Nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi

03:08, 13/08/2016
Hoạt động khai thác, quản lý và điều tiết nước trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu dẫn đến khan hiếm nguồn nước ngọt và hạ tầng kỹ thuật hệ thống thủy lợi xuống cấp, gây thất thoát nước cũng như hao tổn điện năng trong quá trình vận hành thiết bị.  Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu cung ứng nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, thời gian qua, các Cty KTCTTL trên địa bàn đã tích cực nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm hợp lý hóa sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, giảm tiêu thụ điện năng trong quá trình vận hành máy móc thiết bị.
Điều khiển thiết bị điện vận hành trạm bơm máy tại Cty Nước sạch xã Yên Quang (Ý Yên).
Điều khiển thiết bị điện vận hành trạm bơm máy tại Cty Nước sạch xã Yên Quang (Ý Yên).
Trong tổng số 79 giải pháp được Hội đồng KHCN tỉnh đã xét duyệt trao giải sáng kiến cấp tỉnh năm 2015 có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực quản lý, khai thác và điều tiết nước. Tiêu biểu nhất là sáng kiến của các tác giả Trần Mạnh Đằng, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản; Nguyễn Thị Bích, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy và Trần Liêm, Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định. Tại huyện Vụ Bản, ý tưởng sáng kiến thiết kế thanh giằng chữ U ổn định kênh tưới của tác giả Trần Mạnh Đằng nảy sinh khi tuyến kênh tưới B19 dài gần 30km bị nứt, nhiều đoạn bị nghiêng, sạt lở hoàn toàn do các địa phương trên tuyến thi công đường giao thông ảnh hưởng đến khả năng cung ứng nước tưới cho 2.016ha lúa và rau màu các xã, thị trấn phía bắc huyện. Nếu xây lại tuyến kênh sẽ rất tốn kém tiền của lại không đảm bảo lịch thời vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất. Trước thực trạng đó, tác giả Trần Mạnh Đằng đã nghiên cứu, tìm ra giải pháp thiết kế thanh giằng chữ U gia cố kênh B19, khắc phục tình trạng kênh yếu, đổ gẫy do tác động mạnh như lu lèn đất hai bên bờ kênh. Theo đó, giằng được thiết kế hình chữ U bằng vật liệu bê tông cốt thép đúc sẵn, đặt úp toàn tuyến kênh tưới B19 với khoảng cách 5-10 m/thanh tùy tình trạng sụt lún tường kênh sao cho mặt đáy thanh giằng quay lên trên khít với mặt kênh, hai chân chữ U áp sát tường kè tới tận đáy kênh để chống lại lực tác động từ bên ngoài. Với 300 thanh giằng chữ U đã khắc phục cơ bản tình trạng nứt gãy, sụt lún toàn tuyến kênh tưới B19. Sáng tạo thiết kế thanh giằng chữ U đã tiết kiệm 94% chi phí so với việc phải xây dựng, sửa chữa lại tuyến kênh tưới mà lại không ảnh hưởng tiến độ phục vụ sản xuất. Từ hiệu quả của sáng kiến mang lại, Cty đã nhanh chóng nhân rộng cách làm này ra toàn hệ thống kênh tưới, kênh tiêu của Cty đề phòng hiện tượng tương tự xảy ra, làm lợi hàng tỷ đồng cho Nhà nước. Tại Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định, kỹ sư điện Trần Liêm nghiên cứu phương pháp bù công suất phản kháng, nâng cao hiệu suất làm việc của các máy bơm tại các trạm bơm Kênh Gia và Quán Chuột (TP Nam Định). Theo thiết kế ban đầu, mỗi khi vận hành máy biến áp của 10 máy bơm và điện sinh hoạt cho trạm bơm thường phát sinh một lượng điện năng tiêu hao cho công suất phản kháng. Trung bình mỗi tháng, khoản chi phí này là 7-8 triệu đồng. Nhằm tiết kiệm chi phí, kỹ sư Trần Liêm đã nghiên cứu cách lắp tụ bù vào lưới điện thay cho việc lắp ở tủ điều khiển cấp điện cho hệ thống thiết bị điện của đơn vị. Đồng thời lắp thêm bảng điều khiển tự động, các thiết bị phụ trợ ngay trong tụ bù và lập trình điều khiển ngắt lần lượt từng bình tụ theo một thời gian mặc định khi bơm ngừng hoạt động để tránh phát sinh nguồn điện do máy biến áp sinh ra khi các máy bơm không hoạt động. Phương án bù công suất phản kháng, nâng cao hiệu suất làm việc của các máy bơm hằng năm đã tiết kiệm cho Cty khoảng 80 triệu đồng do tiêu hao điện vô ích ở mỗi trạm bơm. Ngoài ra giải pháp này còn có tác dụng làm giảm tổn thất trên các thiết bị điện, đường truyền tải điện, nâng cao hiệu quả làm việc của các máy bơm và các thiết bị điện khác của Cty. Khi sáng kiến này được phổ biến, nhiều trạm bơm, các đơn vị vận hành, điều tiết nước trên toàn tỉnh đã tham khảo, áp dụng vào thực tế sản xuất của đơn vị mình. Tại Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy, tác giả Nguyễn Thị Bích đã nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian tưới tiêu nước áp dụng trên toàn hệ thống thủy nông Xuân Thủy. Một phần mềm quản lý quy trình điều tiết nước phục vụ sản xuất của từng vùng được xây dựng và ứng dụng thay thế cho phương pháp thủ công trước đây. Nhờ có giải pháp này mà Cty đã tiết kiệm được 3 tỷ đồng mỗi năm do đã hạn chế nhân công phục vụ điều tiết nước, tiết kiệm nước, chi phí vận hành thiết bị nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. 
 
Sáng tạo tìm ra những giải pháp tối ưu hợp lý hóa trong quản lý, điều tiết nước là thành quả tất yếu của những cán bộ, công nhân lao động tận tụy với công việc, là sức mạnh nội lực quan trọng của các Cty KTCTTL đáp ứng yêu cầu vừa phải khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt; vừa tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng vẫn đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống. Để tiếp tục phát huy được tinh thần sáng tạo của các cán bộ, công nhân viên làm việc chuyên ngành thủy nông, điều tiết nước, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, các Cty KTCTTL cần có cơ chế giao khoán công việc và đặt hàng giải pháp hữu ích để kích thích năng lực sáng tạo trong mỗi cá nhân, khai thác hiệu quả trí tuệ tập thể. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ tác giả trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng giải pháp hữu ích cũng như khen thưởng, động viên kịp thời bằng cả vật chất và tinh thần./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com