Đã hơn 20 năm gắn bó với đồng ruộng trên các cương vị từ cán bộ HTX, rồi Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (SXKD DVNN) Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) ông Nguyễn Xuân Điến vẫn luôn trăn trở và tìm cách nâng cao đời sống xã viên, thúc đẩy sự phát triển của HTX và luôn được người dân gọi một cách trìu mến là “ông chủ nhiệm”.
Thu hoạch lúa mùa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng của HTX Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng). |
Chúng tôi về HTX Đại Thắng khi HTX vừa gặt xong vụ lúa mùa. Nhìn trên khắp các cánh đồng do HTX quản lý, những chiếc máy gặt nối nhau thu hoạch lúa mùa cho thành viên. Vụ lúa mùa năm 2016, theo đánh giá của “ông chủ nhiệm” và bà con xã viên thì so với nhiều địa phương ở trong tỉnh, người dân quê ông được mùa bội thu. Trong khi nhiều cánh đồng ở các địa phương khác, năng suất lúa Bắc thơm số 7 chỉ đạt từ 1,4-1,5 tạ/sào thì ở các cánh đồng của HTX Đại Thắng, năng suất bình quân đạt 1,8 tạ/sào, cao hơn so với bình quân chung toàn tỉnh. Nguyên nhân là từ nhiều năm nay, bà con xã viên HTX luôn tuân thủ đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ HTX, mà đứng đầu là “ông chủ nhiệm” Nguyễn Xuân Điến đã tuyên truyền, vận động bà con xã viên áp dụng biện pháp canh tác gieo sạ hàng ở cả 2 vụ xuân và vụ mùa. Đây cũng là HTX đầu tiên trong toàn tỉnh áp dụng thí điểm gieo sạ hàng trên toàn bộ 100% diện tích gieo cấy (145ha). Đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, bản thân ông đã trực tiếp làm và tổ chức đưa vào xây dựng 21 mô hình sản xuất mới, trong đó nhiều mô hình đã được tổng kết, rút kinh nghiệm và đưa vào vận dụng tại HTX và một số địa phương khác. Từ thực tế hoạt động sản xuất nông nghiệp, ông luôn trăn trở làm thế nào chuyển đổi tập quán canh tác, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa trên diện rộng, giảm chi phí, tăng thu nhập, khẳng định được hiệu quả kinh tế tập thể. Trong khi đó tại xã Nghĩa Thịnh và các địa phương khác trong và ngoài huyện đã có đơn vị, có hộ nông dân đã đưa gieo thẳng vào sản xuất, nhưng do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả không cao, không nhân ra được diện rộng và mai một dần… Từ những suy nghĩ, trăn trở trên, ông đã quyết tâm tìm tòi học hỏi kỹ thuật và phương pháp gieo thẳng, rút kinh nghiệm từ những người làm trước nhưng chưa thành công, kể cả kết hợp vào đồng bằng sông Cửu Long để tham quan, học tập kinh nghiệm. Để làm gương cho xã viên, ông động viên gia đình ngay từ vụ mùa 2010 áp dụng gieo thẳng trên diện tích 3 sào ruộng của nhà mình (trong vùng giữ nước cấy lúa đại trà của HTX). Vụ mùa đó đã làm cho gia đình ông gặp nhiều khó khăn song với quyết tâm vừa làm, vừa học, ghi chép tỉ mỉ, cập nhật thông tin, đúc rút kinh nghiệm… Kết quả đã không phụ công ông. Trước sự chứng kiến đến “ngỡ ngàng” của cán bộ và xã viên, khi thu hoạch giống lúa Khang dân ở 3 sào ruộng này đạt năng suất 2,5 tạ/sào, cân đối giảm chi phí, thu nhập cao hơn. Từ vụ xuân 2011 đến nay, ông đã tiếp tục vận động cán bộ ban quản lý HTX, thôn, đội và nơi mình đang sinh hoạt, khoanh vùng mạnh dạn áp dụng gieo sạ hàng 37,5ha. Bên cạnh đó, ông trực tiếp soạn quy trình kỹ thuật chăm sóc phát đến từng hộ xã viên. Trong đó, nhiều vụ lúa gặp dịp rét hại kéo dài, trên các cánh đồng gieo cấy theo phương pháp truyền thống, lúa hầu như bị chết rét nhưng trên cánh đồng lúa gieo sạ hàng của gia đình ông và các hộ xã viên không bị ảnh hưởng nhiều. Xã viên HTX có thể tỉa mạ bán cho các hộ có nhu cầu ở trong và ngoài huyện (thu nhập lần 1 do bán mạ toàn HTX đạt gần 1 tỷ đồng). Năng suất lúa cuối vụ vẫn tăng hơn so với gieo cấy theo cách truyền thống. Không dừng lại vụ mùa, “ông chủ nhiệm” lại tiếp tục thuyết phục vận động gieo thẳng trên 37,5ha của vụ xuân và nhân rộng toàn bộ diện tích của HTX. Nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trên các cánh đồng do HTX quản lý lại giành kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi nhất là sau khi đã dồn điền đổi thửa từ 4-5 mảnh nay còn 1,5 thửa/hộ, đồng ruộng, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được quy hoạch đã và đang được nâng cấp chỉnh trang nhờ chương trình xây dựng NTM. Với những thắng lợi đó, ông mạnh dạn đăng ký với huyện và Sở NN và PTNT xây dựng cánh đồng mẫu lớn với 100ha gieo thẳng cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác, kết hợp đưa cơ giới hóa toàn bộ khâu làm đất và thu hoạch. Qua tuyên truyền, vận động đã thực hiện được phương châm “1 phải, 5 giảm”. Đó là “phải dùng giống xác nhận, giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm tưới nước và giảm tổn thất sau thu hoạch”. Nhờ đó năng suất lúa bình quân của HTX đạt 203kg/sào với giống lúa Bắc thơm số 7 (tương đương 56,4 tạ/ha) ở vụ mùa. Tổng thu nhập vụ xuân đạt 53,570 triệu đồng, cao hơn 9-10% so với gieo cấy theo phương pháp truyền thống.
Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, chủ nhiệm Nguyễn Xuân Điến đã góp một phần vào chuyển đổi tập quán canh tác gieo mạ cấy từ bao đời nay sang hẳn phương pháp gieo thẳng mang lại thu nhập khá cho các thành viên HTX. Vì vậy mặc dù giá lúa còn bấp bênh thu nhập của người trồng lúa chưa cao nhưng ở địa phương chưa có hiện tượng bỏ ruộng không canh tác mà nông dân vẫn tìm mọi cách tích tụ ruộng đất, liên doanh, liên kết sản xuất lúa hàng hóa theo chuỗi khép kín gắn liền với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế hộ, khẳng định vai trò kinh tế tập thể. Với “bàn tay chèo lái con thuyền” HTX của “ông chủ nhiệm” Nguyễn Xuân Điến, hiện nay, HTX Đại Thắng đang tích cực triển khai các dịch vụ: khuyến nông, thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, bảo vệ cây trồng, làm đất bằng máy, đánh chuột, máy gặt. Ngoài ra, HTX còn tổ chức cung ứng giống, vật tư nông nghiệp như: giống lúa chất lượng cao, phân bón góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên HTX, hỗ trợ xã viên đưa phong trào gieo sạ hàng thành tập quán sản xuất mới với năng suất, chất lượng cao./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn