Ghi nhận ở Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng

08:05, 15/05/2018

Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (gọi tắt là HTX Toàn Thắng), xã Hải Toàn (Hải Hậu) được giao quản lý 651ha đất nông nghiệp thuộc địa bàn 12 xóm, gồm đất trồng lúa, trồng đinh lăng và trồng màu. Những năm qua, phát huy vai trò “bà đỡ” trong sản xuất nông nghiệp, HTX đã xây dựng mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên và hộ nông dân.

Cán bộ HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng kiểm tra sâu bệnh hại lúa.
Cán bộ HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng kiểm tra sâu bệnh hại lúa.

Đồng chí Hà Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, năm 2015, HTX được thành lập lại theo Luật HTX 2012. Sau đại hội, HTX đề ra phương hướng, kế hoạch sản xuất, kinh doanh tập trung vào sản xuất các loại gạo sạch như: gạo hữu cơ, gạo tám xoan, nếp bắc; sản xuất lúa giống; tổ chức các dịch vụ làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Để triển khai các hoạt động hiệu quả, ngay từ đầu vụ, HTX đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn biện pháp canh tác, phòng trừ dịch bệnh và cuối vụ tổ chức thu mua nông sản cho thành viên. Trong đó, HTX tổ chức liên kết sản xuất lúa giống với Cty TNHH Cường Tân, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) với diện tích sản xuất 2 vùng tập trung gần 157ha. HTX tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, cải tạo, bê tông hóa đường nội đồng đáp ứng 2 vụ sản xuất lúa giống và 1 vụ trồng cây vụ đông. HTX ứng trước chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ sản xuất (không tính lãi); chỉ đạo thành viên và nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật của Cty. Cách làm này đã giúp các thành viên và hộ nông dân trong xã yên tâm trong tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân trực tiếp sản xuất được HTX và Cty bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý. Các cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống, lúa sạch đã mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa thông thường. Đặc biệt lợi nhuận hoặc rủi ro trong sản xuất được chia sẻ hài hòa giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp. Trong đó, người nông dân trực tiếp sản xuất được Cty bảo lãnh, trong trường hợp rủi ro cũng thu được lợi nhuận tương đương với sản xuất đại trà với mức lợi nhuận từ 36-40 triệu đồng/ha/năm. Hình thức liên kết sản xuất giữa Cty - HTX - hộ nông dân đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Doanh nghiệp, HTX và nông dân chủ động trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, không có tình trạng phá vỡ hợp đồng nên mô hình này có tính bền vững cao. Với hiệu quả lợi ích từ mô hình, hằng năm, thông qua HTX, nông dân đã cung cứng cho doanh nghiệp từ 1.200 đến 1.500 tấn giống lúa lai; 500-800 tấn giống lúa thuần; 300-500 tấn thóc thương phẩm để sản xuất gạo chất lượng cao. 

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX Toàn Thắng - hộ nông dân được xem là mô hình điển hình trong liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Từ lợi thế thâm canh nông nghiệp hiệu quả, HTX đã nhạy bén tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Theo đồng chí Giám đốc HTX, nếu không liên kết với doanh nghiệp sẽ rất khó để giải được bài toán tiêu thụ đầu ra cho nông sản. Bởi, nông dân có tư liệu sản xuất, có trình độ thâm canh song lại khó tiếp cận thị trường; trong khi đó, đây lại là thế mạnh của doanh nghiệp. Vì vậy, HTX không chỉ là cầu nối mà còn là “bà đỡ” cho nông dân trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đến nay HTX Toàn Thắng đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất một số loại cây trồng chủ lực như lúa đặc sản, lúa giống, cây dược liệu đinh lăng. Trong mối liên kết, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật và đầu tư giống cho nông dân, HTX đứng ra tổ chức sản xuất và thu mua sản phẩm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Nhờ đó, nông dân yên tâm sản xuất, tránh được điệp khúc “được mùa, mất giá”. 

Việc liên kết sản xuất theo chuỗi và các khoản thu từ dịch vụ làm đất, xay xát gạo và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm…, doanh thu hằng năm của HTX đạt từ 6,5-8 tỷ đồng. Riêng năm 2017, doanh thu của HTX đạt trên 10 tỷ đồng. Hiện, ngoài liên kết với các doanh nghiệp, HTX còn cung ứng 15-17 tấn lúa giống cho thị trường các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội; cung ứng gạo sạch cho người dân trong khu vực. HTX cũng đang xây dựng và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản với Cty CP Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Sunshine Midori (Hà Nội) để xây dựng mô hình liên kết sản xuất chuỗi nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ và tám xoan bao tử…; mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com