Nam Thanh (Nam Trực) từ lâu được xem là “xã nghề” phát triển với nhiều ngành nghề như: cơ khí; dệt, thổi thủy tinh… Xã có 3 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận là: làng cơ khí đúc Bình Yên, sản xuất các loại đồ dùng sinh hoạt từ nguyên liệu nhôm; làng dệt Trung Thắng với sản phẩm khăn các loại và làng Xối Chì, sản xuất các sản phẩm từ thủy tinh. Ngoài ra, những năm gần đây xã Nam Thanh còn phát triển thêm một số nghề mới như: chế biến và sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng; may công nghiệp, cơ khí nhỏ…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: từ năm 1978, xã Nam Thanh hình thành trên cơ sở hợp nhất 2 xã Nam Ninh và Nam Long. Hiện nay, toàn xã có trên 13 nghìn nhân khẩu thuộc 23 đơn vị thôn, xóm; trong đó có 3 thôn có nghề truyền thống. Trong số các nghề truyền thống, nghề cơ khí của thôn Bình Yên phát triển mạnh, thu hút khoảng 300 hộ (trên tổng số 500 hộ) tham gia, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động (lao động địa phương có khoảng 500-600 người). Trong số các hộ tham gia sản xuất có 34 hộ chuyên cô đúc nhôm nguyên liệu; 55 hộ cô đúc nhôm từ các nguồn phế thải (vỏ lon, phế thải của các hộ cô đúc nhôm nguyên liệu); các hộ còn lại tham gia gia công các công đoạn để sản xuất ra các loại đồ gia dụng như: nồi, xoong, ấm, chảo… Gần 30 năm trở lại đây, nghề cơ khí phát triển mạnh, nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư các loại máy: cán nhôm, định hình khuôn, khay; máy mài, máy đánh bóng… thay thế sản xuất thủ công. Ước tính, trên 60% các công đoạn sản xuất tại làng nghề Bình Yên đã được máy móc thay thế. Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên, chất lượng sản phẩm đảm bảo nên bình quân thu nhập của lao động cũng đạt từ 200 nghìn đồng/người/ngày trở lên. Nghề dệt truyền thống ở làng Trung Thắng hiện vẫn còn khoảng 50 khung dệt cải tiến, trong đó có trên 20 khung sản xuất thường xuyên. Trước đây mỗi khung dệt phải có 1 lao động liên tục thao tác thì nay 1 người có thể đứng 2 máy dệt; người có kinh nghiệm, tay nghề tốt có thể đảm nhiệm đến 3 máy liên hoàn mà vẫn đảm bảo công suất, chất lượng. Mỗi ngày, một khung dệt sản xuất được từ 700-1.000 sản phẩm, giá trị ngày công bình quân đạt 80-100 nghìn đồng/ngày. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất và sản phẩm được HTX Dệt may Tiến Sơn, ở thôn Thượng Lao trong xã nhận cung ứng và bao tiêu. Nghề thổi thủy tinh truyền thống ở thôn Xối Chì hiện còn 4-5 hộ sản xuất, mỗi hộ thu hút từ 4-5 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 250-300 nghìn đồng/người/ngày. Các nghề khác như: chế biến và sản xuất đồ gỗ, cơ khí… vẫn được duy trì quy mô sản xuất góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Nam Thanh. Mỗi năm, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của xã thường đạt từ 90-100 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% trong cơ cấu kinh tế toàn xã.
|
Sản phẩm nhôm gia dụng sản xuất tại làng nghề truyền thống Bình Yên, xã Nam Thanh. |
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, quá trình phát triển sản xuất CN-TTCN ở Nam Thanh đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết là tình trạng ô nhiễm môi trường (không khí, nước thải, tiếng ồn). Theo tính toán của UBND xã, mỗi tháng, các hộ sản xuất trong làng nghề Bình Yên thải ra khoảng 77-80 tấn rác thải công nghiệp. Toàn xã có gần 300 cơ sở sản xuất, hộ cá thể tận dụng diện tích sân vườn, khu nhà ở làm xưởng sản xuất. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và ở lẫn trong khu dân cư, diện tích chật hẹp nên tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường sống của cả làng. Gây ô nhiễm nhất là nguồn thải của 55 hộ tái chế nhôm từ phế thải thường gọi là “bã” thải của 34 hộ cô đúc nhôm dát vuông và các loại vỏ lon. Bên cạnh đó, do diện tích sản xuất chật hẹp, không chú trọng công tác vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động nên trong các xưởng sản xuất còn để nguyên vật liệu, sản phẩm bừa bãi, lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong lúc làm việc. Kết quả kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, nồng độ các loại hóa chất độc hại trong nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn trên địa bàn đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những người trực tiếp sản xuất. Để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, từ tháng 7-2015, UBND xã đã thành lập tổ thu gom rác thải công nghiệp và hợp đồng với đơn vị xử lý nằm ở tỉnh ngoài (Hải Dương). Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, phương thức này đang tạm dừng vì các hộ sản xuất không nộp tiền, xã không có kinh phí để đưa số rác thải đã thu gom đi xử lý. Ngoài ra, việc tổ chức, liên kết sản xuất ở làng nghề chưa tốt dẫn đến tình trạng có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng loại mặt hàng nên có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay trong làng nghề. Tình hình ô nhiễm tương tự cũng xảy ra đối với nghề thổi thủy tinh ở thôn Xối Chì. Thời điểm cực thịnh (những năm 80, 90 của thế kỷ trước), cả thôn có đến 60% số hộ tham gia làm nghề thì hiện nay chỉ trụ được 4-5 hộ. Lao động làm nghề thường xuyên phải đối mặt với các loại ô nhiễm như khói, bụi, nhiệt. Do các công đoạn sản xuất hoàn toàn thủ công; chi phí sản xuất cao, nhất là công đoạn đắp lò nấu thủy tinh trị giá từ 100-200 triệu đồng/lò… đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Không gây ô nhiễm môi trường trầm trọng như các nghề cơ khí, thổi thủy tinh nhưng nghề dệt truyền thống ở thôn Trung Thắng lại đang phải đối mặt với các vấn đề: công nghệ sản xuất lạc hậu (khung dệt toàn là khung thủ công truyền thống lắp thêm mô tơ để sản xuất); thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận để làm nghề. Vì thế, số lượng khung dệt và số lao động của nghề dệt truyền thống của địa phương đang giảm mạnh qua từng năm.
Để sản xuất CN-TTCN ở Nam Thanh phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần có các biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất và người lao động về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng cường hợp tác, chống cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ làng nghề. Chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực hơn, đề xuất, phối hợp với ngành chức năng và thực hiện xã hội hóa để đầu tư khu xử lý chất thải công nghiệp, tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung ra ngoài khu dân cư. Các cấp và các ngành chức năng cần hỗ trợ địa phương nghiên cứu, sắp xếp lại sản xuất hợp lý, đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất; tư vấn các giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả./.
Bài và ảnh:
Thành Trung