Tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững ở Trực Ninh

08:04, 15/04/2019

Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và gia đình chính sách của huyện Trực Ninh đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững.

Một buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh.
Một buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh.

Trước đây, nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh chủ yếu được cân đối từ Trung ương chuyển về. Qua 16 năm hoạt động, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, đến nay cơ cấu nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã đa dạng, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính đến đầu tháng 3-2019, các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn huyện Trực Ninh có tổng dư nợ cho vay đạt 277 tỷ 812 triệu đồng với 12.753 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn có dư nợ cao nhất với tổng nguồn vốn vay 98 tỷ 150 triệu đồng. Kết quả trên cho thấy, các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh thực hiện đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và gia đình chính sách; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Với ưu điểm của nguồn vốn tín dụng là thời hạn cho vay dài, lãi suất thấp, người nghèo không phải thế chấp tài sản bảo đảm, thủ tục vay đơn giản, phương thức cho vay chủ yếu ủy thác thông qua các hội, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương đã tạo điều kiện để các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của các gia đình được thụ hưởng nguồn vốn. Được Hội Nông dân xã giúp đỡ, tạo điều kiện về thủ tục, anh Trần Văn Điều, hội viên nông dân xã Trung Đông được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Cùng với nguồn vốn của gia đình, anh đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn nái kết hợp nuôi gà ta thả vườn và đào ao nuôi cá trôi, trắm, mè, chép. Trung bình mỗi năm anh nuôi và xuất bán được 4 lứa gà, 2 lứa lợn giống; diện tích mặt nước anh nuôi cá truyền thống cũng cho thu hoạch 2-3 tạ cá. Tập trung phát triển kinh tế hộ đã mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình anh đã vươn lên khá giả... Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ, đồng chí Phạm Quốc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trực Ninh cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang nhận ủy thác và quản lý 197 tổ tiết kiệm và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số vốn là 121 tỷ 740 triệu đồng cho trên 5.500 hộ vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy các hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn xây dựng mô hình và đưa các giống cây, con mới có tiềm năng năng suất, chất lượng vào sản xuất, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, góp phần giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Việc triển khai các chương trình cho vay tín dụng chính sách còn góp phần tạo mối liên kết tốt giữa các hội viên với tổ chức hội, đồng thời động viên sự tham gia của toàn xã hội hướng tới và giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách khác... Để triển khai cho vay hiệu quả nguồn vốn tín dụng, bảo đảm đúng đối tượng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền phân bổ nguồn vốn cho từng xã, thị trấn tới tận thôn, xóm và hộ vay thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể và mạng lưới 383 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các hộ dân tham gia vào tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay vốn mà còn được tương trợ, giúp đỡ trong sản xuất và đời sống, được hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để sử dụng đồng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định xã hội, gắn bó nhân dân với chính quyền. Từ năm 2003 đến nay, toàn huyện đã có 68.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; dư nợ bình quân 1 hộ tăng 8,6 lần, từ 2,8 triệu đồng năm 2003 lên 24 triệu đồng năm 2018; góp phần giúp cho gần 10 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 5.778 lao động ở địa phương...

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của huyện thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách được giao. Thực hiện nghiêm nội dung văn bản liên tịch về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được ký kết với các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các đối tượng được thụ hưởng vốn vay nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống, đồng thời thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm hoạt động nền nếp, ổn định. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc thu tiền gốc, tiền lãi đến hạn nhằm bảo đảm an toàn nguồn vốn của Nhà nước và hạn chế nợ quá hạn, nợ xấu./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com