Vì sao công tác tiêm vắc-xin vụ xuân 2018 cho gia súc, gia cầm vẫn chậm?

07:04, 09/04/2018

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ nhiều năm nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuất hiện nhiều vào cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, nhất là các bệnh nguy hiểm như: tai xanh ở lợn; lở mồm long móng trâu, bò; cúm gia cầm… Cùng với đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, việc vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm gia tăng trước và sau Tết Nguyên đán là những điều kiện thuận lợi khiến dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, cùng với việc vệ sinh, tiêu trùng, khử độc môi trường chăn nuôi, ngành chức năng và các địa phương cũng đang tích cực thực hiện tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cho đàn gia súc, gia cầm.

Tiêm phòng vắc-xin dịch tả cho đàn lợn tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Tiêm phòng vắc-xin dịch tả cho đàn lợn tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Để đảm bảo thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ xuân, UBND tỉnh cấp kinh phí mua vắc-xin dịch tả tiêm phòng cho đàn lợn và vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã nhập 320 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn; 30 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng tuýp O gia súc; 43 nghìn liều vắc-xin dại. Đến hết ngày 2-4-2018, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho lợn được 241.390 con, đạt 67,1% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê được 20.543 con, đạt 64,2%; tiêm vắc-xin dại cho đàn chó được 26.413 con, đạt 21,1%. Ngoài các loại vắc-xin được tỉnh hỗ trợ, nhiều trang trại, gia trại đã chủ động mua vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn để tiêm cho đàn lợn; các loại vắc-xin Niu-cát-sơn, tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt, Gumboro, đậu gà tiêm cho đàn gia cầm. So với kế hoạch đề ra, đến thời điểm này, tiến độ tiêm các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh đều chậm. Huyện Trực Ninh là một trong những địa phương có tiến độ tiêm nhanh, tỷ lệ tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn đạt 75,7%; lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê được 93,7%; tiêm vắc-xin dại cho đàn chó 52,5%. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Trực Ninh, công tác tiêm phòng vắc-xin vụ xuân của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác chỉ đạo của một số xã, thị trấn chưa quyết liệt; một số xã còn phó mặc công tác tiêm phòng cho Trưởng thú y xã. Công tác tuyên truyền về tiêm phòng tại một số nơi còn ít, thời lượng chưa nhiều. Lực lượng tham gia tiêm phòng rất thấp, đặc biệt có 9/21 xã, thị trấn không huy động được thú y viên tham gia tiêm là: Trực Thắng, Trực Khang, Liêm Hải, Việt Hùng…; 6/21 xã: Trực Chính, Việt Hùng, Trực Nội, Trực Thuận, Trực Hưng và Trực Mỹ có Trưởng thú y đã quá tuổi lao động. Thậm chí một số cán bộ, đảng viên xã không gương mẫu, chấp hành công tác tiêm phòng… Đây cũng là những khó khăn chung ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh từ ngày 1 đến 31-3-2018, tuy nhiên, các huyện, thành phố triển khai thực hiện chậm 10 ngày so với kế hoạch của tỉnh. Nhiều xã, thị trấn chưa tập trung chỉ đạo triển khai theo lịch của huyện. Mặc dù số lượng gia súc, gia cầm của thành phố không nhiều nhưng đến ngày 22-3-2018, Thành phố Nam Định vẫn chưa triển khai tiêm?! Thực tế không chỉ vụ xuân năm nay mà trong nhiều năm qua cho thấy, những địa phương nào quyết liệt chỉ đạo và có hỗ trợ kinh phí cho lực lượng thú y viên đi tiêm sẽ đạt kết quả tốt. Còn ở những địa phương chính quyền thờ ơ không bố trí kinh phí hỗ trợ mà giao cho Trưởng thú y tự xoay sở thì tỷ lệ tiêm sẽ đạt kết quả thấp. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, quản lý mạng lưới thú y cơ sở còn nhiều bất cập, phụ cấp cho thú y cơ sở thấp. Nhiều Trưởng thú y xã cao tuổi, trình độ chuyên môn yếu, kỹ năng tuyên truyền, vận động hạn chế; nhiều địa phương không có thú y viên… Trong khi đó, nhận thức của người chăn nuôi mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, chưa nhận thức rõ tác dụng của việc tiêm phòng vắc-xin. Thậm chí, một số hộ dân còn nhận thức không đúng, cho rằng việc tiêm phòng ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng, phát triển, sinh sản của đàn vật nuôi nên không tiêm, không thống kê đủ số lượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng. Đơn cử như vắc-xin lở mồm long móng, nhiều người chăn nuôi cho rằng sau khi tiêm trâu, bò sẽ bị xảy thai, còi cọc… Đặc biệt, khó khăn nhất là tiêm vắc-xin dại cho đàn chó. Những năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng cho chó thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do nhiều hộ chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của bệnh dại cũng như tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Việc thực hiện tiêm cho chó khó hơn tiêm cho lợn, trâu, bò nếu các hộ dân không hợp tác. Đồng chí Đỗ Ngọc Huy, Trưởng Thú y Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) cho biết: Khi tiêm cho chó, chúng tôi thường phải đi vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối chủ hộ mới có nhà. Nhiều hộ chống đối bằng nhiều lý do khác nhau như: “Chó nhà tôi không tiêm, có việc gì đâu mà tiêm”, “Chó nhà tôi hiền lắm, chẳng cắn ai bao giờ”, “Tôi không tiêm, mai tôi giết”, “Tôi không bắt được, các anh bắt được thì tiêm”… Không cho tiêm nhưng chủ nuôi luôn sẵn sàng ký vào bản cam kết tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó trong đó ghi rõ nội dung “Nếu sau xảy ra bệnh dại, chủ hộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Hầu hết chính quyền địa phương chỉ có thể vận động, tuyên truyền chứ chưa xử lý được các hộ chống đối tiêm phòng vì mặc dù đã có quy định mức xử phạt đối với hành vi chống đối này (Nghị định số 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20-5-2017) song không có biện pháp hữu hiệu để đảm bảo thực thi quy định.

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trực Ninh Nguyễn Văn Đăng cho biết: Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm thì các xã, thị trấn cần phải trích ngân sách xã hoặc ngân sách sự nghiệp nông nghiệp để chi phụ cấp huy động thú y viên đẩy nhanh tiến độ các đợt tiêm chính vụ. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Trưởng thú y xã; Trưởng thôn, xóm, tổ dân phố và các đoàn thể trong công tác vận động hộ chăn nuôi, hội viên chấp hành quy định tiêm phòng vắc-xin và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, giải pháp hàng đầu vẫn là tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của dịch bệnh, từ đó thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Chính quyền các địa phương cần đôn đốc, tạo điều kiện cho tổ thú y hoạt động, có kinh phí động viên, hỗ trợ cho đội ngũ thú y. Phải nêu gương cán bộ, đảng viên chấp hành trước cho người dân làm theo trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Để tiêm phòng dại cho chó đạt kết quả cao, chính quyền các địa phương cần phải chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu người dân đưa chó ra đúng điểm tiêm tập trung. Các xã bố trí những địa điểm tiêm tập trung hợp lý thuận lợi cho việc tổ chức tiêm và người dân đưa chó đi tiêm; trong trường hợp địa phương thiếu nhân lực Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện có thể điều hành thú y cơ sở từ địa phương này sang địa phương khác hỗ trợ tiêm. Nếu người dân cố tình không chấp hành phải kiên quyết xử lý theo Luật Thú y và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các địa phương song song với việc tiêm phòng phải tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Kết thúc đợt tiêm phòng chính vụ, các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho những con gia súc, gia cầm mới phát sinh và những con chưa được tiêm phòng trong đợt chính vụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi và bảo vệ cho sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com