Hiệu quả lớn từ nuôi tôm công nghệ cao

09:01, 16/01/2018

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh với diện tích nuôi thả 810ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp phải nhiều khó khăn do thời tiết và một số tác nhân khác khiến dịch bệnh xảy ra nhiều. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, một bộ phận người nuôi đã sử dụng thuốc, các chất hóa học không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Nhằm hạn chế tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn.

Điển hình trong nuôi tôm công nghệ cao phải kể đến ông Cao Văn Ba, xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong (Giao Thủy). Là người có thâm niên gần 30 năm trong nghề nuôi tôm thẻ, ông Ba đã cần mẫn nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế để ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính đảm bảo “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” với tổng diện tích 1ha, gồm 6 ao nuôi tôm. Trong đó, diện tích ao lắng 5.000m2, còn lại là diện tích nuôi tôm. Hệ thống ao lắng dùng để bơm nước biển vào, nuôi một số loại cá như cá đối mục, cá hồng mỹ, cá vược vừa tăng thêm thu nhập vừa làm sạch nước nhờ cá ăn hết tạp chất, vi khuẩn gây hại trong nước. Từ đó, nguồn nước trong ao lắng sẽ hoàn toàn sạch và được bơm vào các ao nuôi tôm. Tổng chi phí ban đầu cho 1ha nuôi tôm trong nhà lên đến hàng tỷ đồng, bao gồm xây ao lắng, xây nhà bao phủ các ao nuôi, lót bạt đáy ao, lắp hệ thống quạt oxy đáy… Toàn bộ ao nuôi tôm đều thiết kế kiểu ao nổi. Thay vì đào ao sâu xuống đất theo phương pháp truyền thống trước kia ông chỉ đào sâu khoảng 30cm, sau đó xây bờ cao lên trên mặt đất từ 1,7-2m. Ưu điểm của ao nổi là đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng nên hạn chế được rủi ro cho đàn tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định. Ao nổi còn có ưu điểm là thuận tiện cải tạo vệ sinh phơi nền đáy được dài ngày nên hạn chế mầm bệnh. Điểm đặc biệt nhất tại các ao nuôi nổi là dưới đáy ao, ngoài việc lót bạt ra còn có 1 hố ga để hút các loại chất thải từ tôm và thức ăn dư thừa. Nhờ đó, nước trong ao luôn sạch, tôm ít bị nhiễm các loại bệnh như đốm trắng, hoại tử gan… Để quản lý tốt môi trường ao nuôi, 1 ngày phải hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao 2-3 lần. Vì mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên có thể thả tôm nuôi thâm canh với mật độ khá dày, trung bình từ 200-290 con/m2, sau khoảng 100 ngày thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Bên cạnh đó, mô hình còn ứng dụng công nghệ vi sinh và không sử dụng chất kháng sinh nên tôm nguyên liệu sau khi thu hoạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình nuôi, người nuôi còn chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên trong điều kiện nhiệt độ trong ao dễ thay đổi nhanh chóng, khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt. Bởi lẽ đó, mô hình nuôi tôm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao được các kỹ sư thủy sản đánh giá là ít rủi ro, hạn chế được dịch bệnh và mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với nuôi tôm truyền thống. Bên cạnh đó, phương pháp nuôi tôm trong nhà kính còn tạo điều kiện nuôi thâm canh, chủ động được thời điểm thu hoạch, giúp người nuôi tôm tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”, đặc biệt giá tôm ở trái vụ có thể cao gấp đôi chính vụ. Qua 2 năm thực hiện mô hình, ông Cao Văn Ba đánh giá: “Nhờ chuyển sang áp dụng mô hình nuôi này đàn tôm lớn nhanh hơn, khỏe mạnh, đặc biệt là dư lượng kháng sinh không có, tôm thành phẩm sạch hoàn toàn, bóng đẹp nên các doanh nghiệp rất thích mua. 2 năm liên tiếp tôi đều trúng lớn”. Năm 2017, ông thu hoạch được trên 20 tấn tôm bán với mức giá 280 nghìn đồng/kg loại 40 con/kg. Ngoài mô hình nuôi tôm trong nhà của ông Cao Văn Ba, nhiều hộ nuôi tôm cũng đã chú trọng đầu tư ao ương, ao lắng riêng; mua sắm trang thiết bị như quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo kiểm môi trường nước và một số dụng cụ thiết yếu khác; thực hiện nuôi thả tôm đúng lịch thời vụ, chú trọng học hỏi, nghiên cứu nâng cao kỹ thuật trong quá trình sản xuất như hộ anh Vũ Văn Tĩnh, xã Hải Lý (Hải Hậu); ông Trần Hữu Lợi, xã Giao Thiện (Giao Thủy)... Trước kia, nhiều hộ nuôi không bố trí ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi khiến cho các hộ nuôi tôm không chủ động được nguồn nước bảo đảm chất lượng cho ao nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường nên môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh dễ phát sinh. Do đó, khi đầu tư hệ thống ao lắng, nguồn nước sử dụng cho quá trình nuôi tôm sẽ đảm bảo sạch hơn, hạn chế được dịch bệnh trên đàn tôm, hiệu quả nuôi hơn hẳn.

Năm 2017, sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh đạt 4.050 tấn, tăng 20,75% so với năm 2016. Từ những kết quả thực tiễn cho thấy, nuôi tôm công nghệ cao là mô hình có tính bền vững, mở ra một hướng đi hiệu quả, đầy triển vọng cho người nuôi tôm thâm canh trên địa bàn tỉnh, nhất là những ao trước đây thường xảy ra dịch bệnh, môi trường suy thoái. Hình thức nuôi này cần được nhân rộng trong thời gian tới đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản của tỉnh ngày càng phát triển./.

Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com