Đảm bảo chất lượng thủy sản sau thu hoạch

08:05, 28/05/2018

Đảm bảo chất lượng thủy sản nuôi và khai thác sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế thủy sản. Đây luôn là vấn đề được ngành thủy sản quan tâm chỉ đạo song cũng gặp không ít khó khăn trong thực hiện. 

Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực nuôi thủy sản, tình trạng nuôi nhỏ lẻ, không theo quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch gặp nhiều hạn chế. Các dụng cụ bảo quản chưa đảm bảo vệ sinh, cách thức bảo quản không đúng, thiết bị vận chuyển không bảo đảm về nhiệt độ dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp. Không những thế, tình trạng một bộ phận ngư dân, người thu mua thủy sản tùy tiện sử dụng hóa chất để bảo quản không theo quy định của Nhà nước vẫn còn tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến thủy sản. Bên cạnh đó, các thiết bị phục vụ chế biến vẫn còn lạc hậu, công nghệ cũ khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Trong lĩnh vực khai thác vẫn tồn tại một số bất cập như chưa kiểm soát được sự gia tăng về số lượng tàu thuyền, cơ cấu nghề chưa hợp lý, tổ chức sản xuất trên biển vẫn mang tính nhỏ lẻ; công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu còn hạn chế… Số lượng tàu làm nghề lưới kéo của tỉnh hiện có 400 chiếc, chiếm 19% tổng số tàu thuyền; nghề lưới rê có 1.536 tàu, chiếm 72,9% tổng số tàu thuyền; còn lại 170 tàu thuyền làm nghề khác. Theo đánh giá của ngành chức năng, tổn thất sau thu hoạch của các nghề khai thác hải sản hiện nay trung bình khoảng 15-25%. Trong đó nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất, các nghề khai thác bằng lưới vây, chụp mực, nghề câu có tỷ lệ tổn thất thấp hơn, trung bình 12-18%. Nguyên nhân chính là các thiết bị và công cụ hỗ trợ cho công đoạn bảo quản sau thu hoạch đang rất lạc hậu, thô sơ. Nhiều tàu chưa được trang bị hoặc có nhưng thiếu đồng bộ với máy móc và thiết bị khác trên tàu dẫn tới hiệu quả bảo quản thủy sản sau thu hoạch chưa cao. Thông thường các tàu đánh cá bảo quản thủy sản bằng phương pháp truyền thống đều trang bị vách gỗ, là loại vật liệu cách nhiệt kém. Vách của hầm bảo quản được cách nhiệt bằng tấm xốp dễ sản sinh vi khuẩn, thất thoát nhiệt, ẩm ướt. Với thiết kế này, số lượng đá lạnh tàu đem theo để bảo quản thủy sản chỉ giữ được 10-15 ngày. Trong khi đó, quy trình khai thác hải sản thường không ổn định, có những chuyến biển kéo dài tới 1-2 tháng khiến đá tan sẽ làm tăng nhiệt độ trong hầm bảo quản dẫn đến thủy sản bị phân hủy, đến khi tàu vào tới bờ thì thủy sản đã bị giảm chất lượng, tỷ lệ sản phẩm hư hỏng nhiều gây thiệt hại kinh tế lớn. Không những thế, hầm bảo quản truyền thống có tuổi thọ ngắn, chỉ sau vài năm là thời gian giữ nhiệt giảm, thông thường sau 5-6 năm là ngư dân phải tu sửa lại với chi phí từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Lắp đặt kho lạnh trên tàu cá là phương thức tối ưu bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch để tăng lợi nhuận và giảm chi phí, thất thoát. Hiện nay, hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ (đóng theo Nghị định 67) được trang bị 1 hệ thống làm lạnh kho bảo quản bằng vật liệu inox không han gỉ, có khả năng chống chịu oxy hóa cao trong môi trường biển, có độ bền cao. Xung quanh bề mặt inox được phủ lớp bột xốp cách nhiệt, đảm bảo giảm thiểu thất thoát nhiệt, làm chậm thời gian đá bị tan chảy so với trước đây nên chất lượng thủy sản bảo quản được an toàn, nguyên vẹn… Theo đồng chí Lại Duy Đễ, Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) cho biết: “Từ ngày có hệ thống làm lạnh kho bảo quản thủy sản trên tàu, tỷ lệ thủy sản hao hụt sau thu hoạch giảm đáng kể, từ 50-70% so với trước đây, thủy sản khai thác được bảo quản tươi hơn, ngư dân có thể kéo dài thời gian đánh bắt ở các ngư trường, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Chi cục Thủy sản cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vật liệu vỏ mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho ngư dân các huyện ven biển”. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản còn phổ biến phương pháp bảo quản thủy sản sau khai thác bằng công nghệ nano của Nhật Bản. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện quá lớn, khoảng 500 triệu đồng nên hiện chưa có ngư dân nào áp dụng. 

Với mục tiêu đến năm 2020, tổn thất thủy sản sau thu hoạch giảm xuống dưới 10%, Sở NN và PTNT tiếp tục đầu tư, nhân rộng các mô hình “tổ đoàn kết trên biển”; khuyến khích ngư dân các địa phương chuyển từ khai thác tàu công suất nhỏ hoạt động gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn hoạt động xa bờ; tăng cường hướng dẫn ngư dân quy trình kỹ thuật bảo quản, cách thức vận hành máy móc thiết bị bảo quản sản phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản. Đối với thủy sản nuôi, các cơ quan chức năng tích cực giám sát việc sử dụng hóa chất trong nuôi và bảo quản thủy sản sau thu hoạch. Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi nắm rõ phương pháp thu hoạch, bảo quản sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý tốt chất lượng giống thủy sản, các yếu tố đầu vào, đầu tư công nghệ nuôi để tăng năng suất, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến. Đánh giá tình hình ngư trường để lên kế hoạch phát triển các đội tàu, các nghề khai thác phù hợp nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu thủy sản ổn định./.

Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com