Trực Ninh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung

08:01, 15/01/2018

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Trực Ninh có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tập thể mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn. Qua đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương.

Trồng rau sạch công nghệ cao tại xã Trực Hùng của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh.
Trồng rau sạch công nghệ cao tại xã Trực Hùng của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh.

Là một trong những huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, Trực Ninh có diện tích đất nông nghiệp 9.796ha. Đất đai màu mỡ, thuận lợi tưới tiêu, cộng với nguồn lao động dồi dào, có kinh nghiệm thâm canh là những tiềm năng để Trực Ninh phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm qua, Trực Ninh đã chủ động lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hiện huyện đã quy hoạch 20 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích 395ha, nhằm thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, huyện tập trung làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân gắn với xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình thí điểm. Những kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa được trang bị cho nông dân và kết quả từ những mô hình thí điểm đã được nông dân vận dụng có hiệu quả, nhờ vậy hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương có bước phát triển mạnh. Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng của Trực Ninh chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển trọng tâm từ sản lượng sang chất lượng và giá trị. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực và một số chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với người nông dân. Điển hình là vùng sản xuất lúa giống liên xã diện tích 290ha của Cty TNHH Cường Tân tại các xã Trực Hùng, Trực Phú, Trực Thái, Trực Đại, Trực Thắng, Trực Chính. Đây là doanh nghiệp sản xuất lúa giống hàng đầu của tỉnh, doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất của nông dân, tích tụ thành vùng, đồng thời liên kết với các hộ dân sản xuất lúa giống cho Cty; thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Doanh thu hằng năm đạt trên 60 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, huyện còn xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao (giống lúa BT7) tại 20/21 xã, thị trấn với diện tích 4.597ha; vùng trồng lúa đặc sản (nếp bắc, nếp cái hoa vàng) với diện tích 1.500ha tại liên xã Việt Hùng, Trực Tuấn, Cát Thành, Trực Đạo, Trực Thanh, Trực Nội sản xuất ổn định và cho thu nhập khoảng 72 triệu đồng/ha/vụ, gấp gần 2 lần so với lúa tẻ thường. Trong 2 năm trở lại đây, các xã Liêm Hải, Trực Tuấn, Trực Thuận, Trực Hưng liên kết với Cty TNHH Toản Xuân để sản xuất gạo sạch BT7 với tổng diện tích 40ha cho thu nhập từ 130-150 triệu đồng/ha/năm. Nhờ tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn khắc phục tình trạng sản xuất lúa gạo nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết nên sản lượng lương thực bình quân của huyện Trực Ninh tăng lên tới 101 nghìn tấn/năm, trong đó lúa hàng hóa chất lượng cao chiếm 80%; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác đạt trên 105 triệu đồng/năm. Trong chăn nuôi, huyện Trực Ninh quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn để làm cơ sở từng bước phát triển kinh tế trang trại. Chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chuyên môn tạo điều kiện tốt nhất cho những người tham gia xây dựng trang trại; xây dựng và thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật cho các trang trại và các quy chế khác theo quy định của Trung ương và tỉnh. Hiện chăn nuôi của huyện phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại; tập trung tại các xã, thị trấn: Trực Chính, Trực Mỹ, Trực Đạo, Cát Thành… Nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn vay vốn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động; đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời, hợp vệ sinh và tiết kiệm các loại dinh dưỡng cho vật nuôi; áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học bi-ô-ga, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả sản xuất từ các trang trại cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ. Hơn thế nữa, một số trang trại đã phát triển thành doanh nghiệp chăn nuôi. Tiêu biểu là Cty TNHH chăn nuôi Phúc Hải tổ chức chăn nuôi lợn giống xuất khẩu tại xã Phương Định với quy mô 1.200 con lợn nái, 30 con lợn đực giống thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch và vệ sinh môi trường. Hằng năm, Cty xuất khẩu 26 nghìn con lợn giống, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Ngoài các vùng sản xuất nông sản chủ lực, hiện một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa khác của huyện Trực Ninh như: vùng trồng hoa, cây cảnh tại Thị trấn Cổ Lễ, Trực Thắng; vùng NTTS tại xã Trực Chính, Trực Khang… đã đi vào sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao. Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Trực Ninh đã xây dựng đề án và quy hoạch 45,72ha vùng trồng rau quả sạch công nghệ cao tại xã Trực Hùng. Hiện tại, Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh đã tổ chức sản xuất rau, quả sạch bằng phương pháp hữu cơ, thủy canh, diện tích 6ha; thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội; doanh thu 10,5 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động, thu nhập 6,5-7 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến đến năm 2020, Cty TNHH Cường Tân, Cty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh tổ chức sản xuất trên toàn bộ 45,72ha theo đề án đã được UBND huyện phê duyệt.

Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung là “cú hích” mạnh mẽ để Trực Ninh thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Không những thế đây còn là yếu tố quyết định giúp huyện hoàn thành tiêu chí sản xuất trong bộ tiêu chí huyện NTM. Thời gian tới, Trực Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Chuyển mục tiêu sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng cao và bền vững; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com