Làm giàu từ nghề hàng giang ở Xuân Trung

07:02, 23/02/2017

“Nghề sông nước đã gắn bó với người dân quê tôi lâu lắm rồi, khó có thể biết chính xác được! Chỉ biết rằng từ thời cụ thân sinh ra bố tôi, rồi bố tôi và tôi đều gắn bó với nghề này. Từ thuở sơ khai là những chiếc thuyền nan - thuyền chài đánh bắt cá tôm dọc bãi sông Ninh Cơ đến các loại thuyền buồm, thuyền xi măng lưới thép gắn máy và đến nay là những chiếc tàu vận tải hiện đại, tải trọng đến 3.000 tấn chạy pha sông biển…”. Đó là tâm sự của ông Trần Hữu Biên, năm nay bước sang tuổi 65, người đã có cả cuộc đời gắn bó với những chiếc thuyền, tàu vận tải thủy ở xóm 5, xã Xuân Trung (Xuân Trường).

Một góc xã Xuân Trung.
Một góc xã Xuân Trung.

Nằm liền kề các xã Xuân Phương, Xuân Ngọc, Thị trấn Xuân Trường, Xuân Trung là xã nội địa nhưng lại có yếu tố để nghề vận tải thủy hình thành và phát triển là trên địa bàn xã có sông Mã (một nhánh của sông Sò) và sông Cát Xuyên (nhánh của sông Ninh Cơ) chảy qua. Vì thế, từ rất lâu rồi, người dân xã Xuân Trung đã gắn bó với nghề sông nước. Thời điểm nông nhàn, nhân dân trong xã sử dụng những chiếc thuyền nan thô sơ (thường gọi là thuyền chài) chèo tay đi đánh bắt tôm cá dọc các triền sông và ra cả sông Sò, sông Ninh Cơ để giao thương hàng hóa. “Máu” thương mại vốn có trong con người Xuân Trung đã giúp cho nghề sông nước từ chỗ chỉ đơn thuần là dùng thuyền nan đánh bắt tôm cá đã dần phát triển thành nghề vận tải thủy nội địa bằng thuyền buồm. Thời kỳ Pháp thuộc, ở xã Xuân Trung đã có đội thuyền của các cụ Trần Đức Huấn (thường gọi là cụ Hương Huấn); Phạm Văn Đoàn (thường gọi là Mần) với hàng chục “ngọn cột” (thuyền buồm) tải trọng từ 5-7 tấn ngược xuôi khắp các vùng sông nước để chuyên chở các loại sản vật nông nghiệp đi giao thương trao đổi hàng hóa với các địa phương xung quanh và mang các đặc sản, đồ dùng sinh hoạt (đồ gốm, muối, tơ lụa…) ở nơi đó về cung ứng cho nhân dân địa phương. Mỗi chuyến, ngoài chủ thuyền còn thường xuyên phải có 4-5 thanh niên khỏe mạnh, đảm nhiệm các việc vận chuyển, bốc dỡ, bảo vệ hàng hóa, những khi thuyền ngược nước, ngược gió hoặc gặp khúc sông “nghịch” (nông, nhiều gò, bãi) thì lấy sức người thay sức nước, sức gió mà kéo thuyền. Đến những năm 1960 của thế kỷ trước, riêng xã Xuân Trung đã hình thành 2 HTX vận tải thủy là Quang Trung (thành lập năm 1961, có 32 phương tiện với tổng tải trọng 707 tấn, thu hút 190 lao động) và Trường Xuân (thành lập năm 1963, có 84 phương tiện tải trọng từ 6 tấn trở lên, gồm 120 hộ và 540 lao động). Ngày ấy, phương tiện của 2 HTX vận tải trong xã là thuyền gỗ sử dụng 2 cột buồm (buồm lòng và buồm cạnh) chuyên chở các loại nông sản, vật liệu xây dựng, muối, vật tư nông nghiệp… lên Thành phố Nam Định và ngược lại. Mỗi thuyền ít nhất phải có từ 3-4 lao động thường xuyên, khi gió to, thuận nước giong buồm cạnh (buồm bé); khi gió lặng giong buồm lòng, còn nếu ngược nước thì hạ buồm đợi gió hoặc phải sử dụng sức người kéo thuyền. Vì thế, mỗi chuyến đi thuyền phải mất từ 3-4 ngày, thậm chí cả tuần và mỗi tháng chỉ đi được vài chuyến. Cũng trong thời gian này, xã Xuân Trung còn thành lập thêm HTX Thủ công đóng thuyền (gồm 26 xã viên) với nhiệm vụ sửa chữa, đóng mới thuyền phục vụ nhu cầu vận tải của các HTX và cả huyện Xuân Thủy (cũ). Thời kỳ chống Mỹ, cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền, ngoài nhiệm vụ vận tải hàng hóa vật tư phục vụ đời sống, sản xuất ở miền Bắc, các HTX vận tải của xã Xuân Trung còn tham gia vận tải lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm cần thiết vào Thanh Hóa để chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, những chiếc thuyền buồm cũ kỹ được thay thế bằng thuyền xi măng lưới thép lắp máy loại 15-20CV. Nhờ đó, tải trọng của các thuyền đã được nâng lên đến 40-50 tấn. Nhờ có máy móc hỗ trợ, sức lao động được giải phóng, hiệu quả kinh tế và năng suất được nâng lên, đội thuyền vận tải của xã vẫn được duy trì với số lượng trên 100 phương tiện. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, những chiếc thuyền xi măng được thay thế bằng thuyền sắt, lắp máy công suất lớn hơn, tải trọng mỗi tàu cũng được nâng lên từ 70-100 tấn.

Đến những năm 1990 của thế kỷ trước, mô hình HTX kiểu cũ hoàn thành sứ mệnh lịch sử và giải thể. Hàng trăm hộ dân của xã Xuân Trung được chia cổ phần bằng tiền và phương tiện. Cộng với đó là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đã là “đòn bẩy” quan trọng cho dịch vụ vận tải thủy của xã Xuân Trung phát triển mạnh. Được “cởi trói” khỏi cơ chế quản lý tập thể cào bằng lạc hậu, nhiều chủ tàu đã tận dụng tốt ưu thế kinh nghiệm, phát huy được tính năng động nhạy bén thương trường của mình để thích nghi với cơ chế làm ăn mới. Tàu nhỏ đã được thay bằng tàu lớn pha sông biển với tải trọng từ 300 đến 3.000 tấn. Do lượng hàng hóa lớn, tải trọng gấp nhiều lần thuyền nhỏ nên mỗi tàu vận tải của xã Xuân Trung vẫn có từ 5-7 lao động/tàu. Nhận thấy cơ hội phát triển từ hướng làm ăn mới, lại thêm ngành vận tải thủy có nhiều ưu thế so với vận tải bộ (lượng hàng hóa vận chuyển lớn, an toàn, hiệu quả kinh tế cao), nhu cầu giao thương hàng hóa trong tỉnh, trong vùng và cả nước ngày một phát triển, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn huy động mọi nguồn lực đầu tư đóng mới các tàu vận tải có tải trọng lên đến hàng nghìn tấn để đáp ứng nhu cầu của chủ hàng. Tàu lớn được đóng ở các địa phương trong tỉnh như: Xuân Trường, Thành phố Nam Định và cả ở Thành phố Hải Phòng. Từ sông Mã, sông Cát Xuyên quê hương, đội thuyền của xã Xuân Trung bắt đầu vươn ra những vùng sông nước trên khắp mọi miền đất nước. Từ 1-2 chiếc thuyền máy ban đầu, nhiều hộ trong xã như các ông Trần Phú Thành, xóm 9 đã có đội tàu vận tải pha sông biển lên đến 20 chiếc (trong đó có 6 tàu biển tải trọng đến 3.000 tấn/tàu), tạo việc làm cho gần 150 lao động với mức thu nhập thấp nhất 5 triệu đồng/người/tháng; ông Trần Văn Khơi có đội tàu vận tải biển 20 chiếc với tải trọng từ 1.000 tấn. Bên cạnh đội tàu vận tải hùng hậu, nhiều con em của các xã viên HTX vận tải năm xưa đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phát triển nghề đóng tàu như các ông: Trần Đức Hoằng, Giám đốc Cty CP Hoàng Vinh, CCN Đóng tàu Thị trấn Xuân Trường chuyên nhận đóng mới và sửa chữa các loại phương tiện vận tải thủy hoạt động trên vùng biển quốc tế có tải trọng tới 7.200 tấn theo Giấy phép của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GT-VT) cấp; Trần Đức Thanh, chủ cơ sở đóng tàu pha sông biển tại xã Xuân Châu… tạo việc làm cho trên 150 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Nghề hàng giang đã mang lại sự trù phú, ấm no cho vùng đất này. Về Xuân Trung hôm nay, đi đâu cũng thấy từng dãy nhà cao tầng, biệt thự hiện đại mái vòm, mái cong, đủ kiểu kiến trúc Âu, Á với trị giá từ vài tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng đang mọc lên san sát. Nhưng đó mới là một phần của sự trù phú. Trên 300 phương tiện vận tải thủy pha sông biển của người dân xã Xuân Trung trị giá hàng trăm tỷ đồng đang xuôi ngược trên khắp các tuyến đường sông, tuyến ven biển nội địa, thậm chí cả vùng biển Đông Nam Á… Không chỉ giúp người dân làm giàu, nghề vận tải thủy đã góp phần quan trọng để xã Xuân Trung thực hiện và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM từ năm 2015; đến năm 2016, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt gần 40 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com