thống, tăng cường thu hút đầu tư để phát triển mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trên cơ sở chương trình phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được phê duyệt, UBND huyện giao Phòng Công thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư tại chỗ kết hợp thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ tiềm lực đến đầu tư phát triển sản xuất. Được tỉnh tạo cơ chế hỗ trợ thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn; các xã, thị trấn tăng cường vai trò quản lý của chính quyền các cấp, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Qua nhiều năm đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đến nay trên địa bàn huyện Ý Yên đã có 3 cụm công nghiệp ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Xá, Yên Ninh. Hiện tại, các cụm công nghiệp tập trung của huyện đã thu hút được trên 195 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp đều có sự tăng trưởng, phát triển ổn định. Trong đó, Cụm công nghiệp Tống Xá tập trung phát triển ngành cơ khí đúc chi tiết máy; Cụm công nghiệp Thị trấn Lâm phát triển mạnh nghề đúc đồng mỹ nghệ; Cụm công nghiệp Yên Ninh thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên về các mặt hàng mộc mỹ nghệ, dân dụng với thương hiệu đã được thị trường tín nhiệm. 6 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và có quy mô lớn, tiêu biểu như: làng nghề truyền thống đúc kim loại Tống Xá, làng nghề truyền thống chế biến gỗ La Xuyên, Lũ Phong, Ninh Xá, Trịnh Xá xã Yên Ninh, làng nghề truyền thống sơn mài Cát Đằng xã Yên Tiến. Ngoài các ngành nghề truyền thống, ngành may cũng được huyện quan tâm khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu giải quyết việc làm phù hợp tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn để nông dân “ly nông” mà không phải “ly hương”. Xã Yên Trị hiện đã có 28 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, thu hút và tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 3.500 lao động tại địa phương và các xã lân cận. Từ định hướng đúng với những chính sách ưu đãi trong phát triển ngành nghề, ngoài các doanh nghiệp lớn mạnh từ cơ sở sản xuất của địa phương như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt may Vĩnh Oanh, Doanh nghiệp Tư nhân Phương Lan, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến, Công ty Cổ phần Bảo Linh… còn có các doanh nghiệp lớn đầu tư về như: Công ty Cổ phần May 5 (Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định) đã đầu tư tại xã Yên Tân; 2 doanh nghiệp nước ngoài là: Công ty Santa Clara đầu tư nhà máy may tại xã Yên Bình giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc dệt kim Smart Shirts đầu tư nhà máy sản xuất tại xã Yên Thọ, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động. Giai đoạn 2010-2019, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn của huyện tăng trưởng bình quân 15,23%/năm.

Khuyến khích đầu tư tại chỗ và thu hút đầu tư từ bên ngoài đã tạo sức mạnh tổng hợp giúp huyện Ý Yên hoàn thành các tiêu chí về kinh tế, lao động, việc làm, nâng cao đời sống; đảm bảo sự phát triển vững chắc cho kinh tế địa phương./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com