Xuân hy vọng ở các cụm công nghiệp

03:01, 22/01/2019

Hòa cùng dòng người đang hối hả chở đào quất, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, từ Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định) dọc theo các tuyến Quốc lộ: 10, 21 đến các Cụm công nghiệp: La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên); Nam Hồng (Nam Trực); Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); Xuân Tiến, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); Hải Phương (Hải Hậu)... Đến đâu chúng tôi cũng được chứng kiến không khí khẩn trương xây dựng nhà xưởng và nhịp lao động bận rộn, hối hả, những tín hiệu vui, tạo sức bật mới cho sự phát triển của các cụm công nghiệp trong năm mới.

Ai đó chỉ đi xa khoảng chục năm khi trở lại những vùng quê thuần nông, kinh tế chậm phát triển trước kia của các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy… đều rất ngỡ ngàng, bất ngờ trước sự đổi thay trù phú, rộn ràng không khí hối hả từ các xưởng máy công nghiệp đến các cơ sở, các hộ sản xuất trong các cụm công nghiệp tập trung. Đồng chí Trần Ngọc Cẩm, Giám đốc Nhà máy may Sông Hồng 4, Công ty cổ phần May Sông Hồng, Cụm công nghiệp Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) cho biết: Sau khi bước vào hoạt động chính thức từ năm 2006 với 4 xưởng may, mỗi xưởng có 8 chuyền may và 1 xưởng giặt, đến nay nhà máy đã tạo việc làm cho 2.200 lao động với mức lương bình quân khoảng 6,8 triệu đồng/người/tháng. Hằng tháng, riêng tiền lương của công nhân khoảng 16-17 tỷ đồng. Riêng tháng Tết cả tiền lương và tiền thưởng của công nhân khoảng 30 tỷ đồng. Bởi vì nhiều năm liên tục, Công ty cổ phần May Sông Hồng đảm bảo mức thưởng Tết cho công nhân bằng 2 tháng lương bình quân, phần lớn công nhân của công ty đều đạt mức thưởng Tết từ 13-14 triệu đồng/người. Như vậy, công nhân của Công ty cổ phần May Sông Hồng, người thu nhập dưới 80 triệu đồng/năm là hiếm, trung bình đạt mức thu nhập từ 90-100 triệu đồng/năm hoặc hơn. Mức thu nhập trên không phải cá biệt chỉ có ở Cụm công nghiệp Thị trấn Xuân Trường mà còn phổ biến ở các Cụm công nghiệp Hải Phương (Hải Hậu) và xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) nơi Công ty cổ phần May Sông Hồng đầu tư nhà máy. Mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng cũng không phải là hiếm bởi vì ở nhiều cụm công nghiệp khác như: La Xuyên, Xuân Tiến hoặc Hải Minh, Thị trấn Lâm nơi các cụm công nghiệp gắn với các làng nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng như: cơ khí, đúc, gỗ mỹ nghệ mức lương của người lao động còn đạt cao hơn.

Sản xuất sản phẩm đồ chơi trẻ em tại Công ty trách nhiệm hữu hạn JY Plastic, Cụm công nghiệp Hải Phương (Hải Hậu).
Sản xuất sản phẩm đồ chơi trẻ em tại Công ty trách nhiệm hữu hạn JY Plastic, Cụm công nghiệp Hải Phương (Hải Hậu).

Thực tế đã chứng minh, chủ trương phát triển cụm công nghiệp cấp huyện đã góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về nông thôn, đáp ứng một phần nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Tại nhiều địa phương, việc phát triển cụm công nghiệp có vai trò tích cực trong tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhờ phát triển công nghiệp chế biến, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng giá trị hàng hóa nông sản. Công nghiệp về làng tạo động lực quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở những xã vốn trước đây “trắng nghề”, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Đồng thời thúc đẩy thương mại dịch vụ cùng phát triển, góp phần làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của địa phương ngày càng sôi động, thu nhập của lao động ở các cụm công nghiệp luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp nhiều lần. Để có được kết quả đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn; UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định về các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp tập trung; chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Sở Công thương cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố đề xuất UBND tỉnh thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào cụm công nghiệp. Cùng với quyết tâm của tỉnh, các huyện, thành phố cũng tập trung chỉ đạo vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp... Do vậy các cụm công nghiệp địa phương đã nhanh chóng được lấp đầy. Tại huyện Ý Yên, 5 cụm công nghiệp tập trung ở Thị trấn Lâm và các xã: Yên Xá, Yên Ninh đã thu hút được trên 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 400 tỷ đồng. Huyện Xuân Trường hiện có 4 cụm công nghiệp tập trung là: Xuân Tiến, Thị trấn Xuân Trường, đóng tàu Xuân Trường và Xuân Bắc; các cụm công nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng số 53 dự án đầu tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định với mức bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng cho trên 3.500 lao động thường xuyên… Hiện tại 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động trước năm 2010 có hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cấp, thoát nước tương đối hoàn chỉnh. Tại các cụm công nghiệp này đã thu hút được 478 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 2.983,2 tỷ đồng, số vốn thực hiện đạt 2.706,7 tỷ đồng, thu hút 19,7 nghìn lao động. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 173,29ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 82%, nhiều cụm công nghiệp đã lấp đầy 100% như Cụm công nghiệp Thị trấn Cổ Lễ, Cụm công nghiệp Cát Thành (Trực Ninh), Cụm công nghiệp La Xuyên, Cụm công nghiệp Tống Xá (Ý Yên)…

Để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, UBND tỉnh đã có Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương.

Trong dòng người lao động đang hối hả rời các cụm công nghiệp trở về gia đình sau ngày làm việc, gương mặt ai cũng đầy phấn chấn, hy vọng với kết quả lao động đạt được giúp họ đón cái Tết đủ đầy, sung túc hơn. Hy vọng mùa xuân mới sẽ đem lại sức bật mới cho các cụm công nghiệp của tỉnh trong năm 2019 - năm quyết định để thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com