Những nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở Xuân Trường

08:04, 23/04/2019

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện Xuân Trường ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút được đông đảo hội viên nông dân tham gia, đã có nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tiêu biểu như anh Trần Duy Khía, ở xóm 3, xã Xuân Trung phát triển nghề mộc truyền thống. Nói chuyện với chúng tôi, anh Khía cho biết, gia đình anh mở xưởng mộc từ năm 1996. Những năm đầu, cơ sở của gia đình anh chủ yếu nhận các công trình mộc dân dụng và nhận đóng tủ, bàn ghế, cửa… cho các hộ dân trong và ngoài địa phương. Có thời điểm, cơ sở sản xuất của gia đình anh cũng gặp nhiều khó khăn. Để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, anh đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu khách hàng cũng như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trên thị trường, từ đó tìm tòi nghiên cứu, chế tác các mẫu mã sản phẩm mới. Với nỗ lực vượt khó, sản phẩm của gia đình anh Khía hiện đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, giá cả hợp lý, được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, cơ sở sản xuất nghề mộc của anh đã và đang tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 4-7 triệu đồng/người/tháng; doanh thu bình quân của cơ sở đạt trên 300 triệu đồng/năm. Còn anh Trần Minh Quang, ở xóm 10, xã Xuân Trung cũng là một điển hình vượt khó vươn lên làm giàu. Anh Quang cho biết, gia đình anh mở xưởng may từ năm 2003. Lúc đầu, gia đình anh sản xuất nhỏ lẻ. Để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, cuối năm 2015, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương, anh vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mở rộng nhà xưởng lên trên 300m2. Sản phẩm của cơ sở chủ yếu là may túi thân thiện với môi trường để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện cơ sở của anh đã mở thêm được xưởng thứ 2, doanh thu bình quân trên 2 tỷ đồng/năm, tạo thêm việc làm cho 35 lao động, mức lương bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng. Để cơ sở sản xuất hiệu quả và bền vững, cuối tháng 7-2017, anh đã thành lập công ty và ký kết hợp đồng sản xuất với đơn vị đầu mối tại Hà Nội chuyên xuất khẩu hàng hóa đi các nước châu Âu. Nhiều hộ dân trong huyện còn mạnh dạn đầu tư theo mô hình “vườn - ao - chuồng”, chăn nuôi trang trại tổng hợp.

Cơ sở chăn nuôi gà Ai Cập của gia đình ông Phạm Văn Đưởng, xã Xuân Thủy cho thu nhập cao.
Cơ sở chăn nuôi gà Ai Cập của gia đình ông Phạm Văn Đưởng, xã Xuân Thủy cho thu nhập cao.

Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi gà Ai Cập đẻ trứng kết hợp trồng cây ăn quả của gia đình ông Phạm Văn Đưởng, xã Xuân Thủy. Tiếp chúng tôi, ông Đưởng cho biết, nhiều năm trước, ông chuyên đi cung cấp giống gia cầm cho bà con nông dân. Đầu năm 2016, khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, ông nhận đấu thầu khu ruộng trũng với diện tích gần 14 nghìn m2 để phát triển chăn nuôi gà Ai Cập. Với kinh nghiệm trong nhiều năm buôn bán gà giống, ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây chuồng nuôi gà với quy mô mỗi lứa từ 7-10 nghìn con, đào 2 ao thả cá truyền thống; trên bờ ông trồng chuối tây và một số cây ăn quả như mít, táo… vừa tạo bóng mát, vừa có thêm thu nhập. Hiện trang trại gà của ông đang có 7.000 con gà đẻ, bình quân mỗi ngày thu trên 5.000 quả trứng, với giá thị trường 2.000-2.200 đồng/quả, trang trại đã có doanh thu trên 300 triệu đồng/tháng. Gà đẻ trứng được hơn 1 năm, ông lại đảo chuồng và gây đàn mới. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 500 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đưởng cho biết, để có được thành công đó là do ông luôn tuân thủ đúng quy trình về việc tiêm phòng vắc-xin, tiêm đúng liều để gà có sức đề kháng ngay từ nhỏ, vì vậy đàn gà ít mắc bệnh, đẻ sai. Bên cạnh đó, việc xây chuồng trại phải đảm bảo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Dưới nền rải trấu kết hợp xử lý bằng chế phẩm sinh học để khử mùi hôi. Toàn bộ hệ thống nước uống cho gà được lắp tự động, máng cám luôn được đảm bảo vệ sinh. Trong quá trình nuôi, gà còn được bổ sung thức ăn đủ chất bao gồm đạm, tinh bột, chất béo, khoáng, vitamin, chất xơ và một số chất khác… nhằm tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng. Đặc biệt, đến giai đoạn gà sắp đẻ trứng, phải chú ý đến chế độ ăn uống, đồng thời ngừng tiêm hoặc uống vắc-xin trước 1 tháng để gà đảm bảo sức khỏe trong thời kỳ sinh sản. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong và ngoài chuồng trại được thực hiện định kỳ nên từ khi xây dựng trang trại đến nay, đàn gà của gia đình ông luôn được đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Năm 2018, ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh.

Đó chỉ là ba cá nhân xuất sắc đại diện cho hơn 11.500 hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Đồng chí Trần Đức Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, hàng năm, Hội Nông dân huyện tổ chức chặt chẽ việc đăng ký và bình xét hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Kết quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Những tấm gương nông dân vượt khó vươn lên, làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương góp phần xây dựng Xuân Trường ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com