Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định góp phần xây dựng và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân

07:06, 30/06/2016
Sau 23 năm thực hiện Quyết định số 390/TTg ngày 27-7-1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép triển khai Đề án thí điểm thành lập Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND), đặc biệt sau 16 năm thực hiện Chỉ thị 57 ngày 10-10-2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, đến nay Nam Định đã xây dựng được một hệ thống QTDND hoàn thiện và phát triển theo hướng an toàn và hiệu quả.

 Quá trình hoạt động, hệ thống QTDND trên địa bàn đã khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi của thành viên và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống của các thành viên… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, nhất là ở vùng nông thôn. Năm 2006 trên toàn tỉnh chỉ có 31 QTDND, huy động 137 tỷ đồng, cho vay 223 tỷ đồng, đến 31-5-2016 đã có 41 Quỹ hoạt động trên địa bàn 9 huyện, thành phố (trừ huyện Mỹ Lộc), huy động tiền gửi đạt 2.101 tỷ đồng (tăng gấp 15 lần năm 2006), cho vay đạt 2.150 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần năm 2006), trong đó nợ xấu là 5,9 tỷ đồng, chiếm 0,27% tổng dư nợ, thu hút 36.385 thành viên tham gia, tạo công ăn việc làm cho 390 lao động trực tiếp tại Quỹ với thu nhập ổn định.

Các QTDND trên địa bàn đã khẳng định là loại hình tổ chức tín dụng hoạt động ổn định và có hiệu quả nhất trong các loại hình tổ chức kinh tế HTX, thực hiện mục tiêu tương trợ cộng đồng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình QTDND.
 
Thành công của hệ thống QTDND trên địa bàn thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự phối hợp giữa NHNN tỉnh với các sở, ban, ngành có liên quan, với cấp uỷ, chính quyền nơi có QTDND hoạt động. Đặc biệt là vai trò của công tác thanh tra giám sát ngân hàng. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Thanh tra giám sát ngân hàng đã trực tiếp thẩm định các đề án thành lập và tham mưu để lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh cấp phép thành lập và hoạt động cho các QTDND trên địa bàn. Sau khi cấp phép thành lập và hoạt động, Thanh tra giám sát ngân hàng là đơn vị luôn đồng hành xây dựng và phát triển cùng các QTDND. Đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của NHNN Trung ương và của UBND tỉnh tới các QTDND. Tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các quỹ kịp thời, hiệu quả. Chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan của NHNN để tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quỹ. Từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trên tất cả các mặt hoạt động, đặc biệt về ứng dụng công nghệ tin học hiện đại vào hoạt động của QTDND. Đối với những quỹ sau tập huấn ứng dụng chưa thành thạo, thanh tra đã cử cán bộ xuống tận quỹ hoặc yêu cầu quỹ cử người đến bộ phận thanh tra để trực tiếp hướng dẫn. Từ chỗ cập nhật các nghiệp vụ hằng ngày bằng phương pháp thủ công, đến nay 41/41 quỹ đã sử dụng thành thạo phần mềm kế toán và kết nối internet đảm bảo tốt công tác báo cáo thống kê tập trung theo quy định của Thống đốc NHNN.
 
Tổ chức giám sát từ xa hoạt động của các quỹ thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện ra những yếu kém, sai phạm của từng quỹ, kiến nghị biện pháp khắc phục và thông báo bằng văn bản tới các quỹ. Hoạt động thanh tra tại chỗ với các QTDND luôn được chú trọng. Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm đối với từng quỹ. Hằng năm có từ 40-45% các quỹ được thanh tra, kiểm tra. Công tác thanh tra, kiểm tra tại chỗ đã phát hiện những sai phạm trong hoạt động của các quỹ. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả và đúng các quy định. Sau mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra công tác theo dõi, đôn đốc việc chỉnh sửa, khắc phục những sai phạm được quan tâm từ khâu chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc - nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Từ đó, đã giúp các quỹ nhanh chóng khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém. Với quỹ hoạt động yếu kém, có nguy cơ phải kiểm soát đặc biệt hoặc giải thể, thanh tra ngân hàng đặc biệt quan tâm, ngoài việc thực hiện giám sát thường xuyên và thanh tra tại chỗ, thanh tra còn tham mưu cho ban lãnh đạo ra quyết định thành lập tổ giám sát, có cán bộ thanh tra hằng ngày thường trực tại quỹ để giám sát hoạt động, kết quả đã đưa quỹ trở lại hoạt động bình thường.
 
Hướng dẫn các quỹ xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 734/QĐ-NHNN ngày 18-4-2012 và Công văn số 187/NHNN-TTGSNH.m ngày 5-4-2013 của Thống đốc NHNN; phương án chuyển tiếp theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31-3-2015 của Thống đốc NHNN quy định về QTDND. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện lộ trình Đề án cơ cấu lại và phương án chuyển tiếp đã được NHNN phê duyệt.
 
Ngày 26-5-2016, tròn 60 năm thành lập Thanh tra giám sát ngành Ngân hàng. Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, công chức Thanh tra giám sát NHNN tỉnh Nam Định đã và đang thi đua nâng cao chất lượng hoạt động nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các QTDND; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên và người gửi tiền; duy trì và nâng cao lòng tin của nhân dân và thành viên QTDND; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hệ thống QTDND trên địa bàn./.
 
Thanh tra giám sát NHNN tỉnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com