Vụ đông "được mùa, được giá"

08:01, 22/01/2019

Vụ đông năm 2018, toàn tỉnh gieo trồng 11.664ha; trong đó: ngô 1.822ha, khoai tây 2.103ha, khoai lang 455ha, cà chua 522ha, bí xanh 592ha và các cây trồng khác là 6.150ha; diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa đạt trên 1.000ha. Các huyện có diện tích gieo trồng lớn là Ý Yên 1.900ha, Giao Thuỷ 1.870ha, Hải Hậu 2.242ha, Nghĩa Hưng 1.420ha, Nam Trực 1.300ha… Thời tiết suốt vụ cơ bản thuận lợi nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Không những thế vụ đông này vừa “được mùa”, lại “được giá”.

Quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ đông năm 2018 của tỉnh là các địa phương triển khai thực hiện một cách thực chất, không làm theo phong trào, tập trung sản xuất các cây rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông phải xác định rõ loại cây trồng, thị trường, phương thức tiêu thụ, vùng trồng đảm bảo chủ động tưới, tiêu, hạn chế thấp nhất rủi ro. Tập trung hướng dẫn kỹ thuật, hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố tích cực triển khai các giải pháp phát triển sản xuất vụ đông theo chỉ đạo của tỉnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình gieo trồng cây vụ đông cho nông dân ngay từ đầu vụ; phân công cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn để hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Ngoài đợt không khí lạnh từ ngày 20 đến 25-10-2018 gây mưa trên diện rộng làm ảnh hưởng lớn tới tiến độ làm đất, gieo trồng, sự sinh trưởng và phát triển của cây vụ đông, nhất là đối với các loại cây ưa ấm; trong thời gian còn lại của vụ đông thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Đến thời điểm hiện tại, các loại cây trồng ưa ấm như: ngô, bí xanh, cà chua, dưa chuột… đang thu hoạch rộ; một số diện tích khoai tây sớm cũng bắt đầu cho thu hoạch. Diện tích các cây rau ăn lá sớm đã thu hoạch xong, nông dân đang tiếp tục quay vòng trồng các lứa rau mới để phục vụ Tết và đầu xuân. Tính đến hết ngày 15-1-2019, toàn tỉnh đã thu hoạch được 9.510ha cây vụ đông, đạt 82% diện tích. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn hoặc tương đương năm trước. Năng suất ngô ước đạt 42 tạ/ha; khoai tây dự kiến đạt 130 tạ/ha; khoai lang ước đạt 90 tạ/ha; bí xanh ước đạt 185 tạ/ha; cà chua ước đạt 270 tạ/ha... Qua tìm hiểu tại một số vùng đồng màu truyền thống như: Nam Dương, Nam Hùng (Nam Trực); Nam Điền, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); Liên Minh, Liên Bảo (Vụ Bản) cho thấy nông dân phấn khởi vì vụ đông không chỉ được mùa mà còn được cả giá. Nhiều loại cây trồng bán được giá cao hơn mọi năm. Ở thời điểm đầu vụ thu hoạch, khoai tây có giá 10-12 nghìn đồng/kg; cà chua hơn 10 nghìn đồng/kg; các loại bắp cải, su hào, cà rốt, súp lơ trắng, súp lơ xanh, bí xanh có giá dao động từ 8-10 nghìn đồng/kg… Hiện tại, khoai tây có giá 7.000 đồng/kg; cà chua 5.000-6.000 đồng/kg; bí xanh 6.000-7.000 đồng/kg; súp lơ trắng, súp lơ xanh 5.000-7.000 đồng/kg; các loại bắp cải, su hào, cà rốt 4.000-5.000 đồng/kg… Tổng giá trị sản xuất cây vụ đông năm 2018 ước xấp xỉ 700 tỷ đồng, bình quân đạt 60 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng rau thủy canh của cơ sở sản xuất rau Anh Khôi Farm, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định).
Mô hình trồng rau thủy canh của cơ sở sản xuất rau Anh Khôi Farm, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định).

Trong vụ đông năm 2018, nhiều tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được áp dụng và nhân rộng có hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh tại xã Trực Hùng (Trực Ninh); mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại và Dịch vụ Tuệ Hương tại xã Yên Dương (Ý Yên); mô hình trồng rau thủy canh của cơ sở sản xuất rau Anh Khôi Farm, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định)… Đặc biệt. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng 3 mô hình trồng cây vụ đông trên những diện tích đất lúa bị bỏ hoang do ngập úng trong vụ mùa năm 2018. Đó là mô hình trồng bí xanh lên luống kết hợp với trồng rau cần ở dưới rãnh tại xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc); mô hình lên luống trồng cà chua tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng); mô hình trồng lạc tại xã Liên Bảo (Vụ Bản). Qua đánh giá, các mô hình cho hiệu quả gấp từ 5-7 lần so với cấy lúa. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Đây là một trong những thành công của vụ đông năm 2018, đưa ra giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đang ngày càng gia tăng. Chi cục cũng đề nghị các huyện, thành phố có định hướng tuyên truyền, khuyến khích mở rộng các mô hình trên trong những năm tới để nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tăng trưởng sản xuất, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch của ngành”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số địa phương quy mô sản xuất vụ đông năm 2018 vẫn còn nhỏ lẻ, không tập trung, sản phẩm khó truy xuất nguồn gốc, không có chứng nhận chất lượng. Mặc dù tổng diện tích sản xuất cao hơn 852ha so với vụ đông năm 2017 song mới chỉ đạt 90% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do sản xuất vụ đông ngày càng gặp nhiều khó khăn bởi biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, ngày càng khắc nghiệt với cây trồng nên nông dân còn dè dặt. Thu nhập từ sản xuất vụ đông nhìn chung còn thấp hơn và thiếu ổn định so với các công việc khác nên khó thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia trong khi vụ này cần nhiều công lao động. Để giúp các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản với các huyện, tuy nhiên theo báo cáo của các huyện, chỉ có gần 50ha cây vụ đông được thực hiện theo mô hình liên kết chuỗi là: xã Yên Cường (Ý Yên) liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) và Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) sản xuất 5ha rau các loại; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ 15ha ngô nếp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Dương (Thành phố Nam Định); Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh sản xuất rau sạch, rau an toàn liên kết tiêu thụ với các siêu thị: BigC, Co.opmart, Đức Thành… Con số này quá ít so với diện tích và sản lượng rau, củ sản xuất của nông dân. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn thiếu đồng bộ.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đôn đốc các địa phương thu hoạch cây rau màu vụ đông, chuyển trọng tâm sang sản xuất vụ xuân năm 2019. Có thể nói, vụ đông năm 2018 là vụ “được mùa, được giá”. Ngành Nông nghiệp và các địa phương cần sớm phân tích các bài học kinh nghiệm thành công cũng như những tồn tại, hạn chế để có giải pháp chỉ đạo phù hợp cho phát triển sản xuất vụ đông nói riêng, nông sản hàng hóa nói chung, thực hiện được mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com