Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản

07:06, 29/06/2017
Khi diện tích nuôi thủy sản ngày càng được mở rộng cùng với điều kiện thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng đến sức khỏe các đối tượng vật nuôi thì nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh cho thủy sản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh và sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Do đó, công tác kiểm soát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản là vô cùng cần thiết.
Thanh tra Sở NN và PTNT kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc và hóa chất dùng trong nuôi thủy sản.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Thanh tra Sở NN và PTNT kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc và hóa chất dùng trong nuôi thủy sản. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Những năm gần đây, hầu hết người nuôi thủy sản cả nước ngọt và mặn lợ đều sử dụng thức ăn công nghiệp. Bởi vậy, lượng thức ăn dư thừa cộng với chất thải của thủy sản làm cho môi trường nước ao nuôi ô nhiễm, là tác nhân phát sinh các mầm bệnh. Mặc dù thuốc kháng sinh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc chống lại nhiều bệnh tật cho các loại thủy sản nhưng việc sử dụng bừa bãi trong nuôi thủy sản có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Đồng chí Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: “Sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ dẫn đến việc hình thành hệ vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh, đồng thời làm hủy diệt hệ vi sinh vật tự nhiên vốn có. Hơn nữa, khi sử dụng kháng sinh quá liều lượng sẽ tạo ra nhiều chất kim loại độc hại tồn đọng trong lớp bùn ao nuôi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các đối tượng thủy sản. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ làm xáo trộn sự cân bằng của môi trường nước. Như vậy nếu buộc phải sử dụng kháng sinh thì người nuôi phải sử dụng với liều cao hơn một chút và trong một thời gian đủ dài và phải có hướng dẫn của các cán bộ có chuyên môn. Nếu có thể nên kết hợp các loại kháng sinh có cùng tác dụng hỗ trợ lẫn nhau”. Ngay từ đầu năm Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kết hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT cùng với các ngành chức năng tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các vùng nuôi thủy sản định kỳ 1 tháng 2 lần. Ngoài biện pháp trực tiếp tuyên truyền đến các hộ nuôi thủy sản, các cơ quan chức năng còn in băng rôn, sổ tay hướng dẫn nuôi thủy sản an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đến các hộ nuôi thủy sản và cả người tiêu dùng; hướng dẫn các hộ nuôi thả giống đúng mùa vụ. Qua các đợt kiểm tra cho thấy hầu hết không xảy ra hiện tượng sử dụng kháng sinh trong các vùng nuôi thủy sản. Một số ít hộ nuôi thiếu hiểu biết, sử dụng kháng sinh bằng kinh nghiệm, hoặc do chủ các cửa hàng kinh doanh thuốc thủy sản tư vấn, giới thiệu không theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Đồng chí Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Trong nhiều năm trở lại đây, hầu hết các hộ nuôi thủy sản đã chú ý xử lý môi trường nuôi ngay từ trước khi thả giống và trong quá trình nuôi bằng chế phẩm sinh học việc sử dụng kháng sinh khi cần thiết đã được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên quá trình kiểm tra cũng chưa phát hiện tồn dư hóa chất kháng sinh trong các loại thủy sản nuôi”. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các ngành chức năng, người nuôi thủy sản cũng đã dần nâng cao được nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bản thân. Để hạn chế việc phải sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi, người nuôi đã đặc biệt chú ý từ khâu chọn con giống, chỉ chọn mua con giống tại những cơ sở uy tín và con giống phải khỏe mạnh, màu sắc tốt. Bên cạnh đó, khâu quản lý môi trường nước cũng rất quan trọng vì làm tốt khâu này thì các đối tượng nuôi sẽ khỏe mạnh hơn, khả năng miễn dịch cao hơn, người nuôi sẽ ít phải sử dụng kháng sinh. Anh Trần Xuân Thành, xã Giao Thiện (Giao Thủy) có 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm đầu, anh nuôi theo hình thức bán thâm canh, nay đã chuyển sang nuôi công nghiệp. Lúc đầu, anh cũng giống như nhiều hộ nuôi thủy sản khác, hễ thấy tôm có dấu hiệu bệnh là sử dụng thuốc kháng sinh để chữa. Anh cho biết: “Lúc đấy, tôi cũng đã nhận thấy những tác hại mà việc sử dụng kháng sinh gây ra. Nhưng khi thấy tôm bị bệnh, xót của và không biết phải làm cách nào nên vẫn phải sử dụng kháng sinh”. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, anh được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi thủy sản theo quy trình không dùng kháng sinh. Từ khi chuyển sang ứng dụng kỹ thuật tôm nuôi bằng chế phẩm sinh học đàn tôm nuôi khỏe mạnh hơn trước nhiều. Không chỉ hộ anh Thành mà hiện nay rất nhiều hộ dân, doanh nghiệp nuôi thủy sản đã ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học thay vì sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản.
 
Việc sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản là cần thiết nhưng nếu sử dụng sai cách hệ quả của nó đem lại là không nhỏ. Để việc sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản hoàn toàn được kiểm soát thì các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong nuôi thủy sản về sản xuất, kinh doanh thuốc kháng sinh. Tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh kháng sinh vi phạm. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản./.
 
Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com