Trực Phú khai thác lợi thế phát triển thương mại dịch vụ

07:04, 18/04/2017
Nằm bên bờ sông Ninh Cơ, xã Trực Phú (Trực Ninh) thuận lợi cả giao thông đường thủy, đường bộ và có nhiều công trình phục vụ phát triển thương mại như chợ Ninh Cường, bến xe khách… Đây là lợi thế giúp xã Trực Phú vươn lên trở thành một trong những đầu mối thương mại - dịch vụ lớn của huyện, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội. 
Làm bánh chưng tại cơ sở Như Hoa, khu trung tâm xã Trực Phú.
Làm bánh chưng tại cơ sở Như Hoa, khu trung tâm xã Trực Phú.
Để phát huy tối đa lợi thế về kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm của người dân, UBND xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế và khuyến khích phát triển kinh tế hộ theo hướng đa ngành nghề, phát triển các loại hình dịch vụ. Trên cơ sở đó, ngoài quy hoạch sản xuất nông nghiệp, khu vực hành chính và các công trình phúc lợi phụ trợ, UBND xã đã quy hoạch riêng khu vực thương mại dịch vụ rộng khoảng 3ha thuộc xóm Tân Ninh có cơ sở hạ tầng đồng bộ để khuyến khích nhân dân đầu tư sản xuất, kinh doanh tập trung. UBND xã tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục pháp lý để thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Đối với các hộ đã có nghề sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, UBND xã tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; chỉ đạo các đoàn thể tổ chức các lớp hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, điều kiện đảm bảo ATVSTP để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Từ chủ trương đó, cơ cấu kinh tế của xã đã có thay đổi tích cực. Một số nghề truyền thống được mở rộng như: sản xuất kẹo vừng lạc, chế biến lương thực làm các loại bánh chưng, bánh gai, bánh đa, bánh tráng… mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Nhiều sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, trở thành đặc sản riêng có của Trực Phú như kẹo lạc, kẹo vừng Vũ Thịnh; bánh chưng ngọt. Trong đó, nghề sản xuất bánh chưng của xã đã được nhân rộng với khoảng 40 hộ làm nghề. Trước đây, bánh chưng Trực Phú chỉ phục vụ tiêu dùng vào dịp lễ, tết, đình đám ở địa phương nhưng nhờ năng động trong việc giới thiệu, chào bán sản phẩm tại các điểm nút giao thương của xã như bến đò, bến xe khách và chợ Ninh Cường nên sản phẩm bánh chưng đã nhanh chóng trở thành hàng hóa, thị trường mở rộng ra các xã lân cận. Do đó, trung bình mỗi ngày, hộ sản xuất nhỏ cũng gói dăm chục đến một trăm chiếc bánh chưng bán lẻ quanh xã. Hộ có uy tín như gia đình bà Hoa, bà Liên (khu trung tâm xã) mỗi ngày gói khoảng 600 chiếc bánh chưng, bánh gai các loại; vào thời điểm áp Tết, lượng bánh chưng, bánh gai của gia đình bà lên tới hàng nghìn chiếc mỗi ngày. Ngoài mở rộng nghề truyền thống, xã Trực Phú đã đẩy mạnh khuyến khích các hộ dân phát triển thương mại dọc các tuyến đường có lợi thế như Quốc lộ 37B, khu trung tâm xã và tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Hiện tại, trên địa bàn xã có 13 doanh nghiệp được thành lập với các ngành nghề: may mặc, xây dựng, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, kinh doanh vận tải… Tiêu biểu như Nhà máy May Ninh Cường (thuộc Tổng Cty May 9); Cty May Tân Trạch; Cty CP Vật liệu xây dựng Ninh Cường..., giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động với mức thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có trên 600 hộ đăng ký kinh doanh thương mại dịch vụ dọc theo trục Quốc lộ 37B; hàng trăm hộ dân kinh doanh tại chợ và khoảng trên 50 đầu xe khách các loại tại bến xe khách Ninh Cường. Đối với sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Đến nay, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn khai thác khu vực thùng đào, thùng đấu, ruộng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển đổi đầu tư xây dựng trang trại, gia trại quy mô lớn sản xuất những nông sản chất lượng cao như thịt lợn sạch, rau màu, cá truyền thống và chim bồ câu. 
 
Phát triển thương mại dịch vụ với nền tảng là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện về đất đai, thủ tục hành chính và vốn vay; khuyến khích người dân củng cố, mở rộng nghề truyền thống; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người dân… là hướng đi đúng của Đảng ủy, UBND xã Trực Phú. Năm 2016, tổng thu nhập toàn xã đạt trên 400 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất CN-TTCN, ngành nghề kinh doanh dịch vụ của xã đạt 248 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 40 triệu đồng. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi của xã có việc làm thường xuyên là 4.770/5.199 lao động, bằng 91,7%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm đáng kể. Xã Trực Phú đã phát huy lợi thế về vị trí địa lý, trở thành điểm tập trung hàng hóa, phương tiện cung ứng cho các xã lân cận khu vực phía tây nam huyện như Trực Hùng, Trực Thái, Trực Cường và trở thành đối trọng thương mại dịch vụ với khu vực Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) và huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Đây là tiền đề quan trọng để xã Trực Phú sớm thích nghi với sự phát triển của thị trấn trẻ tương lai, xây dựng đô thị NTM sầm uất bên dòng sông Ninh Cơ./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com