Đa dạng hóa sản phẩm thủ công mỹ nghệ để tăng sức cạnh tranh

08:04, 11/04/2017
Theo báo cáo của Sở Công thương, trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh ta đạt 6,7 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong năm 2016, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề đã sản xuất được gần 8,5 triệu sản phẩm chiếu cói; trên 35,3 triệu sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ (từ nguyên liệu mây, tre đan). Nhiều sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh ta được xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Bra-xin… Từ cơ cấu sản phẩm truyền thống với nguyên liệu là mây, tre, nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với các loại vật liệu khác như sơn mài, gỗ, nhựa, sắt… để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. 
Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre nứa ghép tại Cty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre nứa ghép tại Cty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong các làng nghề lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu thị trường. Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu mây tre tự nhiên là loại hàng tiêu dùng có thời hạn, do vậy phải luôn thay đổi mẫu mã để thu hút tiêu dùng. Để giữ vững thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang nỗ lực đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Xã Yên Tiến (Ý Yên) có trên 3.000 hộ làm nghề thì có tới 75% số hộ tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Để có đủ việc làm cho các hộ nhận gia công, gần 40 doanh nghiệp trong xã đã tích cực tìm kiếm thị trường. Theo phương pháp sản xuất truyền thống, nguyên liệu tre, nứa phải được ngâm ủ trong các ao, hồ trên 3 tháng (100 ngày) trở lên mới đưa vào chế biến để hạn chế mối mọt, nấm mốc và tăng độ bền cho sản phẩm. Tuy nhiên, phương pháp này đã bộc lộ hạn chế và trong quá trình ngâm nước sức bền cơ học của tre, nứa đã bị giảm đáng kể, lại gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, do chi phí mua nguyên liệu quay vòng chậm khiến giá thành sản phẩm bị đội lên cao… Để giải quyết triệt để tình trạng này, Cty TNHH Nam Hải, thôn Tân Lập, xã Yên Tiến (Ý Yên) đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến trong việc ngâm ủ nguyên liệu. Cty đã sử dụng phương pháp ngâm ủ tre nứa trong các bể chứa có sử dụng hóa chất phụ gia để rút ngắn thời gian xử lý nguyên liệu xuống còn từ 7-10 ngày. Cty còn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng trên 2.000m 2 được trang bị các loại máy móc hiện đại như: máy sấy, máy phun sơn, máy chà giấy ráp… Nhà xưởng được bố trí hệ thống quạt hút công suất lớn để hút bụi, riêng khu vực chà giấy ráp gồm 15 máy được thiết kế 15 quạt hút, hầu hết lượng bụi trong quá trình sản xuất được gom vào đường ống dẫn xuống bể chứa có thể tích trên 100m 3. Khu vực buồng sơn được bố trí hệ thống “tường nước” để hút bụi sơn, lắng đọng và xử lý bằng hóa chất chuyên dụng trước khi thải. Phương pháp này ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã giúp Cty chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường “khó tính” như: EU, Mỹ. Với 2 cơ sở sản xuất có tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng, Cty đã tạo việc làm cho 150 lao động trực tiếp và gần 2.000 lao động gia công tại gia đình. Chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại, nhiều Cty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong các làng nghề truyền thống đã nghiên cứu, áp dụng các phương pháp ngâm ủ nguyên liệu mới như: dùng vôi, muối, dầu để ngâm ủ. Phương pháp này giúp rút ngắn thời gian ngâm ủ, duy trì được độ bền, màu sắc tự nhiên của nguyên liệu. Các cơ sở sản xuất tại thôn Ngõ Trang, xã Liên Minh (Vụ Bản) đã đầu tư các loại máy mài, máy chẻ nan để tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) đã nghiên cứu thay thế từ nguyên liệu tự nhiên (tre, nứa) sang nguyên liệu sợi ni-lông đối với một số loại sản phẩm để chủ động nguồn nguyên liệu, đa dạng mẫu mã sản phẩm. May băng giang thành các sản phẩm tiêu dùng từ nguyên liệu tre nứa là nghề truyền thống của xã Yên Đồng (Ý Yên). Sau một thời gian trầm lắng, chỉ sản xuất quy mô nhỏ, lẻ và cung ứng cho thị trường nội địa, khoảng 20 năm trở lại đây, nghề may băng giang của xã có sự phát triển mạnh trở lại nhờ một số cơ sở đã nhanh nhạy tìm cách thay đổi mẫu mã sản phẩm, sáng tạo nhiều sản phẩm tiêu dùng từ băng giang như: hộp, khay, đệm... với nhiều màu sắc bắt mắt, phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của trường. Nhờ đó, đến nay làng nghề may băng giang của xã Yên Đồng đã có gần 20 chủng loại mẫu mã sản phẩm từ mũ, đệm chùi chân, giỏ, túi, hàng lưu niệm… xuất khẩu sang các nước: Bra-xin, Mê-hi-cô, Nhật Bản… Việc đổi mới, đa dạng hóa các loại sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh trụ vững trong thị trường cạnh tranh gay gắt. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiệp ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các loại giỏ sắt (để trồng hoa trong nhà kính, giỏ hoa trang trí nội thất) xuất khẩu với công suất 120 nghìn sản phẩm/năm. Từ năm 2011, Cty đã sử dụng lõi nhựa composite thay thế cho cốt tre, gỗ truyền thống giúp sản phẩm dễ tạo hình, bắt màu và bền hơn do không bị ảnh hưởng thời tiết nồm ẩm, hanh khô gây ẩm mốc, co ngót, cong vênh. Từ việc thay đổi cốt liệu trong sản xuất, Cty đã ký được nhiều đơn hàng có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao mà trước đây không làm được vì cốt liệu tre, nứa không đáp ứng được như kích cỡ quá lớn hoặc tạo hình đa chi tiết. Với việc áp dụng công nghệ sản xuất mới, Cty đã đạt công suất 200 nghìn sản phẩm/năm; sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Sản phẩm ngày càng đa dạng chất liệu như quấn mây, quấn nhôm, dán gỗ, thếp bạc hay phun sơn theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ đó, Cty đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu đảm bảo việc làm cho trên 40 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân trên từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Để tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất, doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng một xưởng sản xuất các loại mũ nan (từ nguyên liệu tre, nứa) xuất khẩu quy mô 20 máy may công nghiệp, 5-7 máy chẻ nan. Dự kiến, xưởng sản xuất mũ nan của doanh nghiệp sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động mới. Tổng doanh thu của Cty đã đạt 30-35 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. 
 
Tích cực đầu tư sản xuất đa dạng các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, giữ vững thị trường xuất khẩu đang là xu hướng tất yếu đối với các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Để giúp các làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển theo hướng bền vững, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần tích cực, chủ động trong đổi mới thiết bị công nghệ, quan tâm đầu tư chiều sâu cho khâu thiết kế, kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề gắn với việc duy trì, mở rộng thị trường./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com