Chống gian lận thương mại hiện nay là một “cuộc chiến” rất gian nan do tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu diễn biến phức tạp, hàng hóa vi phạm rất đa dạng, tập trung vào các mặt hàng thuốc lá, rượu, hàng may mặc, hàng gia dụng, mỹ phẩm, đồ điện, điện tử… Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, liều lĩnh chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện; khi bị xử lý hành chính thì có thái độ chây ỳ, bất hợp tác, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Trong khi đó nhiều quy định pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chống gian lận thương mại vẫn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại của lực lượng quản lý thị trường (QLTT).
Thực hiện sự chỉ đạo thống nhất trên phạm vi toàn quốc của Ban chỉ đạo 389/TW và chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh về công tác QLTT trên địa bàn, ngay từ đầu năm, Chi cục QLTT đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều biện pháp mang lại hiệu quả cao. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xác định đúng tuyến, đúng đối tượng, địa bàn và mặt hàng trọng điểm, làm tốt các công tác nghiệp vụ trinh sát, nhân mối, mua tin, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác vi phạm, kịp thời tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý đúng quy định của pháp luật. Kết quả, trong 10 tháng đầu năm, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 3.055 lượt, phát hiện 1.440 vụ vi phạm, phạt hành chính và thu giữ hàng hóa với tổng số tiền 3 tỷ 720 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá 652,62 triệu đồng. Trong đó, có 23 vụ sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu; 71 vụ hàng giả; 64 vụ vi phạm về giá và hơn 700 vụ vi phạm các điều kiện kinh doanh cũng như các sai phạm khác... Tuy số vụ vi phạm giảm so với cùng kỳ năm 2015 nhưng tính chất các vụ vi phạm diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi; lượng hàng hóa vi phạm nhiều hơn và tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng nhanh, có giá trị lợi nhuận lớn như: thực phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, hàng điện máy, điện lạnh, rượu ngoại, đồ điện, điện tử... Trong đó, nổi lên một số vụ đáng chú ý như: Ngày 1-9-2016, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nam Định) kiểm tra và bắt giữ xe ô tô mang BKS 17C-05734 vận chuyển 1,2 tấn mứt bí, mứt dừa đang trên đường từ Thái Bình về tiêu thụ tại Nam Định. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng và có nhiều biểu hiện gian lận thương mại. Đối tượng khai nhận số hàng hóa trên dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh kẹo và đóng gói thành phẩm tiêu thụ trên thị trường. Lực lượng chức năng đã tịch thu toàn bộ số hàng hóa trên và phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu hàng hóa gửi về Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia (Viện Công nghệ thực phẩm) để kiểm tra các chỉ tiêu hóa, lý và tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng QLTT vẫn còn gặp một số vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh chống gian lận thương mại như: Việc xác định thẩm quyền xử phạt theo các Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi… quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng QLTT còn chung chung (thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý), vì vậy gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Hay đối với một số mặt hàng như phân bón thì Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ không quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt cho cơ quan QLTT, chỉ có thanh tra Sở NN và PTNT hoặc thanh tra chuyên ngành mới có thẩm quyền xử phạt. Điều này gây khó khăn cho lực lượng QLTT trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi gian lận thương mại đối với nhóm hàng hóa này. Đối với mặt hàng vàng trang sức, theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định xử phạt hành vi sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa, nhưng tại Điều 51 nghị định này không quy định thẩm quyền xử phạt cho lực lượng QLTT. Do đó, khi phát hiện vi phạm trong khâu sản xuất, lực lượng QLTT cũng không xử phạt được. Không có hướng dẫn cụ thể về xác định giá trị hàng cấm kinh doanh như pháo nổ, các chất kích thích, động vật hoang dã... để xác định thẩm quyền tịch thu hàng hóa, khởi tố hình sự, do đó lực lượng QLTT chỉ có thể tự định giá theo khảo sát trên thị trường và thông qua người tiêu dùng. Đối với kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa, theo quy định của pháp luật thì cơ quan phát hiện hàng hóa nghi vi phạm phải lấy mẫu giám định để kết luận có sai phạm hay không làm cơ sở cho việc xử lý tiếp theo (không được phép tạm giữ hàng hóa trong thời gian chờ kết quả giám định. Do cơ quan QLTT địa phương không có phương tiện, thiết bị giám định phải gửi mẫu đến các cơ quan chuyên môn nên thời gian chờ đợi thường kéo dài dẫn đến khi có kết quả kiểm nghiệm thì hàng hóa vi phạm có thể đã được tiêu thụ hết(!). Hay như quy định phạt hàng hóa hết hạn sử dụng có khung phạt khởi điểm là 5 triệu đồng là mức phạt khá cao, khó thực thi, nhất là đối với những người kinh doanh ít vốn...
Để công tác chống gian lận thương mại ngày càng đạt hiệu quả cao và tháo gỡ khó khăn cho lực lượng QLTT trong xử phạt vi phạm, Chi cục QLTT đã kiến nghị Cục QLTT, Bộ Thương mại và Chính phủ nghiên cứu bổ sung, hoặc sửa đổi, hướng dẫn cụ thể quy định “xử phạt theo giá trị hàng hóa trên thị trường”, nhằm bảo đảm tính xác thực và hợp lý để tạo điều kiện cho việc thực thi các quyết định xử phạt hành chính của lực lượng QLTT. Cục QLTT, Sở Công thương và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cần có kế hoạch đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ bảo đảm cho đội ngũ làm nhiệm vụ QLTT thật sự tinh thông nghiệp vụ, khả năng thẩm định, phát hiện xử lý những loại hàng giả, hàng kém chất lượng một cách chuẩn xác và đúng pháp luật./.
Nguyễn Hương