Tập trung phòng, chống úng bảo vệ lúa mùa

08:07, 25/07/2017
Sản xuất vụ mùa năm nay được các địa phương triển khai sớm hơn mọi năm. Đến ngày 4-7, toàn tỉnh đã cấy, sạ được 3.810ha. Đến ngày 16-7, toàn tỉnh đã cấy, sạ được 66.800ha; trong đó gieo sạ đạt 20 nghìn ha (26% diện tích). Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trận mưa lớn, đặc biệt là ảnh hưởng của bão số 2 đã gây ngập úng trên diện rộng những diện tích lúa mùa mới cấy và sạ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Cụ thể lượng mưa từ ngày 11 đến 20-7 bình quân đạt 231,18mm, một số địa phương có lượng mưa lớn như: Nam Trực 299mm, Giao Thủy 282,5mm, Mỹ Lộc 279mm… Theo báo cáo tổng hợp đến 16 giờ ngày 17-7, toàn tỉnh có 21.362ha lúa bị ngập úng (27,7% diện tích); trong đó: ngập trắng 9.046ha (11,7% diện tích), ngập phất phơ 5.025ha (6,5% diện tích), ngập sâu 2/3 cây lúa 7.291ha. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương và các Cty TNHH một thành viên KTCTTL đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp tiêu úng, cứu lúa mới cấy.
 
Suốt trong những ngày qua, Cty KTCTTL Bắc Nam Hà tập trung mọi biện pháp để tiêu úng. Cty chỉ đạo 100% quân số trực để thực hiện nhiệm vụ. Triển khai tiêu rút nước đệm và kiểm tra toàn bộ hệ thống trang thiết bị, các công trình phụ trợ liên quan cũng như năng lực vận hành của tất cả các trạm bơm do Cty quản lý; bố trí lực lượng liên tục việc vớt bèo, rác, vật cản trên sông tiêu và cửa cống. Dùng thợ lặn vớt rác tại các cửa hút trước lưới chắn rác, cẩu rác ngăn tắc trước cửa lưới chắn. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo diễn biến thời tiết liên tục theo từng thời điểm và diễn biến thời tiết, lượng mưa, mực nước tuần tra, kiểm soát, thống kê về tình hình thiệt hại, úng ngập của lúa và cây màu. Trong thời gian diễn ra mưa lớn, để hạn chế tối đa tình trạng úng và thiệt hại, đảm bảo điều kiện sản xuất nông nghiệp của các địa phương, tại một số trạm bơm các cửa cống đã được mở hết khẩu độ, vận hành tối đa công suất các máy bơm. Như trạm bơm Cốc Thành (Vụ Bản) chủ động vận hành toàn bộ 7 tổ máy với lưu lượng mỗi máy 32 nghìn m 3/giờ; trạm bơm Hữu Bị I (Mỹ Lộc) 4 tổ máy, mỗi máy 32 nghìn m 3/giờ; trạm bơm Cổ Đam (Ý Yên) 6 tổ máy, mỗi máy 32 nghìn m 3/giờ… được vận hành hết công suất tiêu rút nước đệm theo đúng quy trình, vận hành mở tối đa các cống đầu kênh tiêu; thực hiện tiêu nước theo quy định, quy trình vận hành theo phương châm chôn, rải, tháo nước. Do thực hiện tốt công tác phòng chống trước và sau bão số 2 nên kể cả vào lúc cao điểm, lượng mưa lớn, các trạm bơm của Cty đều vận hành hiệu quả đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu. Tại trạm bơm Văn Lai ở xã Phương Định (Trực Ninh), đây là trạm bơm được thiết kế 9 máy bơm với tổng công suất 36 nghìn m 3/giờ, chủ động tiêu thoát cho 1.300ha lúa mùa thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Trực Ninh gồm: Phương Định, Liêm Hải, Trực Chính và Cổ Lễ. Đợt mưa vừa qua đã làm hơn 400ha gieo cấy của 4 địa phương kể trên bị ngập sâu nước, mức nước trong ruộng từ 20-25cm. Liên tục trong những ngày qua các công nhân của trạm bơm Văn Lai đã túc trực 24/24 giờ, vừa theo dõi mực nước, vận hành tiêu tự chảy, vừa khơi thông bể hút, giải tỏa bèo rác để kịp thời vận hành các tổ máy bơm điện khi chân triều chênh lệch. Đến nay, các diện tích lúa bị ngập đã cơ bản được tiêu thoát nước. Hệ thống thủy nông Nam Ninh phụ trách tưới tiêu khoảng 15 nghìn ha lúa vụ mùa năm 2017 cho 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh. Đồng chí Trần Văn Dân, Giám đốc Cty KTCTTL Nam Ninh cho biết: Ngay sau khi bà con nông dân 2 huyện bắt đầu gieo cấy lúa mùa, Ban lãnh đạo Cty đã chỉ đạo tiêu rút nước đệm để ứng phó với khả năng mưa lớn. Các trạm bơm của hệ thống vận hành rải rác từ ngày 8-7, và vận hành hết công suất từ ngày 14-7 đến nay. Hiện Cty duy trì chế độ trực liên tục 24/24 giờ, tận dụng tối đa mở cống tiêu theo thủy triều và vận hành các trạm bơm tiêu theo từng vùng, từng ngày; hướng dẫn các địa phương chủ động bơm tiêu bằng trạm bơm dã chiến, máy dầu các vùng mạ và vùng úng cục bộ. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian xảy ra mưa lớn, ở vùng phía bắc tỉnh, Cty KTCTTL Bắc Nam Hà hoạt động cơ bản số máy bơm tại các trạm bơm lớn. Vùng phía nam tỉnh, các Cty KTCTTL tranh thủ thủy triều mở cống Nam Điền, cống số 9 (hệ thống thủy nông Xuân Thủy); cống Cát Chử, cống Rõng (hệ thống thủy nông Nam Ninh); cống Phú Lễ, Doanh Châu (hệ thống thủy nông Hải Hậu); cống Đại Tám, cống Quần Vinh (hệ thống thủy nông Nghĩa Hưng) tiêu rút nước cứu lúa; đồng thời triển khai các trạm bơm, máy bơm dã chiến để bơm cục bộ cho những diện tích bị ngập úng nặng. Các Cty KTCTTL trong tỉnh đã cho hoạt động 173 máy bơm vừa và nhỏ để tiêu úng. Các huyện, thành phố sử dụng 208 máy bơm điện, máy bơm dầu ứng cứu lúa. Nhiều diện tích lúa đến nay đã được tiêu úng nhanh. Đến 7 giờ ngày 20-7, toàn tỉnh chỉ còn 9.389ha bị ngập úng; trong đó ngập trắng 5.622ha, ngập phất phơ 3.147ha, sâu nước 1.070ha. Hiện các địa phương và các Cty KTCTTL đang tiếp tục huy động tối đa các phương tiện bơm tiêu úng nhanh để cứu lúa. Sở NN và PTNT đang cùng với các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và khắc phục hậu quả của mưa bão.
Bơm tiêu nước tại trạm bơm Cốc Thành (Vụ Bản).
Bơm tiêu nước tại trạm bơm Cốc Thành (Vụ Bản).
Trước đó, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống úng, ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa bão và tiến hành tu bổ, sửa chữa các máy bơm và các công trình đầu mối, cống dưới đê, đập điều tiết… đảm bảo 100% công trình vận hành hết công suất phục vụ phòng, chống úng năm 2017. Đồng thời chạy thử tất cả các trạm bơm tiêu úng để kịp thời phát hiện những hư hỏng phát sinh, có kế hoạch sửa chữa đảm bảo phục vụ có hiệu quả công tác chống úng. Các Cty KTCTTL thường xuyên kiểm tra đôn đốc và phối hợp cùng các xã, thị trấn tổ chức khơi thông dòng chảy trên các trục sông tiêu, đảm bảo cho việc tiêu thoát nước nhanh khi mưa úng xảy ra. Các xã, thị trấn, HTX cũng đã tiến hành thường xuyên kiểm tra, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; củng cố tôn cao, khép kín các bờ vùng, bờ khoảnh; chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc thiết bị đảm bảo và sẵn sàng chống úng, bảo vệ sản xuất vụ mùa. Các huyện, thành phố; các xã, thị trấn; các Cty KTCTTL xây dựng phương án phòng, chống úng chi tiết, cụ thể cho từng vùng; kế hoạch tu bổ công trình phục vụ sản xuất, phương án bảo vệ công trình trọng điểm và phương án vận hành công trình. Tùy theo hiện trạng công trình thủy lợi và địa hình, thủy thế, mỗi vùng có các biện pháp công trình tiêu chủ lực khác nhau. Tại các vùng tiêu chủ yếu bằng động lực như các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc tùy theo diễn biến cụ thể của nhiệm vụ tiêu úng và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để có biện pháp chỉ đạo vận hành tiêu úng hiệu quả nhất và đảm bảo tiết kiệm điện năng. Tại các vùng tiêu chủ yếu bằng trọng lực như các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, mọi phương án vận hành hệ thống trong từng thời kỳ dựa vào quy luật thủy triều, lịch thời vụ, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng qua từng giai đoạn, yếu tố của thời tiết và các quy luật biến động của tự nhiên để chọn phương án vận hành đảm bảo tính tổng hợp, hiệu quả cao nhất.
 
Trận mưa bão vừa qua cũng để lại bài học kinh nghiệm cho các địa phương trong công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất. Mặc dù tỉnh và các huyện không khuyến khích gieo sạ trong vụ mùa, đồng thời khuyến cáo chỉ những chân ruộng cao, tưới - tiêu chủ động hoàn toàn, gọn vùng mới tổ chức gieo sạ và phải kết thúc gieo sạ trước ngày 10-7. Tuy nhiên ở nhiều địa phương vẫn mở rộng gieo sạ tự phát ở những chân ruộng trũng, không gọn vùng nên khó tiêu thoát nước. Có 6.260ha sạ muộn sau ngày 10-7 nên khi gặp mưa lớn toàn bộ diện tích gieo sạ bị ngập trắng. Trong thời gian tới, ngành NN và PTNT sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thủy văn để sớm có biện pháp đối phó với những diễn biến bất thường, đảm bảo tốt phục vụ cho sản xuất trong mùa mưa bão, quyết tâm giành vụ mùa thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com