Hải Lộc không còn ruộng bị bỏ hoang

07:07, 27/07/2017
Tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng diễn ra ngày càng gia tăng với nhiều lý do khác nhau đang là “vấn đề nóng” hiện nay. Trong khi nhiều địa phương còn đang lúng túng tìm giải pháp khắc phục thì tại xã Hải Lộc (Hải Hậu), Đảng ủy, chính quyền xã đã có nhiều cách làm sáng tạo để ruộng đất không bị bỏ hoang, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác.
 
Đồng chí Cao Đức Thiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nông dân gắn bó với đồng ruộng, Hải Lộc xác định mục tiêu quan trọng cần hướng tới là đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Xã có 357ha diện tích đất trồng lúa. Thực hiện dồn điền đổi thửa, Hải Lộc chủ động chỉnh trang, cải tạo bờ vùng, bờ thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung với quy mô 200ha. Tại vùng cánh đồng mẫu lớn, toàn bộ hệ thống đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa, kênh mương nạo vét thông thoáng, tạo thuận lợi cho việc đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch lúa. Do vậy đã giảm chi phí các khâu sản xuất, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế lên từ 15-20% so với cấy lúa truyền thống. Những năm gần đây, Hải Lộc chỉ đạo nông dân chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, đưa vào sản xuất bằng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá như: BT7, BT7 kháng bạc lá, Nhị ưu 838, Q5… Qua đó đã đẩy nhanh thời vụ, hạn chế thiệt hại do dịch hại, điều kiện thời tiết bất thuận gây ra để tăng năng suất lúa, đồng thời có quỹ đất để mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa. Ban Nông nghiệp xã luôn chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt từ khâu dự tính, dự báo đến việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột đúng thời điểm, đúng kỹ thuật; hướng dẫn nông dân canh tác theo quy trình, cơ cấu trà lúa, mùa vụ thích hợp. Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều năm qua, năng suất lúa bình quân của xã Hải Lộc luôn đạt trên 130 tạ/ha/năm, là một trong những địa phương có năng suất lúa cao nhất toàn tỉnh. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 4.600 tấn, đảm bảo an toàn lương thực, phục vụ chăn nuôi; trong đó có khoảng 40% sản lượng lương thực hàng hóa. Mặc dù những năm gần đây, sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn song xã vẫn giữ vững diện tích gần 30ha. Trên địa bàn xã đã hình thành các vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa ở tất cả các xóm, tập trung vào các giống cây có giá trị kinh tế và thị trường dễ tiêu thụ như: cây ngô, cải dầu, bí xanh… giúp nông dân tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập.
Vùng trồng cây dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xóm 3, xã Hải Lộc.
Vùng trồng cây dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xóm 3, xã Hải Lộc.
Đối với những cánh đồng có chân ruộng cao, khu vực trũng gặp nhiều khó khăn trong việc tưới tiêu nước, cấy lúa kém hiệu quả, xã Hải Lộc đã vận động, khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi sang nuôi trồng giống cây con có hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã đã chuyển đổi 10ha diện tích đất ruộng chân vàn cao, khô hạn sang trồng cây dây thìa canh, loại cây dược liệu quý, có khả năng chịu hạn cao, thích hợp với cả những nơi đất cằn cỗi, có nhiều ánh sáng. Từ năm 2013, Cty TNHH Nam Dược đã hợp tác với các hộ nông dân xóm 3 xây dựng vùng trồng cây dây thìa canh tập trung theo tiêu chuẩn GACP-WHO với quy mô 7ha nhằm đáp ứng nhu cầu dược liệu chuẩn cho sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng. Vùng sản xuất này được Cty Nam Dược đầu tư hệ thống đường giao thông, kênh mương, nhà xưởng chế biến. Các hộ tham gia được cung ứng trước giống cây, phân bón, tiền đầu tư làm giàn ban đầu, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cây dược liệu Nam Lộc. Ông Lâm Văn Xuân, xóm 3 cho biết: Đầu tư ban đầu đơn giản, chỉ cần làm giàn bằng tre, nứa để cây có chỗ leo, bón phân theo đúng quy trình. Sau 1 năm là cây đã bắt đầu cho thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt, cây dây thìa canh có thể cho thu hái trong nhiều năm liền. Mỗi năm, cây cho thu hoạch 4 đợt, người trồng có thu nhập 14-15 triệu đồng/sào/năm, gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Ngoài cây dây thìa canh, nhiều hộ nông dân trong xã đã cải tạo vườn tạp, tận dụng nơi đất cao để trồng các loại cây dược liệu khác như: đinh lăng, kinh giới, vọng cách, cối xay… cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 20-50 triệu đồng/sào. Tại các vùng chân ruộng trũng ven đê biển thường xuyên bị ngập úng, chua phèn, chuột phá… năng suất lúa chỉ đạt 50 kg/vụ, Hải Lộc đã thực hiện dồn đổi cho dân, chuyển 26ha đất công ra khu vực ven đê và cho Cty TNHH Hoàng Thành Đạt đấu thầu xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Đồng thời quy hoạch và chuyển đổi 12ha vùng đất trũng tại các xóm 9, 10 để các hộ nông dân phát triển các trang trại, gia trại tổng hợp. Cùng với việc nâng cao hiệu quả sản xuất các đối tượng nuôi truyền thống như lợn, gà, trâu, bò, cá… các hộ nông dân vùng chuyển đổi còn đưa nhiều cây trồng, con nuôi mới như: cây đinh lăng, cá rô phi đơn tính, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh… cho giá trị sản xuất cao gấp nhiều lần cấy lúa trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác. Tại đây, các hộ nông dân thành lập CLB nuôi trồng thủy sản Hải Lộc nơi liên kết giữa các hộ cùng ngành nghề để tương trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tìm kiếm đầu vào như: con giống, thức ăn, thuốc thú y… cho đến đầu ra là thị trường tiêu thụ. Nhiều hộ ở vùng chuyển đổi có thu nhập cao, từ 300-500 triệu đồng mỗi năm như hộ các ông: Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Đình Triệu ở xóm 9; Lê Quang Trung ở xóm 10…
 
Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, phong phú, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã Hải Lộc đạt 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,8% (theo tiêu chí mới). Tại Hải Lộc không có diện tích đất ruộng bị bỏ hoang, người nông dân vẫn chăm chỉ gắn bó với đồng ruộng. Với cách làm năng động, Hải Lộc đang khẳng định được hiệu quả thiết thực của chương trình xây dựng NTM trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân và trở thành điểm sáng cho các địa phương học tập kinh nghiệm./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com