Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý về an toàn thực phẩm

07:01, 23/01/2019

Trong 6 tháng cuối năm 2018, Cục Quản lý thị trường Nam Định đã kiểm tra 630 lượt về an toàn thực phẩm (ATTP), xử lý 237 vụ việc, phạt 203,7 triệu đồng; thu giữ hàng hóa trị giá gần 100 triệu đồng. Việc tập trung cao độ cho công tác đảm bảo ATTP của lực lượng chức năng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở và người lao động; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đi vào nề nếp.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Trực Ninh.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Trực Ninh.

I. Nhức nhối thực phẩm bẩn

Theo Luật An toàn thực phẩm (năm 2010) và Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 của Chính phủ, ngành Công thương được giao chức năng quản lý Nhà nước về ATTP trong suốt quá trình từ sản xuất, chế biến đến bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu, kinh doanh đối với 8 nhóm sản phẩm thực phẩm, gồm: bia; rượu, cồn và đồ uống có cồn; nước giải khát; sữa chế biến; dầu thực vật; bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo; dụng cụ, vật liệu bao gói đựng thực phẩm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11.246 cơ sở thực phẩm được quản lý, giám sát về đảm bảo ATTP thuộc ngành Công thương. Trong đó có 2.990 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 3.646 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 4.610 cơ sở dịch vụ ăn uống. Mặc dù trong thời gian qua, trên phạm vi toàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc vi phạm lớn hay ngộ độc thực phẩm tập thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trên thực tế tình trạng vi phạm ATTP diễn ra phổ biến, thường xuyên, hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc, có thể nhận biết bằng mắt thường ở các điểm bán thực phẩm đường phố, chợ dân sinh... Nhiều hộ chế biến và bán thực phẩm ngay trên hè phố giữa bụi đường, khói xe mà không có biện pháp bảo đảm vệ sinh. Việc sử dụng bao gói thực phẩm cũng tạm bợ, chủ yếu là túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa làm từ vật liệu tái chế gây mất vệ sinh ATTP. Nghiêm trọng hơn, vì lợi nhuận, nhiều hộ kinh doanh còn nhập nhèm trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sử dụng hóa chất cấm làm cho thực phẩm được tươi màu, ngon mắt và kéo dài thời gian sử dụng. Trong số những trường hợp vi phạm ATTP đã bị phát hiện xử lý thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã buộc 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo; sản phẩm bị tiêu hủy là 119 loại hàng hóa khác nhau đều là hàng giả; hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng và thực phẩm tươi sống đã có dấu hiệu bị phân hủy. Trong đó chủ yếu gồm các nhóm gia vị, phụ gia thực phẩm (mì chính giả, bột nêm, nước mắm, nước chấm, xì dầu, phẩm màu, hỗn hợp phụ gia hết hạn sử dụng, nguyên liệu làm xúc xích; 700kg ruột lợn đang trong quá trình phân hủy); nước ngọt các loại: Coca cola, red bull (bò húc), nước chanh muối, nước hoa quả; sữa nước; các loại bánh, kẹo. Điển hình như vụ việc ngày 3-7-2018, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra cơ sở sản xuất rượu Quý Sơn Hà ở xóm 21, xã Trực Đại (Trực Ninh). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 210 lít rượu nếp men bắc đóng trong bình to; 150 chai rượu nếp men bắc (loại 500 ml/chai), 630 lít rượu ngâm táo mèo, 180 lít rượu ngâm chuối hột, 700 chai rượu chắt (loại 500 ml/chai) không được dán tem rượu sản xuất trong nước theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu sản phẩm rượu chắt để kiểm nghiệm; đồng thời tạm giữ toàn bộ số rượu không dán tem rượu sản xuất trong nước. Sau khi có kết luận của cơ quan chuyên môn, Cục Quản lý thị trường đã phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Hà số tiền 45 triệu đồng, tịch thu số hàng hóa vi phạm trị giá 47,73 triệu đồng về các lỗi: Không dán tem sản phẩm rượu sản xuất trong nước và chất lượng hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Ngoài vụ việc trên, lực lượng chức năng đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) kiểm tra, phát hiện rất nhiều mẫu rượu trắng ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có hàm lượng methanol và aldehyde quá cao so với quy định. Qua kiểm tra, ngành chức năng cũng đã phát hiện rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, bánh phở, nước tinh khiết (đóng bình), nước đá không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Nguy cơ mất vệ sinh ATTP luôn rình rập, xảy ra mọi lúc, mọi nơi do cả yếu tố chủ quan và khách quan của người sản xuất, hoạt động cung ứng và tiêu dùng. Do đó mặc dù công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát thị trường nhóm sản phẩm hàng hóa do ngành Công thương phụ trách được chú trọng thực hiện nhưng vẫn chưa kiểm soát hết được nhiều hành vi gian lận thương mại, mất vệ sinh ATTP.

II. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp 

Có tới trên 90% các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh do ngành Công thương quản lý quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, sản xuất theo tập quán kinh nghiệm truyền thống. Việc kiểm soát vệ sinh ATTP đối với nhóm hàng thực phẩm nhập khẩu, lưu thông trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Trong đó, có 2 nhóm mặt hàng có nguy cơ gây nhiễm độc cao là rượu, bột và các sản phẩm từ bột (bún, bánh phở, mì gạo, miến dong...) như: bột, bún, bánh phở... nhiễm tinopal, ngộ độc rượu. Về nhân sự lực lượng quản lý ATTP của ngành Công thương còn bất cập, chưa có cán bộ chuyên trách ở cấp xã, tổng số cán bộ ở cả tuyến tỉnh, tuyến huyện và lực lượng quản lý thị trường chỉ có trên 100 người, trong đó đa số cán bộ làm công tác kiêm nhiệm. Do đó, việc quản lý Nhà nước về ATTP ở địa bàn cơ sở chưa sâu sát; việc thống kê, cập nhật số liệu cơ sở thực phẩm do ngành quản lý chưa được thường xuyên, nên chưa kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP... Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Công thương thiếu đồng bộ, chậm ban hành, hoặc đã lạc hậu không còn phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Đặc biệt là việc không có phương tiện, thiết bị kiểm tra nhanh để xác định vi phạm ATTP cũng gây khó cho thực thi nhiệm vụ. 

Để tháo gỡ những khó khăn này, ngành Công thương đang tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó tăng cường tuyên truyền tạo sự thay đổi nhận thức và hành vi về ATTP; tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP cho người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước cấp huyện, xã về ATTP. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho cơ sở thực phẩm chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến trong quản lý, sản xuất thực phẩm. Tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển các chợ, siêu thị, làng nghề đảm bảo ATTP; triển khai kết nối sản phẩm nông, thủy sản an toàn của tỉnh đến các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; nhân rộng mô hình chợ, cửa hàng thực phẩm an toàn. Triển khai thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý ATTP để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ. Định kỳ kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về ATTP của các cấp. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hoạt động quản lý ATTP của cấp huyện, xã; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP. Tăng đầu tư ngân sách cho hoạt động quản lý về ATTP; thực hiện tốt việc giám sát, kiểm soát tại các nơi sản xuất, lưu thông nguồn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường; tái kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh ATTP; Thông tin nhanh và kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và cảnh giác, tẩy chay đối với cơ sở sản xuất cũng như loại thực phẩm không an toàn, tăng hiệu quả răn đe, phòng ngừa trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com