Giải pháp phát triển kinh tế nông thôn bền vững ở Hải Phong

05:02, 22/02/2019

Đến năm 2018, cơ cấu kinh tế, lao động và thu nhập của nhân dân xã Hải Phong (Hải Hậu) đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Toàn xã có gần 1.000 lao động trong độ tuổi tham gia sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và các ngành nghề nông thôn. Nhờ đó, bình quân thu nhập theo đầu người của xã năm 2018 đã được nâng lên mức trên 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1%.

Cơ sở sản xuất của ông Ngô Văn Cẩn, xóm 6, xã Hải Phong được đầu tư máy móc hiện đại để hoàn thiện các sản phẩm mộc mỹ nghệ chất lượng cao.
Cơ sở sản xuất của ông Ngô Văn Cẩn, xóm 6, xã Hải Phong được đầu tư máy móc hiện đại để hoàn thiện các sản phẩm mộc mỹ nghệ chất lượng cao.

Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 với định hướng phát triển các ngành nghề truyền thống sẵn có kết hợp với tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy, UBND xã Hải Phong đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Nhằm phát huy lợi thế có hơn 4km Quốc lộ 21B và gần 2km tỉnh lộ 488 chạy ngang địa bàn, xã đã quy hoạch hợp lý sử dụng đất ven các tuyến đường này để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời để khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân phát triển sản xuất đa dạng ngành nghề, xã tranh thủ các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho người lao động địa phương qua các chương trình khuyến công, Đề án 1956; hỗ trợ tối đa về mặt bằng, thủ tục hành chính cho các chương trình, dự án khởi nghiệp trên địa bàn; tạo điều kiện cho các Ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính sách xã hội triển khai các chính sách tín dụng giúp các cơ sở sản xuất, hộ cá thể có vốn để đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề. Xã đã lập đề án quy hoạch và phát triển làng nghề xây dựng kiến trúc cổ truyền thống theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đến nay, nghề xây dựng kiến trúc cổ của xã phát triển mạnh với đội thợ trên 100 lao động lành nghề đạt mức thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/tháng trở lên, thường xuyên nhận được các hợp đồng lớn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, nghề xây dựng, khôi phục kiến trúc cổ của xã còn tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động nông nhàn với mức thu nhập từ 120-250 nghìn đồng/người/ngày. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó và năng động, nhiều hộ dân trong xã đã nắm bắt tối đa sự hỗ trợ, tạo điều kiện của xã, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN nên đến nay xã Hải Phong đã phát triển nhanh các ngành nghề sản xuất CN-TTCN như: chế biến gỗ, cơ khí, chế biến thịt lợn sữa xuất khẩu… Nghề chế biến gỗ phát triển mạnh với hàng chục cơ sở sản xuất quy mô mỗi cơ sở có từ 5-7 lao động thường xuyên và 3-5 lao động thời vụ chuyên sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ thông dụng như: bàn, ghế, giường, tủ và các món đồ và tượng thờ… Một số xưởng mộc lớn của các ông: Trần Văn Đoàn, xóm 4B; Ngô Văn Cẩn, xóm 6; Trần Văn Tập, xóm 2D... đã đầu tư máy móc hiện đại phục vụ việc xây dựng nhà cổ và các công trình tôn giáo. Năm 2016, ông Ngô Văn Cẩn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 2 máy chạm khắc tự động CNC (1 máy 8 mũi và 1 máy 4 mũi), từ đó ký được các hợp đồng thi công xây dựng nhà cổ, sản xuất các loại đồ thờ lớn (ngai, tòa, tượng, kiệu...) tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động với mức thu nhập từ 120-250 nghìn đồng/người/ngày. Nhờ chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, tại xã ngoài Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Huy chuyên chế biến lợn sữa xuất khẩu ở xóm 8B tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng; vừa qua, tiếp tục có Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Vận (Nam Trực) đầu tư xây dựng nhà xưởng với tổng diện tích 10ha tại xóm 3B sản xuất giày da xuất khẩu. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm mới cho hơn 4.000 lao động.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lao động để phát triển sản xuất CN-TTCN đang là giải pháp đúng để xã Hải Phong nâng cao thu nhập của người dân. Thời gian tới, xã Hải Phong tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế; phấn đấu năm 2019 nâng mức thu nhập bình quân theo đầu người đạt 50 triệu đồng./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com