Tăng cường giải pháp đưa vật liệu xây không nung vào sử dụng

08:01, 15/01/2018

Sau hơn 8 năm ban hành chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) của Chính phủ để thực hiện chiến lược phát triển xây dựng xanh, đến nay, VLXKN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường vật liệu xây dựng. Hàng loạt các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng vẫn chưa thể giúp VLXKN trở thành vật liệu được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng.

Thi công xây dựng nhà ở dân dụng tại số 460 đường Kênh, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) bằng gạch không nung.
Thi công xây dựng nhà ở dân dụng tại số 460 đường Kênh, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) bằng gạch không nung.

Có mặt tại công trình xây dựng nhà ở tại Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) chúng tôi được anh Bùi Xuân Thanh, chủ thầu thi công chia sẻ: “Cánh thợ xây chúng tôi thời gian qua rất ngại xây gạch không nung, vì kích cỡ viên gạch này lớn và nặng hơn gạch nung, không dùng bay (một dụng cụ của thợ xây) để chặt gạch khi cần thiết. Một số chủng loại gạch còn phải dùng thiết bị hỗ trợ, trong khi với gạch đất sét nung nếu cần 1/2 hoặc 1/3 viên thợ sẽ dùng bay xây chặt rất tiện. Nhận thức của người dân về loại vật liệu này cũng còn chừng mực. Tại nhiều công trình xây nhà ở khi thợ xây đề xuất sử dụng gạch không nung chủ nhà thường cho rằng đây là vật liệu tương đối mới, thời gian kiểm nghiệm chưa lâu, nên chưa tin tưởng độ bền, thậm chí ngại phát sinh thêm chi phí. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở địa bàn Thành phố Nam Định như Cty cổ phần Vật liệu không nung 567, Cty TNHH Gạch Hòa Phát, Cty TNHH Nam Thắng… Do đó, khi cung ứng hàng cho các địa bàn vùng xa như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy chi phí vận chuyển lại tăng lên đẩy giá thành gạch không nung tăng cao gây không ít khó khăn cho việc đưa VLXKN vào sử dụng trong các công trình xây dựng ở các địa phương này. Ngoài ra, trên thực tế, cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng VLXKN theo Thông tư 09/2012/TT-BXD còn một số hạn chế, chưa phù hợp với từng vùng miền, nên việc áp dụng gặp khó khăn. Chẳng hạn như chỉ áp dụng cơ chế ưu đãi đối với dự án đầu tư mới, còn các dự án đầu tư mở rộng, đầu tư thêm thì không được thụ hưởng; các dự án nằm trong các KCN, CCN của các doanh nghiệp là chủ đầu tư cũng không được thụ hưởng chính sách ưu đãi… Nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXKN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và các nghị định liên quan của Chính phủ; đặc biệt còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, còn một số tiêu chuẩn của sản phẩm VLXKN đã được ban hành, có hiệu lực thi hành chưa phù hợp cần phải soát xét, bổ sung. Mặc dù đã có tiêu chuẩn TCVN 5573:2001 - kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép - tiêu chuẩn thiết kế, nhưng tiêu chuẩn về thiết kế kết cấu hướng dẫn thi công gạch bê tông chưa ban hành. Thêm vào đó, việc hướng dẫn kỹ thuật thi công với gạch bê tông (gạch không nung) còn chậm, việc soát xét chỉnh sửa các tiêu chuẩn sản phẩm, hướng dẫn thi công gạch bê tông nhẹ, định mức sử dụng gạch không nung cũng chậm và chưa phù hợp. Do đó, qua 5 năm thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng tỷ lệ VLXKN trong các công trình xây dựng vẫn chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.

Mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 8-12-2017 quy định sử dụng VLXKN trong các công trình có hiệu lực thi hành từ 1-2-2018. Thông tư sửa đổi lần này có một số điểm mới, như: quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng tùy theo từng vùng miền trong phạm vi toàn quốc, trong đó tỷ lệ sử dụng VLXKN tại một số khu vực có giảm so với quy định tại Thông tư 09 năm 2012. Cụ thể, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXKN trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ phù hợp với từng khu vực. Tỉnh ta nằm trong nhóm địa phương được áp dụng theo tỷ lệ: các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN thì phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Nhà nước khuyến khích sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng. Trước đây, Thông tư 09 không quy định chế độ báo cáo đối với cơ sở sử dụng VLXKN, gây khó khăn trong quá trình thẩm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, ở Thông tư 13 sửa đổi quy định đối với công trình thuộc diện sử dụng VLXKN phải báo cáo số liệu cho cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương theo định kỳ sáu tháng hoặc một năm về tình hình sử dụng VLXKN. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tập hợp và báo cáo Bộ Xây dựng. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy, khuyến khích hơn nữa phát triển, sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, Viện Khoa học và Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng tổ chức tập huấn cho các cán bộ chuyên môn của Sở Xây dựng, ngành, địa phương về thiết kế và thi công công trình sử dụng gạch không nung. Trong đó, các loại VLXKN mới như gạch block, gạch bê tông bọt, tấm nền Acotex - Trung Quốc, tường AAC được hướng dẫn thi công, bổ sung các dụng cụ thi công, lựa chọn các loại vật liệu phù hợp với từng hạng mục công trình và đặc thù thiết kế cho từng loại gạch; quy trình thi công, quy trình giám sát khối xây tường, yêu cầu kỹ thuật xây dựng VLXKN, tay nghề nhân công… Đồng thời, tập huấn cũng hướng dẫn xử lý các vấn đề thường gặp trong thi công xây dựng VLXKN như hiện tượng nứt tập trung, nứt xuyên tường, rạn nứt, vỡ cục bộ, thấm chân tường; tường bị bong tróc sơn, vữa…

Năm 2018 là năm bản lề để thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình phát triển VLXKN của Chính phủ. Với việc ban hành Thông tư 13/2017/TT-BXD cùng với đẩy mạnh hoàn thiện, triển khai các cơ chế chính sách về định mức, hướng dẫn thi công, nghiệm thu, tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn sản phẩm, VLXKN sẽ được tiếp thêm động lực để trở thành vật liệu xây chính trong năm 2018. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền phổ biến về VLXKN, Sở Xây dựng cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm tổng hợp và đề xuất với Chính phủ các cơ chế chính sách hoàn thiện hơn, nhất là tăng thêm sức mạnh của cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất VLXKN, siết chặt các chế tài đối với các đơn vị vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com