Nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến sứa

08:02, 27/02/2017
Tỉnh ta có 72km bờ biển với nguồn hải sản dồi dào, đặc biệt loài sứa có sản lượng khá lớn. Hàng chục năm qua, loài sinh vật này đã tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều ngư dân. Vào thời điểm từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm, người dân các khu vực ven biển lại háo hức, rộn ràng bước vào mùa khai thác sứa. 
Kiểm tra độ mặn của sứa tại cơ sở của ông Trần Trung Trực, xã Giao Hải (Giao Thủy).  Bài và ảnh: Thanh Hoa
Kiểm tra độ mặn của sứa tại cơ sở của ông Trần Trung Trực, xã Giao Hải (Giao Thủy). 
Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT), trung bình hằng năm, sản lượng khai thác sứa trên địa bàn tỉnh ước đạt từ 15-18 nghìn tấn. Cùng với đó, nghề sơ chế, chế biến sứa biển cũng phát triển theo. Hiện tại, toàn tỉnh có 30 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sứa đã đăng ký kiểm tra thường kỳ. Trong đó, có 27 cơ sở được Chi cục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Có 18 cơ sở thu mua, sơ chế (sứa ướp muối phèn) chỉ hoạt động từ khoảng tháng 1 đến tháng 6; 4 cơ sở vừa thu mua, sơ chế sứa vừa chế biến sứa ăn liền và 8 cơ sở chế biến sứa ăn liền hoạt động quanh năm. Sứa biển là loại thực phẩm giàu vitamin và dưỡng chất, có nhiều công dụng như làm mát gan, tốt cho hệ tiêu hóa. Hơn nữa sứa biển cũng rất dễ ăn, dễ sử dụng và chế biến được thành nhiều món ăn khác nhau nên không chỉ tiêu thụ nội địa mà nhiều doanh nghiệp cơ sở thu mua, sơ chế sứa tươi còn tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc. Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nước mắm, mắm tôm và sứa biển ăn liền. Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc Cty cho biết: “Trung bình mỗi năm Cty thu mua 3.000-4.000 tấn sứa của người dân khai thác về tại cảng cá Ninh Cơ và chế biến khoảng 500 tấn sứa thành phẩm. Cty đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận là cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm”. Ông Thịnh cho biết thêm: quá trình chế biến sứa biển có sử dụng các phụ gia như dấm, đường, muối, đều được Cty mua của những nhà cung cấp uy tín, không sử dụng phụ gia trôi nổi, chất lượng kém. Ngoài ra, Cty cũng không ngừng đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong chế biến sứa và thực hiện đúng những hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Một đơn vị khác là Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cũng là một trong những cơ sở sơ chế, chế biến sứa được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những con sứa trắng hồng, tươi ngon được Cty thu mua trực tiếp ngay khi ngư dân khai thác về, sau đó tiến hành sơ chế làm sạch ngay, loại bỏ tạp chất, nội tạng, nhớt và ngâm kỹ trong nước sạch, rồi đảo qua nước sôi mới có thể được đưa vào chế biến với muối, phèn cùng các loại gia vị như đường, gừng, tỏi… và đóng hộp. Với thị trường tiêu thụ là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… mỗi năm Cty sản xuất được khoảng 40-50 tấn sứa thành phẩm. Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Cty TNHH Vạn Hoa cho biết: “Cả năm, đến mùa sứa là vất vả nhất, nhưng cũng vui nhất. Công nhân ra vào nhộn nhịp, luôn chân luôn tay. Thu mua, phân loại, cắt, ngâm muối, đóng hộp… Nhìn thì đơn giản nhưng công đoạn nào cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ vì sai một li là đi một dặm. Chữ “tín” luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu”. Không chỉ Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Cty TNHH Vạn Hoa mà nhiều cơ sở khác cũng đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất chế biến hải sản nói chung, các sản phẩm từ sứa nói riêng, chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, mạnh dạn đầu tư đổi mới nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết bị phục vụ sản xuất. Một số cơ sở đã chú trọng nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường như cơ sở của các ông: Ngô Văn Ruệ, xã Giao Xuân (Giao Thủy); Nguyễn Văn Tụng, xã Hải Đông (Hải Hậu); Đỗ Chí Công, xã Hải Lý (Hải Hậu)…
 
Khai thác, sơ chế, chế biến sứa đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân, góp phần tăng nguồn thu cho xã hội. Để đảm bảo tính bền vững của nghề khai thác, chế biến sứa, Sở NN và PTNT đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; rà soát, vận động để các cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm trong thu mua, sơ chế, chế biến, đặc biệt là sử dụng vật tư, phụ gia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nằm trong danh mục được phép sử dụng để chế biến thực phẩm của Bộ NN và PTNT. Chủ các cơ sở cũng cần tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký áp dụng quy phạm sản xuất tốt (GMP), quy phạm vệ sinh chuẩn (SSOP) đối với sản xuất sản phẩm sứa ăn liền do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng khuyến khích ngư dân chuyển đổi, đầu tư ngư cụ để khai thác sứa đạt hiệu quả, năng suất cao; khuyến khích mở rộng cơ sở sơ chế, chế biến sứa nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm sứa, tạo nguồn thu ổn định cho người dân./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com