Ngan ngát mùa sen

08:07, 01/07/2016

Cuối tháng 6, đầu tháng 7, nắng vẫn vàng rực “chạy nhảy” trên  khắp cánh đồng. Thời điểm này, những người nông dân cần cù đã thu hoạch xong vụ lúa xuân. Đồng ruộng khô rang, phơi mình chờ vụ mới. Và bên những cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ, những đầm, ruộng sen xanh mướt đang ở vào thời kỳ rực rỡ. Trong sắc biếc xanh của lá, trong màu hồng thắm mướt của hoa, người trồng sen đang đợi kỳ thu hoạch.

Cây… tận thu

Lão nông Vũ Đức Phong, thôn Vũ Xuyên, xã Yên Dương (Ý Yên) đã có kinh nghiệm 10 năm trong nghề trồng sen: “Tôi là một trong những người trồng sen đầu tiên của xã Yên Dương. Trồng sen vốn không khó cũng chẳng mất công chăm sóc quá nhiều. Tuy nhiên, để trồng sen một cách hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao thì người trồng cũng cần phải tính toán” - ông Phong chia sẻ. Tháng giêng, khi mưa xuân được gió thổi bay là là khắp mặt đất, ông Phong bắt tay vào cải tạo ruộng đầm để chuẩn bị trồng sen. Ông cẩn thận, tỉ mỉ chọn những ngó, nhánh sen khỏe mạnh nhất để chuẩn bị cho mùa trồng cấy mới. Theo ông Phong, sen giống có thể trồng bằng gốc (ngó) sen hoặc tách nhánh. Cây sen giống đem trồng phải đạt tiêu chuẩn: có 2 lá mập, khỏe, đường kính lá lớn của cây giống là 30cm, không để cây bị dập lá hay gãy cọng hoặc gãy thân ngầm. Nếu cây giống được chọn lọc và bảo quản tốt, khi trồng tỷ lệ sống rất cao. Đối với những cây giống được chọn theo phương pháp tách nhánh, ông Phong thường chọn những nhánh cây dài khoảng 0,7-1m, có 3 cụm lá để trồng sẽ cho hiệu quả tốt nhất. Sau khi trồng từ 7-10 ngày, ông Phong tiến hành bón phân NPK với liều lượng khoảng 20kg/1ha. Ông cũng luôn “canh chừng”, chú ý đến mực nước trong ruộng với mức khoảng 25-30cm. Khi sen lớn hơn một chút, ông sẽ dẫn thêm nước vào ruộng. Sau khoảng 1 tháng 20 ngày, ông tiến hành bón phân đợt 2 cho sen với liều lượng khoảng 100kg NPK/ha. Một tháng sau đó, ông sẽ bón phân đợt 3. Cũng theo ông Phong, sen được trồng trên địa bàn tỉnh hiện có 2 giống phổ biến: Giống dùng lấy hạt có kích thước thân, lá, hoa, gương to hơn, đặc biệt hoa có màu hồng sậm, dân gian thường gọi là “Sen Trâu”. Giống có  thân, lá, hoa, gương nhỏ hơn, hoa có màu hồng phấn thường cho năng suất thấp hơn. Do vậy, khi trồng người nông dân cần phải chú ý chọn đúng giống để cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ông Vũ Đức Phong, xã Yên Dương (Ý Yên) kiểm tra, chăm sóc đầm sen của gia đình.
Ông Vũ Đức Phong, xã Yên Dương (Ý Yên) kiểm tra,
chăm sóc đầm sen của gia đình.

Sen là giống cây tương đối dễ trồng, không mất quá nhiều thời gian chăm sóc. Tuy nhiên để trồng sen thành công, người trồng phải có kinh nghiệm kết hợp với áp dụng kỹ thuật, biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây. Đây cũng là giống cây giúp người nông dân “tận thu” tốt nhất. Lão nông Vũ Văn Phong cho biết thêm: “Hầu như tất cả các thành phần của cây sen đều có thể… tính thành tiền được. Mùa sen năm nay, từ những ngày đầu tháng 5, tôi đã thu hoạch hoa để bán với mức giá dao động từ 15-20 nghìn đồng/chục bông. Đối với sen trà, tôi bán ở mức giá 35 nghìn đồng/kg, sen già sẽ bán được giá khoảng 30-40 nghìn đồng/kg”. Ngoài hoa và hạt, ông Phong còn có thể tận thu khi bán ngó sen với mức giá 50 nghìn đồng/kg. Các bộ phận khác của cây sen như đài, lá cũng thường xuyên được các tiểu thương hỏi mua. “Sen được người tiêu dùng rất ưa chuộng, là sản phẩm “thân thiện” với sức khỏe. Sen không chỉ chơi được, ăn được còn có thể dùng để chế biến làm đồ uống. Do đó, theo tôi, đây là loại cây cho hiệu quả kinh tế khá cao”, ông Phong nói thêm. Trên diện tích gần 3 mẫu sen của mình, ông Phong hiện trồng xen kẽ giống sen trắng với sen hồng: “Sen trắng cũng có quy trình trồng và chăm sóc giống như sen hồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của loại sen này không cao như sen hồng, ít hoa và cũng cho ít hạt hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì giống cây này vì vẫn có người hỏi mua. Sen trắng thường dùng chủ yếu để bán hoa cho các khách hàng có nhu cầu tâm linh”, ông Phong nói. Cùng trên diện tích trồng sen, hiện ông Phong kết hợp thả cá thịt. Khi trồng sen, ông phải tính toán mật độ thả cá thích hợp. Theo ông Phong, nếu không trồng sen trên 1m2 mặt nước, ông thả từ 6-7 con cá giống. Khi trồng sen, trên cùng diện tích chỉ nên thả 1-2 con cá giống. “Tuyệt đối không thả cá trắm vào ruộng sen vì chúng sẽ ăn ngó sen”, ông Phong chia sẻ thêm. Mỗi vụ sen, ông Phong thường thu được 1 tấn cá thịt. Trừ chi phí, với 3 mẫu sen, mỗi vụ ông Phong thu về khoảng vài chục triệu đồng, “tính ra lãi hơn so với trồng lúa khá nhiều” - lão nông già cười hiền lành chia sẻ.

Một mùa vụ khó khăn

“Năm nay hầu như người trồng sen trong tỉnh đều bị mất mùa. Thời tiết khắc nghiệt, mùa đông kéo dài, mùa hè nắng nóng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây sen. Do thời tiết bất thường nên năm nay ruộng sen nhà tôi bị giống sâu tằm phá hoại rất nhiều. Chúng ăn thủng hết các mặt lá” - ông Phong hái 1 lá sen bị “rỗ” lỗ chỗ, vàng vọt buồn rầu đưa cho chúng tôi xem. Vì bị sâu tằm ăn nên đầm sen nhà ông Phong chỉ cho thu hoạch bằng khoảng 60% so với năm ngoái. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình trồng sen trong tỉnh năm nay còn phải đối mặt với tình trạng thối ngó của cây sen. Ông Nguyễn Văn Nam, một lão nông trồng sen ở xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) nói:

“Cây sen còn hay bị bệnh thối ngó. Đối với loại bệnh này, chúng tôi chưa tìm ra phương pháp “trị” bệnh hiệu quả. Qua kinh nghiệm trao đổi giữa những người trồng sen với nhau, chúng tôi “trị” bệnh thối ngó bằng cách xả nước ra, bơm nước sạch vào để hạn chế tình trạng trên. Hiện, chưa có loại thuốc nào trị được dứt điểm bệnh thối ngó cho cây sen. Nếu thối ngó là thối luôn bông, bông không phát triển được, đương nhiên năng suất không cao”.

Về thị trường tiêu thụ, những người trồng sen như ông Phong cũng còn nhiều băn khoăn. “Những năm trước, sen tiêu thụ mạnh và được giá, nhưng hiện tại sen được trồng nhiều nơi. Hầu như trên địa bàn tỉnh chỗ nào cũng có người trồng sen. Ngoài ra, tại các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa…, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những đầm sen rộng lớn. Do đó, tình trạng “đụng hàng dội chợ” là khó tránh khỏi mỗi khi vào mùa thu hoạch rộ”. Bên cạnh đó, nhiều người trồng sen cho biết, những năm trước sen lụa (sen trà) còn được xuất bán sang thị trường Trung Quốc và Đài Loan, riêng năm nay thì các thị trường này không còn nhập, hoặc nhập rất ít hàng, sen tươi chủ yếu chỉ được tiêu thụ nội địa. Vì vậy, giá cả hầu như không tăng, hoặc tăng cũng chỉ rất nhẹ, trong khi giá phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… đều tăng. Do đó, ít nhiều, người trồng sen vẫn bị ảnh hưởng thu nhập, hiệu quả kinh tế giảm đi. Do đầu ra của giá sen không ổn định và dịch bệnh xuất hiện thường xuyên trên cây sen nên nhiều người trồng sen đã bắt đầu “e dè” với loại cây này. Diện tích trồng sen, theo đó đang có nguy cơ giảm nhẹ.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7, nắng vẫn còn “đổ lửa” trên những con đường. Đường tỉnh lộ 12 chạy qua Yên Dương đã được nâng cấp thành đường Quốc lộ 38B rộng rãi, phẳng lỳ. Nằm sát bên đường, đầm sen của lão nông Vũ Đức Phong vẫn đẹp đến ngỡ ngàng, xanh mát. Như những đốm lửa nhỏ, màu trắng, màu hồng của hoa sen xoa dịu cả ánh nắng hè chói gắt. Mùa sen đang đi vào những tháng cuối. Chỉ mong, bà con nông dân không bị “dìm giá”, cây ít sâu bệnh. Để người trồng sen đỡ phần lo lắng. Để giữa đồng ruộng mênh mông vẫn có thêm sắc xanh khỏe mạnh, mùi hương dịu mát của thứ hoa thanh tao này…

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com