Tăng cường quản lý chất lượng nước sạch

09:02, 28/02/2017
Đến nay, toàn tỉnh có 53 nhà máy, trạm cung cấp nước sạch. Nhằm bảo đảm chất lượng cấp nước sạch để cung cấp cho người dân sử dụng an toàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung quản lý toàn diện từ thiết kế kỹ thuật, quy trình vận hành sản xuất nước đúng và công tác kiểm định nguồn nước (nguồn nước thô và nước sử dụng). Trước khi triển khai đầu tư, hệ thống xử lý nước sinh hoạt phải được thiết kế đảm bảo phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn; quy trình vận hành, xử lý đúng thiết kế. Ngành Xây dựng có trách nhiệm quản lý đơn vị cấp nước về chất lượng công trình hạ tầng, chống hao hụt nước, chống rò rỉ thiết bị gây thẩm thấu tạp chất vào nguồn nước. Ngành TN và MT chịu trách nhiệm xét duyệt việc cấp nước nguồn và giám định chất lượng nguồn nước thô. Ngành Y tế kiểm định chất lượng nước sau khi xử lý cung cấp đến cho các hộ dân sử dụng. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nam Định là đơn vị được UBND tỉnh, Sở NN và PTNT giao nhiệm vụ phân tích, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định về chất lượng nước đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước đối với nước sạch nông thôn. Cùng với việc kiểm soát chất lượng nước định kỳ của ngành chức năng, các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác các đơn vị cấp nước phải có trách nhiệm tự kiểm tra, phân tích chất lượng nước thành phẩm do đơn vị mình sản xuất trước khi cung cấp cho khách hàng. 
Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nam Định xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước sạch nông thôn.
Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nam Định xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước sạch nông thôn.
Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 1238/QĐ-UBND ngày 18-6-2009 và Quyết định số 2712/QĐ-UBND ngày 24-11-2016 của UBND tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nam Định tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, phân tích chất lượng nước của các trạm cấp nước với tần suất 1 lần/tháng. Để công tác kiểm tra, phân tích đạt chất lượng cao, Trung tâm bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy trình, quy chuẩn theo quy định. Tiêu chuẩn giám sát chất lượng nước bao gồm 15 chỉ tiêu mức độ giám sát A theo QCVN01:2009/BYT ban hành kèm theo Thông tư 04/2009/TT-BYT ngày 17-6-2009 của Bộ Y tế. Trong đó có 13 chỉ tiêu lý hóa (màu sắc, mùi vị, độ đục, pH, độ cứng, hàm lượng Clorua, hàm lượng sắt tổng số, hàm lượng mangan tổng số, hàm lượng Nitrat, hàm lượng Nitrit, hàm lượng Sunphat, chỉ số Pecmanganat, Clo dư và 2 chỉ tiêu vi sinh (Coliform tổng, E.coli). Việc lấy mẫu, kiểm tra, phân tích chất lượng nước tại mỗi trạm cấp nước được Trung tâm áp dụng theo quy trình: Lấy mẫu nước thành phẩm để kiểm tra 2 chỉ tiêu chất lượng nước là độ đục và Clo dư tại khu vực xử lý của trạm cấp nước; lấy mẫu nước đưa về phân tích tại phòng thí nghiệm của Trung tâm đối với 13 chỉ tiêu còn lại. Bên cạnh đó, Trung tâm còn lấy mẫu tại hộ gia đình bất kỳ để kiểm tra 2 chỉ tiêu là độ đục và Clo dư nhằm theo dõi những biến động về chất lượng nước từ nguồn cấp (trạm cấp nước) đến nơi sử dụng (hộ gia đình). Trường hợp chất lượng nước có những biến động lớn có thể khẳng định do sự cố, hư hỏng trên mạng đường ống cấp nước, yêu cầu đơn vị quản lý cần phải kịp thời sửa chữa, khắc phục. Để thu được kết quả kiểm tra, phân tích chất lượng nước thực tế khách quan nhất, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm luôn thực hiện theo hình thức kiểm tra đột xuất, lịch trình thực hiện không thông báo trước cho các trạm cấp nước. Nhờ chủ động quản lý đồng bộ, chặt chẽ, nên các trạm cấp nước hoạt động kém hiệu quả, không bảo đảm yêu cầu cấp nước sạch bền vững cho người dân nông thôn đã được phát hiện và ráo riết chỉ đạo, yêu cầu khẩn trương khắc phục, bảo đảm chất lượng nguồn nước cho người dân. Trong những tháng cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng một số trạm cấp nước lấy nước thô từ nguồn nước sông nhỏ, sông nội đồng đang chịu nhiều tác động ô nhiễm làm nguyên liệu xử lý cấp nước sinh hoạt nên chất lượng nước cấp cho người dân sử dụng không đảm bảo. Căn cứ kết quả phân tích chất lượng nước của các trạm cấp nước tập trung, Trung tâm đã đề nghị các đơn vị trực tiếp quản lý các đơn vị cấp nước nông thôn tăng cường chỉ đạo công nhân kỹ thuật làm nhiệm vụ vận hành các trạm cấp nước thực hiện nghiêm quy trình vận hành, sản xuất, cung cấp nước sạch, đặc biệt là điều chỉnh hàm lượng các hóa chất xử lý nước sử dụng trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng nước.
 
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nước sạch, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ các công trình cấp nước sạch đã đầu tư trước đó và đưa ra phương hướng giải quyết nhằm bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của nhân dân. Từ thực tế những công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả thời gian qua đa phần là những công trình nhỏ, quy định về quản lý, vận hành chưa chặt chẽ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương lựa chọn, bàn giao cho các đơn vị có đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính để quản lý vận hành, ưu tiên bàn giao cho các doanh nghiệp có tổ chức, năng lực quản lý khai thác các công trình cấp nước. Ngay trong tháng 1-2017, UBND tỉnh đã có quyết định giao công trình cấp nước sạch xã Nam Tiến (Nam Trực) cho Cty CP Đầu tư xây dựng Vietcom; công trình cấp nước sạch xã Xuân Thượng (Xuân Trường) và công trình cấp nước HTX Hồng Tiến, xã Nam Tiến (Nam Trực) cho Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Định; công trình cấp nước sạch xã Xuân Trung (Xuân Trường) cho Cty TNHH Nước sạch Hoàng Gia;… Các Cty nhận bàn giao công trình phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền xây dựng công trình được bàn giao; tiếp nhận quản lý, sử dụng và khai thác công trình theo quy định; phải áp giá bán nước sạch không cao hơn mức quy định của UBND tỉnh. Nhằm tăng số người được sử dụng nước sạch, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố thời gian tới tập trung xây dựng các công trình cấp nước với quy mô lớn, quy mô cụm xã, liên xã, liên vùng… để thuận tiện cho quản lý và giảm chi phí. Đối với khu vực gần các nhà máy cấp nước có quy mô, công suất lớn, có tiềm năng nâng cấp cần tận dụng để xây dựng, mở rộng mạng đường ống cấp nước cho người dân các địa bàn lân cận. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng dân cư nông thôn trong việc sử dụng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com