Ngăn chặn sự chi phối của các đối tượng xã hội trong đấu giá đất

08:07, 30/07/2018

Thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất (gọi tắt là đấu giá đất) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và địa phương. Tuy nhiên, qua thực tế tổ chức đấu giá đất tại hầu hết các địa phương cho thấy vẫn còn hạn chế tạo kẽ hở cho các đối tượng xã hội lợi dụng can thiệp, dàn xếp hoạt động đấu giá đất để trục lợi. Thậm chí, tại nhiều địa phương còn xảy ra hiện tượng các đối tượng xã hội khống chế, đe dọa người tham gia đấu giá nghiêm túc; các trung tâm bán đấu giá tài sản đã phải phối hợp với cơ quan công an để bảo vệ an ninh trật tự tại các phiên đấu giá, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia đấu giá cũng như tính nghiêm túc, minh bạch của hoạt động đấu giá nhưng hiện tượng này vẫn tái diễn. Hậu quả của tình trạng này làm giảm số lượng người tham gia đấu giá dù nhu cầu thực tế cao xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bất bình trong nhân dân.

Người dân tìm hiểu thông tin về khu đất đưa ra đấu giá được công khai tại trụ sở UBND xã Nam Mỹ (Nam Trực).
Người dân tìm hiểu thông tin về khu đất đưa ra đấu giá được công khai tại trụ sở UBND xã Nam Mỹ (Nam Trực).

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương rà soát, đánh giá nguyên nhân để đề ra các biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục việc các đối tượng xã hội khống chế, đe dọa người tham gia đấu giá tài sản, đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động đấu giá đất. Theo đó, các nguyên nhân được xác định do: sự phối hợp trong quá trình triển khai bán đấu giá của UBND cấp huyện, cấp xã với các tổ chức bán đấu giá tài sản chưa chặt chẽ; công tác chỉ đạo của UBND cấp huyện chưa quyết liệt, đặc biệt lực lượng an ninh chưa đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm. Quy định nộp đơn tham gia đấu giá không giới hạn về nơi cư trú, nên đã có nhiều cá nhân, tổ nhóm “chuyên nghiệp” tham gia đấu giá dùng các thủ đoạn tinh vi gây áp lực, đe dọa, dìm giá để trúng thầu và bán lại kiếm lời chứ không thực sự có nhu cầu sử dụng đất. Bên cạnh đó, do mức xử phạt các đối tượng có hành vi thu lợi bất chính từ hoạt động đấu giá tài sản cũng như đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản còn thấp so với nguồn lợi thu được từ những hành vi bất chính đó trong những cuộc bán đấu giá tài sản có giá trị lớn nên các đối tượng sẵn sàng vi phạm. Để khắc phục các bất cập trong công tác đấu giá đất, ngày 20-4-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh và yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện. Theo đó, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất dưới nhiều hình thức đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Ban hành các văn bản kiến nghị và hướng dẫn các sở, ngành, UBND cấp huyện, các tổ chức đấu giá phải thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức, thực hiện đấu giá tài sản, đặc biệt là các vấn đề lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc đấu giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia đấu giá. Tổ chức các hội nghị đối thoại, giải đáp trực tiếp các vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; qua các đề xuất còn thống nhất phương án linh hoạt áp dụng các hình thức đấu giá mới theo quy định. Tăng cường kiểm tra đánh giá năng lực và việc chấp hành pháp luật của Hội đồng đấu giá cấp huyện, các doanh nghiệp đấu giá và Trung tâm đấu giá tài sản trong việc thực hiện đấu giá tài sản địa phương. Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; trong đó tập trung theo dõi, nắm tình hình; rà soát, kiểm tra, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình thực hiện đấu giá đất. Với sự nỗ lực của ngành Tư pháp cũng như các cấp, ngành trong tỉnh, hiện tượng các đối tượng xã hội can thiệp vào quá trình đấu giá đất ở một số địa phương đã giảm. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng xã hội tìm mọi cách can thiệp, tác động vào quá trình đấu giá đất để kiếm lợi, gây thiệt hại tới quyền lợi của cá nhân, tổ chức và tài sản Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả đấu giá tài sản Nhà nước nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp đã đề ra. Các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn bằng nhiều hình thức đến quần chúng nhân dân. UBND các huyện cần tổ chức quán triệt toàn diện, đồng bộ pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản nói chung và đấu giá đất tới cán bộ, nhân dân, đặc biệt là bộ phận cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực này. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Tăng cường chỉ đạo lực lượng an ninh cấp huyện, cấp xã nơi có đất bán đấu giá bố trí lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau mỗi cuộc đấu giá. Lựa chọn các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp có uy tín ký hợp đồng bán đấu giá tài sản. Sở TN và MT và các địa phương thực hiện hiệu quả việc xác định giá khởi điểm để đấu giá đất phù hợp, sát với giá thị trường đối với từng thửa đất được đấu giá; không để xảy ra tình trạng đưa ra giá khởi điểm quá thấp đối với giá thị trường. Ngành Tư pháp phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; linh hoạt lựa chọn các hình thức đấu giá bảo đảm đúng pháp luật và phù hợp với thực tế địa phương. Trong điều kiện chưa thể tổ chức đấu giá trực tuyến, cần lựa chọn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp theo Điều 43 Luật Đấu giá tài sản để khắc phục, ngăn chặn sự can thiệp của các đối tượng xã hội vào quá trình đấu giá. Phương án đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là hình thức chỉ nhận hồ sơ và phiếu trả giá duy nhất qua đường bưu điện, người tham gia đấu giá không đến nộp trực tiếp tại Trung tâm. Áp dụng phương pháp này, bên cạnh việc giữ được bí mật thông tin khách hàng, tổ chức đấu giá có thể quyết định cho các khách hàng cùng trả giá cao nhất vào tham gia đấu giá tiếp vòng 2, hoặc bốc thăm để xác định người trúng. Như vậy với các trường hợp “cò đất” có ý định “dìm” giá, sợ phải “ôm” đất hoặc bị mất khoản tiền đặt trước sẽ không dám trả giá cao và không có cơ hội tham gia vào vòng trong, chỉ còn người có nhu cầu đích thực tham gia đấu giá. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp chặt chẽ, có phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự cho trước, trong và sau các phiên đấu giá./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com