Giao Châu phát triển nuôi thủy sản

09:12, 12/12/2017

Những ngày cuối năm, đi đâu cũng thấy không khí rộn ràng, tất bật. Sau những ngày đầy âu lo trên các ao đầm bị ảnh hưởng bởi bão số 10, không khí thu hoạch tôm, cá ở những vùng nuôi thuỷ sản mùa cuối năm lại hồ hởi. Về Giao Châu (Giao Thủy) những ngày se lạnh này, được chứng kiến sự phấn khởi của người dân khi tôm, cá được mùa sau những ngày vất vả, miệt mài.

Chăm sóc tôm thẻ chân trắng và cá nước ngọt truyền thống tại hộ ông Vũ Văn Nhi, xóm Tây Sơn, xã Giao Châu.
Chăm sóc tôm thẻ chân trắng và cá nước ngọt truyền thống tại hộ ông Vũ Văn Nhi, xóm Tây Sơn, xã Giao Châu.

Nhắc đến xã Giao Châu, hẳn ai cũng từng nghe đến danh tiếng nước mắm Sa Châu truyền thống. Không chỉ có thế mạnh về làm nước mắm, mắm tôm, người dân trong xã cũng cần cù, chăm chỉ, xây dựng, phát triển kinh tế với đa dạng ngành nghề khác nhau như chế biến thủy sản, dệt may, đan, thêu... Trong đó, nuôi thủy sản cũng là một trong những thế mạnh được quan tâm của xã. Hiện toàn xã có 34,8ha nuôi thủy sản với 3 vùng nuôi tập trung là vùng Nhị Trùng, Đầm Rót và Công Điền. Theo đồng chí Lê Hồng Đăng, Chủ tịch UBND xã Giao Châu cho biết: “Trước kia, những vùng nuôi thủy sản tập trung chỉ là diện tích mặt nước bỏ hoang hoặc là những diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi. Đến năm 2002, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, Đảng ủy, UBND xã Giao Châu đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi những diện tích bỏ hoang và trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản với những con nuôi chủ lực là tôm, cá truyền thống và một số loại cá nước ngọt khác. Đến nay, những vùng chuyển đổi nuôi thủy sản đều cho hiệu quả kinh tế khá”. Chính quyền địa phương luôn hỗ trợ, tạo điều kiện về diện tích, đảm bảo an ninh cũng như đầu tư hệ thống giao thông ở các khu chuyển đổi, tổ chức các lớp tập huấn để người nuôi thủy sản yên tâm sản xuất. Trung bình hằng năm, sản lượng nuôi thủy sản của toàn xã đạt khoảng 200 tấn. Nhiều hộ nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao như các hộ: Phạm Văn Phương, xóm Thành Thắng; Lê Xuân Du, Mai Văn Hùng, xóm Lạc Thuần; Phạm Văn Tưởng, Vũ Văn Nhi, xóm Tây Sơn; Phạm Văn Hào, xóm Bình Mỹ… Ông Phạm Văn Hào, xóm Bình Mỹ có hơn 2ha nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với các loại cá chép, cá trắm cỏ, cá đối… Cá đối được nuôi ghép với cá chép, cá trắm cỏ ngoài hiệu quả kinh tế nhờ có thêm nguồn thu còn với mục đích để cá đối ăn bớt tảo và thức ăn thừa trong ao nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường… Những ngày đầu bắt tay vào nuôi thủy sản, ông đã đầu tư đến gần 1 tỷ đồng để kiến thiết cơ sở hạ tầng. Ao nuôi thủy sản của ông Hào là hệ thống ao đáy nổi, xung quanh bờ được kè bê tông kiên cố. Ông Hào cho biết: “Nuôi cá ao nổi là phương pháp nuôi không cần đào ao sâu mà quan trọng chỉ cần tạo bờ, xây dựng bờ trên mặt ruộng rồi bơm nước vào để nuôi cá. So với ao nuôi truyền thống, nuôi ao nổi có ưu điểm là khi tát ao có thể tháo nước triệt để, phơi khô dễ, cải tạo đáy ao tốt. Ao nổi với bề mặt cao giúp môi trường nước sạch, cá ít dịch bệnh, giảm thiểu chỉ số tiêu tốn thức ăn. Bên cạnh đó, cá nuôi trong ao nổi được tiếp xúc nhiều với ánh nắng, gió tự nhiên nhiều nên môi trường rất đảm bảo, ít bị dịch bệnh, tiết kiệm được tiền điện và nhân công vận hành máy móc trong quá trình nuôi”. Nhờ chú trọng vào việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên trung bình mỗi năm, gia đình ông Hào thu lãi 400-500 triệu đồng từ nuôi thủy sản. Thời gian tới, ông Hào dự định sẽ đưa thêm tôm rảo vào nuôi vì đây là loại tôm có tính thích nghi cao, thời gian nuôi ngắn, có thể nuôi quanh năm và tỷ lệ rủi ro thấp. Hộ ông Vũ Văn Nhi, ở xóm Tây Sơn có diện tích 3,3ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với các loại cá truyền thống. Ông mới tham gia nuôi thủy sản được 2 năm. Ông Nhi cho biết: “Nhờ học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các mô hình nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với cá truyền thống cùng với những kiến thức bản thân đúc kết được tôi đã quyết tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để nuôi thủy sản. Trước mắt cho thấy, nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với cá nước ngọt truyền thống khá thuận lợi. Cả tôm và cá hỗ trợ nhau và đều phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi nuôi xen canh như vậy mật độ nuôi mỗi đối tượng đều giảm xuống, giúp chúng nhanh lớn hơn, chi phí sản xuất cũng giảm”. Ông cho biết thêm, điều quan trọng nhất để quyết định hiệu quả vụ nuôi vẫn là nguồn giống phải đảm bảo chất lượng và nguồn nước trong các ao nuôi phải trong, sạch.

Nghề nuôi thủy sản phát triển góp phần thúc đẩy nền kinh tế của xã Giao Châu ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân cũng được nâng cao hơn. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com