Thị trấn Cát Thành phát huy lợi thế kinh tế thương mại dịch vụ

08:08, 24/08/2018

Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển thương mại dịch vụ như hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ thuận tiện cho việc luân chuyển hàng hóa; người dân lại năng động có kinh nghiệm trong hoạt động dịch vụ thương mại. Để phát huy lợi thế này, Đảng ủy, chính quyền Thị trấn Cát Thành đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện cho nghề truyền thống của địa phương như vận tải thuỷ, khâu nón và khuyến khích mở mang các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân địa phương và các khu vực lân cận.

Mô hình trồng hoa hồng của gia đình anh Đỗ Văn Sinh, xóm Bắc Giang, Thị trấn Cát Thành.
Mô hình trồng hoa hồng của gia đình anh Đỗ Văn Sinh, xóm Bắc Giang, Thị trấn Cát Thành.

Triển khai nghị quyết về phát triển kinh tế của Đảng ủy, UBND thị trấn đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện quy hoạch phát triển sản xuất và khuyến khích phát triển kinh tế hộ theo hướng đa ngành nghề và các loại hình dịch vụ. Trên cơ sở đó, toàn bộ diện tích tự nhiên phi nông nghiệp của thị trấn được chia thành 3 vùng: Khu vực phát triển thương mại dịch vụ bố trí sát trục đường chính của thị trấn gồm các khu dân cư thôn Trực Cát; khu dân cư thôn Hương Cát phát triển nghề khâu nón lá truyền thống, chế biến nông sản và khu dân cư Phú An, CCN Cát Thành tập trung phát triển nghề dịch vụ vận tải pha sông biển, công nghiệp đóng tàu và các ngành nghề hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, UBND thị trấn tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, cơ sở hạ tầng thiết yếu và đảm bảo an ninh trật tự để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư mở rộng phát triển sản xuất. Đồng thời, UBND thị trấn đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh việc dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động phổ thông tìm kiếm chương trình tài trợ, dự án, động viên người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn thị trấn đã có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong các lĩnh vực: vận tải thủy, cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sửa chữa, đóng mới tàu biển, làm nón lá truyền thống và cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Năm 2017, trên địa bàn thị trấn đã thu hút được 2 Cty may KIARA (Ấn Độ) và Cty Sungwon Vina (Hàn Quốc) đầu tư tại CCN thị trấn không chỉ góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các khu vực lân cận mà còn đẩy mạnh phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tiêu dùng hằng ngày gia tăng thu nhập cho người dân. Ngoài các nghề truyền thống, từ năm 2016, người dân tổ dân phố Bắc Giang đã phát triển thành công nghề trồng hoa hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vốn là vùng đồng màu màu mỡ giáp sông Ninh Cơ, xưa kia, người dân ở đây chỉ trồng rau màu phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong vùng. Nắm bắt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thị hiếu thị trường, một số hộ dân đã chuyển sang trồng hoa hồng, nhất là các giống hồng cổ. Từ những bụi hồng được trồng từ thời ông cha để lại, người dân chiết ghép nhân giống cây theo phương pháp truyền thống. Không phụ công người vất vả, ngay từ những cây hồng giống đầu tiên đã được thương lái tự tìm đến mua. Tạo được uy tín nhờ chất lượng cây giống khỏe, bông to, đẹp, được cả hương lẫn sắc nên đơn hàng đặt ngày càng nhiều. Vậy là người dân khu dân cư Bắc Giang tìm cách học hỏi chiết ghép, chăm bón cây theo đúng quy trình kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng cao hơn. Từ một hai hộ ban đầu, người nọ truyền người kia, cứ thế, trồng hoa hồng cảnh trở thành nghề mới của hơn 300 hộ dân trong xóm lúc nào không hay. Nhà ít cũng vài trăm gốc, nhà nhiều lên đến cả nghìn gốc hồng với giá thành dao động từ 300 nghìn - 8 triệu đồng/cây, mang lại một nguồn thu ổn định cho người dân. Nhiều hộ gia đình trong khu phố đã có thu nhập 500-600 triệu đồng mỗi năm từ hoa hồng mà không phải vất vả như trồng rau màu. Hiện tại, người dân “xóm hoa hồng” đang tiếp tục nâng cao tay nghề, đa dạng hóa sản phẩm, từ cây lớn, bụi đến trồng hoa hồng một thân và hồng bonsai đáp ứng các thị hiếu tiêu dùng. Đồng thời người trồng hoa cũng đẩy mạnh liên kết với các Cty dược phẩm trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ hoa hồng làm nguyên liệu sản xuất siro trị ho cho trẻ nhỏ hoặc nhiều loại mỹ phẩm dưỡng da. Sự năng động, nhạy bén của người dân thị trấn đã biến việc trồng hoa để trang trí khuôn viên vườn nhà trở thành một hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả và có tiềm năng mở rộng. 

Thị trấn Cát Thành nhanh chóng trở thành đô thị trung tâm “miền Trực” với tỷ trọng dịch vụ thương mại, CN-TTCN chiếm 83% trong cơ cấu kinh tế, tổng giá trị đạt trên 224 tỷ đồng, vượt 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị thu nhập bình quân trên một ha đất canh tác đạt trên 130 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 40 triệu đồng. Hiện tại thị trấn đang tranh thủ các nguồn vốn tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các ngành nghề, dịch vụ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới sản xuất, kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản, đất đai… Đồng thời, tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com