Nỗ lực thúc đẩy sản xuất nông sản, thực phẩm sạch

06:04, 16/04/2019

Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm. Thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn là những rào cản trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, giảm hiệu quả phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển xã hội, ngành Nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình để thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản, thực phẩm sạch.

Mô hình sản xuất nấm sạch linh chi của Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu).
Mô hình sản xuất nấm sạch linh chi của Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu).

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố lựa chọn và xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực; trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát triển sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản “sạch” gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản hàng hóa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các địa phương tăng cường công tác quản lý đảm bảo chất lượng thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp nên các vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã giảm, nhận thức, ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt. Một số cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo động lực phát triển sản xuất nông sản, thực phẩm sạch. Ngành Nông nghiệp đã nỗ lực thực hiện công tác kiểm soát, giám sát tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản thông qua các chương trình giám sát chủ động, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về an toàn thực phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hóa chất trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh công tác kiểm soát tốt về chất lượng sản phẩm, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã quan tâm đẩy mạnh vận động, hỗ trợ các cơ sở thực hiện xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP, GMP, SSOP, VietGAP, ISO và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm. Nhiều liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản sạch đang được hình thành và phát triển. Tiêu biểu là mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu). Từ đầu năm 2018, Hợp tác xã đã quy hoạch vùng trồng lúa hữu cơ rộng 10ha với các loại gạo đặc sản là nếp bắc, tám xoan và bắc thơm 7. Ông Hà Minh Ðức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Toàn bộ vùng trồng lúa được áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ, được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam bảo trợ và tư vấn kỹ thuật nhằm đảm bảo tiêu chuẩn định hướng sản xuất hữu cơ đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng. Theo đó, nông dân không dùng phân vô cơ, không phun thuốc hóa học mà chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, phân xanh ngâm ủ từ ốc bươu vàng, cây điền thanh, cây chùm ngây, cá, chuối, mẻ, sữa chua… để bón cho lúa theo từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển. Ðồng thời, bón bổ sung các loại phân hữu cơ vi sinh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận, cho phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ. Việc phòng trừ nấm và sâu bệnh hại lúa sử dụng các hợp chất vi sinh tự nhiên như: vôi bột, tỏi, ớt, dấm. Sau 2 vụ sản xuất, Hợp tác xã đã cung ứng được trên 30 tấn gạo hữu cơ cho các bếp ăn tập thể, đại lý kinh doanh nông sản sạch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… Sản phẩm gạo hữu cơ bước đầu được thị trường đón nhận. Ngoài ra, Hợp tác xã còn sản xuất các loại gạo đảm bảo tiêu chí an toàn cung ứng ra thị trường. Dự kiến trong vụ  mùa 2019, Hợp tác xã Toàn Thắng sẽ mở rộng quy mô sản xuất gạo hữu cơ lên 30-35ha. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (Thành phố Nam Ðịnh) đang xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch Minh Long. Công ty đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ, khép kín từ dây chuyền chế biến thực phẩm đến kho bảo quản. Các sản phẩm chính của Công ty là thịt lợn sạch, xúc xích, giò, thịt lợn muối… được quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001:2008 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, hàng năm Công ty tiêu thụ khoảng 3.000 tấn sản phẩm ở thị trường trong nước và gia công xuất khẩu nông sản cho những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, EU… Tiêu biểu về sản xuất sạch trong lĩnh vực thủy sản là chuỗi sản xuất cá bống bớp theo quy trình VietGAP của Doanh nghiệp tư nhân. Sản xuất giống và kinh doanh thủy hải sản Sơn Nguyệt, Thị trấn Rạng Ðông (Nghĩa Hưng). Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Với hơn 100 bể ương, mỗi năm doanh nghiệp sản xuất khoảng 9 triệu con giống để thực hiện chuỗi khép kín từ khâu sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ. Tất cả các khâu được kiểm soát chặt chẽ để cho ra sản phẩm chất lượng tốt trên thị trường. Mỗi năm doanh nghiệp tiêu thụ 700-1.000 tấn cá bống bớp.

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản tươi và chế biến của tỉnh ta đã khẳng định được thương hiệu, vị trí trên thị trường như: nấm sạch Linh Phát, rau Ngọc Anh, giò 7 phút Nam Phát, sứa Tân Long, nước mắm Ninh Cơ… Một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt và được xuất khẩu chính ngạch như: ngao Lenger xuất sang thị trường EU, nông sản sấy Minh Dương xuất sang Bắc Kinh (Trung Quốc), dưa chuột và cà chua chế biến của Công ty Vina TP xuất sang Liên bang Nga. Qua đó, thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản sạch của tỉnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Có thể nói, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch bước đầu đã được người tiêu dùng, thị trường đón nhận. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai thực hiện, việc phát triển sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm sạch vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn, nhất là trong bối cảnh các mô hình mới xây dựng, đang trong quá trình tự hoàn thiện và nỗ lực khẳng định thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đa phần quy mô còn nhỏ, lẻ, chưa chủ động trong việc đổi mới dây chuyền công nghệ, phương thức sản xuất, quản lý, tiếp cận thị trường; chưa quan tâm đến thương hiệu và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cũng như việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến GMP, HACCP… để bảo đảm an toàn vệ sinh, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Công tác kiểm soát, giám sát an toàn thực phẩm của các ngành chức năng mới chỉ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực tại một số vùng, chưa đồng đều cho tất cả các sản phẩm; chưa tạo được sự gắn kết, tham gia một cách tự giác của các doanh nghiệp. Việc điều tiết nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sản phẩm sạch còn nhiều khó khăn, bất cập, không đáp ứng được các hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đơn vị chế biến và siêu thị lớn.

Ðể mục tiêu phát triển sản xuất nông sản, thực phẩm sạch và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cần sự chung tay hơn nữa của cả cộng đồng. Sự quan tâm, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền cùng với sự tham gia tích cực, chủ động hơn nữa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch và sự lựa chọn thông minh của mỗi người tiêu dùng sẽ là điều kiện tiên quyết để tiếp tục nhân rộng và phát huy toàn diện hiệu quả những mô hình sản xuất áp dụng các công nghệ tiên tiến, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị để đảm bảo cung cấp cho thị trường nông sản, thực phẩm sạch./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com