Khắc phục bất cập trong quy hoạch xây dựng nông thôn

07:04, 13/04/2017
Thời gian qua, nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung nghiên cứu, bám sát các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện tốt công tác quy hoạch về xây dựng NTM; nhanh chóng khắc phục những bất cập về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng NTM; hướng tới xây dựng, phát triển NTM tỉnh ta bền vững. 
 
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện tại, các quy hoạch xây dựng xã NTM mới chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt mà chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài trong xu thế đô thị hóa nông thôn nhanh chóng và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Những hạn chế về chất lượng quy hoạch nông thôn có nhiều nguyên nhân, có rất ít kinh nghiệm về công tác quy hoạch xây dựng NTM và chưa có sự đồng nhất về quan điểm quy hoạch trong thực tế triển khai đối với các tổ chức tư vấn và cả cộng đồng dân cư ở địa phương. Lực lượng tư vấn quy hoạch vừa thiếu vừa yếu về kinh nghiệm quy hoạch vùng nông thôn. Ngoài ra, sự hạn chế về kinh phí, phối kết hợp giữa các cấp, ngành, về số lượng và năng lực cán bộ có chuyên môn thực hiện công tác thẩm định cũng ảnh hưởng đến chất lượng các quy hoạch xây dựng NTM. Trong đó, tính liên kết vùng, liên kết các điểm dân cư trong địa bàn các xã còn khá yếu được thể hiện rõ qua sự thiếu đồng bộ trong phát triển hệ thống dân cư nông thôn (trung tâm nông thôn như thị trấn, thị tứ, các điểm dân cư tập trung); chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (chợ, nhà văn hóa), khớp nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu mối đối với hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cấp xã; chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển các khu sản xuất (CN-TTCN, điểm xử lý rác thải) và hệ thống cơ sở hạ tầng đầu mối phục vụ sản xuất; chưa hoạch định rõ hệ thống sản xuất nông nghiệp mang tính quy mô, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao... Do đó, nảy sinh nhiều hệ lụy khó khăn trong quản lý xây dựng theo quy hoạch, cấp phép xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở ở nông thôn; nhiều vi phạm về đất đai như lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đất nông nghiệp khác; quản lý, sử dụng đất công ích không đúng quy định, kém hiệu quả; bất cập trong lựa chọn địa điểm xây dựng thiết chế văn hóa cho xã, thôn xóm; khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án mới, cấu trúc nhà ở nông thôn bị phá vỡ, nhiều công trình đầu tư chưa phát huy được hết công năng sử dụng trên thực tế như chợ, nhà văn hóa thôn, xóm; nợ đọng trong xây dựng cơ bản do đầu tư tràn lan, dàn trải...
Xây dựng khu dân cư mới tại trung tâm xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng).
Xây dựng khu dân cư mới tại trung tâm xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng).
Nhằm giải quyết tình trạng trên, ngày 1-3-2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2017 hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn; hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn. Đặc biệt, Thông tư đã có các quy định nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng đối với các đồ án quy hoạch đảm bảo bám sát thực tế và tăng cường hơn nữa tính liên kết vùng giữa các đồ án quy hoạch gắn với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cấp xã, cấp huyện. Thành phần hồ sơ quy hoạch các điểm dân cư nông thôn tập trung cũng được yêu cầu đảm bảo đủ, chi tiết hơn nhằm hướng tới xây dựng NTM hài hòa, có bản sắc, tiến tới đô thị hóa bền vững. Trong đó, hồ sơ xây dựng đồ án quy hoạch chung xây dựng cấp xã bao gồm hai phần là thành phần bản vẽ và thuyết minh. Thành phần bản vẽ gồm có sơ đồ vị trí, mối liên hệ vùng được thể hiện theo tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2.000. Trong đó, cần xác định vị trí, ranh giới lập quy hoạch (toàn bộ ranh giới hành chính của xã), thể hiện các mối quan hệ giữa xã và vùng trong huyện có liên quan về kinh tế - xã hội. Điều kiện địa hình các vùng có định hướng đến kiến trúc cảnh quan của xã; hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các vấn đề khác tác động đến phát triển xã được thể hiện theo tỷ lệ thích hợp. Đối với bản đồ hiện trạng tổng hợp, đánh giá đất xây dựng phải nêu rõ việc sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại, cây xanh, nhà ở...); hiện trạng giao thông, cấp điện và chiếu sáng, cấp nước, cao độ nền và thoát nước mưa, thoát nước bẩn; thu gom chất thải rắn, nghĩa trang, môi trường; đặc biệt lưu ý các vấn đề về sử dụng và khai thác đất nông nghiệp; những vấn đề tồn tại trong việc sử dụng đất đai. Hồ sơ xây dựng đồ án quy hoạch cần phải phân tích và đánh giá được hiện trạng tổng hợp như: điều kiện tự nhiên, bao gồm đặc điểm địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, tài nguyên nước, rừng, biển; ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường và các hệ sinh thái trong tương lai. Dân số, đặc điểm về văn hóa, dân tộc và phân bố dân cư. Đánh giá được thế mạnh, tiềm năng và các hạn chế trong phát triển kinh tế các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hiện trạng sử dụng và biến động từng loại đất (lưu ý các vấn đề về sử dụng và khai thác đất nông nghiệp; những vấn đề tồn tại trong việc sử dụng đất đai). Hiện trạng về nhà ở, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ sản xuất, môi trường, các công trình di tích, danh lam, thắng cảnh du lịch. Việc thực hiện các quy hoạch có liên quan, các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn xã.
 
Ngoài ra, tính định hướng trong quy hoạch xây dựng NTM các xã cũng được yêu cầu thể hiện rõ qua việc mỗi quy hoạch phải xác định tiềm năng, động lực và dự báo phát triển xã về quy mô dân số, lao động, số hộ cho giai đoạn quy hoạch 10 năm và phân kỳ quy hoạch 5 năm. Quy hoạch phải dự báo được động lực phát triển kinh tế chủ đạo; quy mô sản xuất, sản phẩm chủ đạo, tiềm năng thị trường, định hướng giải quyết đầu ra. Xác định tiềm năng đất đai phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất (nông nghiệp sang phi nông nghiệp hoặc đất đô thị) phục vụ dân cư, công trình hạ tầng và sản xuất. Xác định quy mô đất xây dựng cho từng loại công trình công cộng, dịch vụ cấp xã, thôn, bản; quy mô và chỉ tiêu đất ở cho từng loại hộ gia đình như: hộ sản xuất nông nghiệp; hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp; hộ thương mại, dịch vụ trong toàn xã. Đối với quy hoạch sử dụng đất phải nêu rõ, quy hoạch các loại đất trên địa bàn xã cập nhật phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Xác định diện tích đất cho nhu cầu phát triển theo các giai đoạn 5 năm, 10 năm và các thông số kỹ thuật chính cho từng loại đất, cụ thể: đất nông nghiệp, đất xây dựng và các loại đất khác. Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung các nội dung về lấy ý kiến quy hoạch, công bố quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Đối với những xã đã có quy hoạch xây dựng NTM được duyệt hoặc đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng chưa đáp ứng các chỉ tiêu về NTM quy định tại Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cấp xã, cấp huyện; những thay đổi về chính sách, chủ trương, các quy hoạch mới thì các địa phương điều chỉnh quy hoạch phải xác định rõ các yêu cầu, để đề xuất nội dung điều chỉnh như: sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian cho từng khu vực, giải pháp cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng, dịch vụ phù hợp với khả năng, nguồn lực và yêu cầu phát triển, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
 
Với mục tiêu thực hiện song hành gắn kết xây dựng NTM với đô thị hóa và tái cơ cấu nông nghiệp, công tác quy hoạch nông thôn  phải được coi trọng thực hiện bài bản, chi tiết, có định hướng rõ ràng, thống nhất từ các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch tổng thể bởi các cấp, ngành ở địa phương. Sở Xây dựng cần tập trung hướng dẫn các xã trên địa bàn toàn tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung các hồ sơ, bản vẽ, không gian kiến trúc; hoạch định các điểm dân cư tập trung theo hướng phát triển bền vững gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com